Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ tại tọa đàm
ảnh: b.h
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ trong hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay (15.5) tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Tham dự hội thảo có 52 cơ sở giáo dục ĐH phía nam từ Đà Nẵng trở vào.
Giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính so với luật hiện hành
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, đây là một hoạt động có tính chiến lược khi Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi luật Giáo dục ĐH – văn bản pháp lý nền tảng định hướng cho sự phát triển dài hạn của toàn ngành giáo dục.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong những năm qua, giáo dục ĐH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, vẫn còn tồn tại không ít bất cập cần được nhận diện và khắc phục. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho việc sửa đổi luật, trong đó có xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, xã hội đang đặt nhiều kỳ vọng vào lần sửa đổi luật này. Đây sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục ĐH bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Để quá trình sửa đổi luật đạt hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung phân tích, làm rõ phạm vi bao phủ của các vấn đề đặt ra, xem xét tính phù hợp của định hướng chính sách, đồng thời đánh giá mức độ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của toàn hệ thống.
"Độ dài của luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này chỉ bằng khoảng 50% so với luật Giáo dục ĐH năm 2018. Số lượng văn bản hướng dẫn tính theo số trang cũng giảm khoảng 1 nửa. Mục tiêu nhằm đơn giản hóa, mạch lạc hóa hệ thống giáo dục đào tạo, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật hiện hành", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Dự thảo luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) kế thừa các điều khoản nội dung không đổi luật Giáo dục ĐH hiện hành (> 55%); Không trùng lặp các điều khoản với luật Giáo dục và luật sửa đổi Giáo dục, luật Nhà giáo, luật Giáo dục nghề nghiệp, luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, giảm hơn số điều, chương; giảm 50% số lượng quy trình; giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính so với luật Giáo dục ĐH hiện hành.
Ban soạn thảo dự án luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) Bộ GD-ĐT cũng thông tin, tích hợp nội dung trùng lặp và bãi bỏ các quy định chi tiết về điều kiện mở ngành, điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, quy trình tổ chức đào tạo chi tiết; Giảm thiểu thủ tục hành chính (ít nhất 50% do tích hợp quy trình mở ngành với đăng ký hoạt động đào tạo) theo chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Thực hiện tự chủ trong phát triển và thực hiện chương trình đào tạo được cấp phép, trừ lĩnh vực sức khỏe, giáo viên, pháp luật, an ninh và quốc phòng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Tiến Thảo nêu những đề xuất chính sách của Dự án luật Giáo dục ĐH sửa đổi
ảnh: hà ánh
6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi
Tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Tiến Thảo nêu những đề xuất chính sách của Dự án luật Giáo dục ĐH sửa đổi.
Chính sách 1 là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị ĐH tiên tiến. Chính sách 2 là định vị cơ sở giáo dục ĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chính sách 3 định vị cơ sở giáo dục ĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chính sách 4 là tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục. Chính sách 5 là phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính. Chính sách 6 là đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH.
Đáng chú ý, về nhóm chính sách 1 dự kiến quy định đối tượng áp dụng các cơ sở giáo dục ĐH và cơ sở giáo dục có hoạt động giáo dục ĐH. Các loại hình cơ sở giáo dục ĐH: ĐH quốc gia, ĐH vùng, ĐH, trường ĐH, học viện...; Tư cách pháp nhân của các đơn vị bên trong. Mô hình 2 cấp của ĐH quốc gia và ĐH vùng.
"Tự chủ ĐH là quyền chủ động của các cơ sở giáo dục ĐH trong quyết định các hoạt động theo quy định pháp luật; gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH; Không còn áp dụng tự chủ có điều kiện (như luật hiện hành). Tự chủ - trách nhiệm giải trình, đảm bảo chất lượng là xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của giáo dục ĐH", Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhấn mạnh.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-truong-bo-gd-dt-noi-gi-ve-luat-giao-duc-dh-sua-doi-185250515093925925.htm
Bình luận (0)