Làm chủ công nghệ
Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một trong những dự án đặt nền móng đầu tiên cho ngành công nghiệp nhôm tại Việt Nam. Dự án đi vào vận hành đã mở ra hướng đi mới cho hoạt động khai thác và chế biến sâu quặng bô xít tại Đắk Nông.
.jpg)
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, tại nhà máy luôn chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ công nhân vận hành thiết bị, đến công nghệ tự động hóa, số hóa… tất cả đều được đầu tư, đào tạo bài bản và liên tục cập nhật kiến thức.
Đến nay, hệ thống điều khiển tại nhiều phân xưởng chủ lực của công ty như: Khí hóa than, nung hydrat, nhiệt điện… đều được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Đồng thời, chuyển một số trạm giám sát điều khiển ở các khu vực phụ trợ về Phòng Điều khiển trung tâm.
Việc tự động hóa lò hơi, lò sinh khí, lò nung hydrat và các trạm phụ không chỉ giúp công ty tiết giảm nhân công trực tiếp, mà còn nâng cao năng suất, độ an toàn và tính ổn định trong vận hành cho nhà máy.

Đến nay, hạ tầng mạng và quản lý các phần mềm như Hexagon EAM, phần mềm giao ca, thống kê sản xuất, lưu trữ văn bản... được công ty đầu tư nâng cấp, hình thành nền tảng chuyển đổi số toàn diện trong doanh nghiệp.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một trong những dự án trọng điểm, với công nghệ hiện đại, lại được xây dựng, đưa vào sử dụng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng và sâu rộng.
Vì vậy, để khai thác tối đa nền tảng kiến trúc cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống tự động hóa hiện hữu, công ty luôn chú trọng nâng cấp, bổ sung công nghệ mới phù hợp. Qua đó nhằm hiện đại hóa quá trình khai thác, chế biến alumin, hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Định hướng đến năm 2030, công ty đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số với hạ tầng đồng bộ, dữ liệu được chuẩn hóa và kết nối xuyên suốt.
Việc tích hợp phần mềm, ứng dụng hệ thống điều khiển SCADA/DCS, công nghệ IoT, AI, Machine Learning, Big Data, điện toán đám mây và blockchain sẽ giúp nhà máy vận hành tối ưu nhất.
Việc này cũng góp phần nâng cao hiệu quả giám sát thiết bị, dự báo sự cố và cải thiện quản lý chuỗi cung ứng. Từ đó hỗ trợ công ty ra quyết định chính xác, nâng cao năng suất, giảm chi phí vận hành, cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo đảm tính bền vững cho hoạt động của nhà máy trong kỷ nguyên mới.
Cụ thể hóa chủ trương này, hàng năm, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV luôn dành nguồn lực nhất định cho công tác đào tạo. Riêng năm 2025, công ty sẽ dành gần hơn 7,9 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn đơn vị.

Lãnh đạo công ty cho biết, chủ trương này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu phát triển của công ty trong bối cảnh tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Công tác đào tạo được phát triển đồng đều ở cả 3 đối tượng lao động chính trong công ty, bao gồm: cán bộ quản lý cấp cao, cấp trung; chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ, quản lý; công nhân kỹ thuật các ngành nghề chính. Đây chính là ba trụ cột không thể thiếu để phát triển công ty trong giai đoạn mới.
Bài toán đào tạo nhân lực
Ngoài Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông đã quy hoạch xây dựng 4 dự án nhà máy alumin thực hiện chế biến quặng bô xít tại các cụm mỏ số 2,3,4,5.

Đó là: Dự án Nhà máy alumin Đắk Nông 2 (Đắk Glong); Dự án Nhà máy alumin Đắk Nông 3 (Đắk Song); Dự án Nhà máy alumin Đắk Nông 4 (Tuy Đức); Dự án Nhà máy alumin Đắk Nông 5 (Đắk Glong).
Đắk Nông hiện đã thống nhất cho chủ trương đầu tư các dự án Tổ hợp nhà máy chế biến quặng bô xít thuộc các cụm mỏ 2, 3, 4, 5 bảo đảm phù hợp với Quyết định 866, đúng quy định pháp luật.
Các dự án đang xin chủ trương đầu tư đều tập trung vào chế biến sâu khoáng sản bô xít và tối thiểu phải cho ra sản phẩm alumin. Công nghệ chế biến alumin, luyện nhôm và các sản phẩm sau nhôm của các dự án đều tiên tiến, trang thiết bị hiện đại.

Tương tự, Nhà máy Điện phân nhôm của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân dự kiến sẽ cho ra mẻ nhôm đầu tiên vào quý II/2026.
Khi đi vào hoạt động, dự án đóng góp khoảng 900 triệu USD vào GDP của tỉnh mỗi năm. Và đặc biệt là tạo ra khoảng 950 việc làm trực tiếp.
Việc đầu tư số lượng lớn các tổ hợp bô xít - alumin- nhôm này tại Đắk Nông đang đòi hỏi một nguồn lao động lớn, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu vận hành cho các nhà máy.
Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp nhôm dự kiến sẽ cần khoảng 6.700 việc người.
Không nằm ngoài xu thế, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện đã xác định chiến lược phát triển ngành nhôm.
Giai đoạn 2021 – 2030, TKV đặt mục tiêu sản xuất từ 1,4 - 2,8 triệu tấn alumin mỗi năm và sản xuất ra tấn nhôm thỏi đầu tiên vào năm 2030.

Giai đoạn tiếp theo, sản phẩm alumin của TKV có thể đạt tới 4 – 6 triệu tấn/năm. Để thực hiện mục tiêu này, nguồn nhân lực luôn được đơn vị xác định là yếu tố then chốt.
Ông Nguyến Tiến Mạnh, Phó Tổng Giám đốc TKV thông tin, đơn vị hiện đã và đang phát triển nhiều chính sách cải cách trong tuyển dụng, đào tạo, hợp tác quốc tế.
Theo đó, tập đoàn sẽ hợp tác đào tạo với nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó, tập trung đào tạo, tuyển dụng nguồn lực chất lượng cao có trình độ ngoại ngữ, có kiến thức, có kinh nghiệm thực tế.

Tập đoàn tiếp tục cử cán bộ các cấp đi học hỏi, tham quan thực tế tại các mỏ nước ngoài có trình độ công nghệ tiên tiến và hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại. Tập đoàn tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm quản lý vận hành với các tổ chức quốc tế…
Công nghiệp nhôm đang trên đà bứt phá. Bài toán nguồn nhân lực cũng cần được giải quyết bằng một chiến lược dài hạn, bài bản và đồng bộ.
Đào tạo phải đi trước một bước, bởi chỉ khi con người làm chủ được công nghệ, ngành công nghiệp này mới thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế bền vững.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thu-phu-nhom-quoc-gia-va-bai-toan-nguon-nhan-luc-250650.html
Bình luận (0)