
Phiên thảo luận mở với chủ đề: "Hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”.
Chuyển đổi xanh là một yêu cầu tất yếu
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách với chủ đề "Khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”.Tại phần thảo luận mở thuộc diễn đàn, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp hợp tác thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, là một yêu cầu tất yếu. Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động các nguồn lực đầu tư, và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững. Thế giới hiện phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có như biến khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh và kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu.
Tại Việt Nam, chiến lược tăng trưởng xanh đã được Đảng và Nhà nước xác định là chiến lược phát triển cốt lõi, thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách. Trong đó có Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia “Net Zero” KC.16/24-30 do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xanh, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã tuyên bố tại COP26.
Theo thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 2 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD và hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Đáng chú ý, khoảng 200-300 DN trong số này đang hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi xanh như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Thứ trưởng Hoàng Minh khẳng định, diễn đàn là cơ hội quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng nhau thảo luận, đưa ra giải pháp và đề xuất các sáng kiến đột phá nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh.

Việt Nam đang có những bước đi quan trọng trong việc phát triển giải pháp xanh.
Hỗ trợ nghiên cứu công nghệ xanh
Giám đốc điều hành P4G, Robyn McGuckin chia sẻ, kể từ khi thành lập năm 2018, P4G hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu tại nhiều Quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hỗ trợ của P4G không chỉ dừng lại ở kỹ thuật và tài chính mà còn mở rộng kết nối DN với các cơ chế hoạt động hợp tác công tư để giúp họ vượt qua rào cản về vốn, nhân lực và chính sách... Tính đến nay, P4G đã huy động được khoảng 42 triệu USD đầu tư cho các mô hình hợp tác công tư (PPP), tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, nước và nông nghiệp. Riêng tại Việt Nam, khoảng 20 startup đã được hỗ trợ, đặc biệt là các giải pháp công nghệ về khí hậu, năng lượng sạch, như điện mặt trời, điện mặt trời áp mái và điện thông minh…
Giám đốc Điều hành Tổ chức State of Green (Đan Mạch), Finn Mortensen chia sẻ, Đan Mạch đã từng phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch trong những năm 70-80 thế kỷ trước. Tuy nhiên, nhờ đổi mới sáng tạo, đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Đan Mạch kỳ vọng trở thành Quốc gia đạt Net Zero. Kinh nghiệm được ông Finn Mortensen đưa ra là việc tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ để những doanh nghiệp này có thể tham gia vào các đối tác toàn cầu, từ đó đẩy mạnh hệ sinh thái, đạt được vị trí tiên phong trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Ông Finn Mortensen đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam và mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ xanh.
Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất cho rằng, các startup Việt Nam đang có những bước đi quan trọng trong việc phát triển giải pháp xanh nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Các lĩnh vực tiềm năng bao gồm công nghệ thông tin xanh, sản phẩm sinh thái, dịch vụ bền vững, công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản mà doanh nghiệp chuyển đổi xanh phải đối mặt, như khó khăn về tiếp cận tài chính, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường thói quen tiêu dùng và giá thành sản phẩm thân thiện môi trường vẫn là rào cản lớn.
Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi trong tư duy phát triển, khi tăng trưởng không thể tách rời trách nhiệm môi trường và lợi ích thế hệ tương lai. Trong bối cảnh đó, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh chính là một trong những động lực then chốt để hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam. Để giải quyết những khó khăn này, ông Phạm Hồng Quất đề cập tới việc thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh tại Việt Nam; phát triển một khung khung chỉ số đánh giá tác động môi trường - xã hội - kinh tế; hỗ trợ nghiên cứu công nghệ xanh. Đồng thời quảng bá thông tin để thay đổi thói quen mua sắm, khuyến khích dùng xanh.
Là đơn vị trực tiếp tham mưu và triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ cam kết sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ và các đối tác quốc tế. Đồng thời, nỗ lực thúc đẩy việc hình thành các chính sách linh hoạt, thiết thực, phù hợp với xu hướng phát triển xanh và bền vững.
Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Khởi nghiệp
và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)
Nguồn: https://baolaocai.vn/thuc-day-khoi-nghiep-xanh-doi-thoi-quen-tieu-dung-post400536.html
Bình luận (0)