Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ

BHG - Khẳng định vai trò “trụ cột” nền kinh tế của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đang tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững theo hướng hữu cơ, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang25/04/2025

BHG - Khẳng định vai trò “trụ cột” nền kinh tế của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đang tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững theo hướng hữu cơ, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Qua việc triển khai các quyết định của T.Ư, của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC), UBND các huyện, thành phố đã định hướng, xác định các nhóm sản phẩm cây trồng, vật nuôi đặc trưng có thế mạnh của địa phương để tập trung phát triển thành sản phẩm NNHC. Theo đó, vùng trồng trọt hữu cơ được xác định gồm vùng chè Shan tuyết, cây cam, cây ăn quả ôn đới; vùng lúa, dược liệu và các cây trồng khác đáp ứng yêu cầu. Vùng chăn nuôi hữu cơ gồm vùng chăn nuôi bò vàng, nuôi lợn đen địa phương, nuôi ong hữu cơ và vật nuôi khác.

Người dân lựa chọn mua nông sản tiêu biểu của huyện Vị Xuyên.
Người dân lựa chọn mua nông sản tiêu biểu của huyện Vị Xuyên. Ảnh: Kim Tiến

Hiện, tỉnh đang duy trì giấy chứng nhận hữu cơ đối với chè Shan tuyết có diện tích duy trì còn hiệu lực hơn 1.229 ha/3.902 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần; diện tích cấp mới giấy chứng nhận hơn 10 ha tại hai huyện Bắc Quang và Quang Bình. Đối với sản phẩm cây có múi, diện tích chứng nhận 10 ha tại huyện Bắc Quang; sản phẩm rau hữu cơ có diện tích chứng nhận 30 ha tại huyện Xín Mần thuộc đối tượng cây trồng đáp ứng đủ yêu cầu. Các nhóm cây trồng, vật nuôi khác gồm cây ăn quả ôn đới, lúa chất lượng cao, nhóm cây dược liệu, bò vàng vùng cao, lợn đen địa phương, mật ong Bạc hà đến hết năm 2024 chưa có sản phẩm được chứng nhận hữu cơ theo kế hoạch của UBND tỉnh phê duyệt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Nhị Sơn chia sẻ: Nhiều nhóm cây trồng, vật nuôi có đủ điều kiện nhưng chưa có sản phẩm được chứng nhận hữu cơ nguyên nhân do các địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí để cấp mới chứng nhận đối với các sản phẩm đã được xác định. Mặt khác, sản phẩm NNHC được người dùng đánh giá là sản phẩm an toàn, nhưng chi phí tư vấn, việc đánh giá và cấp giấy chứng nhận cao; sản phẩm hữu cơ thuộc phân khúc sản phẩm cao cấp, kén người dùng, chủ yếu phục vụ nhu cầu nhóm khách hàng là những người có thu nhập cao, nên thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện chưa rộng và phổ biến như sản xuất hàng hóa thông thường. Trong khi đó, kinh phí Nhà nước chỉ hỗ trợ cấp chứng nhận lần đầu nên gặp khó khăn trong hỗ trợ duy trì, cấp lại giấy chứng nhận.

Một trong những nguyên nhân khiến sản xuất NNHC chịu nhiều ảnh hưởng đó là thiên tai, mưa bão, lũ lụt khiến việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, đầu tư của hợp tác xã, doanh nghiệp gặp khó khăn. Giá trị của sản phẩm hữu cơ phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ, thị hiếu người tiêu dùng; thị trường nội địa cho sản phẩm NNHC chưa phát triển mạnh. Đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất hoạt động sản xuất kinh doanh theo hình thức doanh nghiệp của gia đình, chưa chủ động bỏ kinh phí để duy trì giấy chứng nhận. Việc liên kết và tự giám sát trong sản xuất hữu cơ và tiêu thụ giữa các cơ sở, giữa các hộ dân chưa chặt chẽ, chưa có sự thống nhất cao. Việc nhận biết, sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm của người tiêu dùng còn hạn chế, chưa có sự phân biệt giữa sản phẩm được chứng nhận và sản phẩm chưa được chứng nhận hữu cơ. Một số bộ phận người sản xuất chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho phát triển sản phẩm NNHC.

Không gian trưng bày các sản phẩm chè tại HTX chế biến chè xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì.
Không gian trưng bày các sản phẩm chè tại HTX chế biến chè xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Viên Sự

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất NNHC, tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, môi trường sản xuất an toàn, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất - chế biến giữa cơ sở chế biến với người sản xuất, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, qua đó nâng cao uy tín, thương hiệu và giá trị gia tăng sản phẩm hữu cơ. Phấn đấu năm 2025 thực duy trì và tái cấp lại 100% sản phẩm trồng trọt, vật nuôi, gồm: Chè hữu cơ trên 5.486 ha; triển khai mới chứng nhận lần đầu 4.598 ha. Đối với diện tích cây có múi 350 ha; cây ăn quả ôn đới 180 ha; cây lúa đặc sản 220 ha; cây dược liệu 350 ha. Đối với sản phẩm chăn nuôi: Bò vàng địa phương 1.650 con; lợn đen địa phương 4.700 con; mật ong Bạc hà 7.000 tổ.

Mèo Vạc là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng, theo Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc chia sẻ: “Huyện ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực tham gia kế hoạch liên kết trong sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu được chứng nhận hữu cơ. Lồng ghép các nguồn vốn, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện; tuyên truyền đến người dân về chính sách cho vay để sản xuất, kinh doanh”.

Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là 1 trong 3 đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, để sớm đạt mục tiêu đặt ra trong năm “nước rút” 2025 và thúc đẩy sản xuất NNHC, hướng đến nền nông nghiệp xanh, tỉnh ta huy động hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm chỉ đạo, tạo sự thống nhất; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tránh bệnh thành tích. Đồng thời, quản lý chặt chẽ đầu vào sản NNHC như giống cây trồng, vật nuôi; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; nguồn nước; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn được cấp chứng nhận khi lưu thông trên thị trường.

“Ngành sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm NNHC thuộc lĩnh vực quản lý; khảo sát, đánh giá ban đầu về điều kiện sản xuất tại vùng dự kiến chuyển sang sản xuất hữu cơ, thực trạng năng lực chế biến của doanh nghiệp, hợp tác xã; xây dựng vùng sản xuất hữu cơ gắn liền với cơ sở chế biến để đảm bảo mối liên kết theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm và duy trì giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Ứng dụng công nghệ kết hợp với kinh nghiệm truyền thống để sản xuất NNHC gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Nhị Sơn cho biết thêm.

Kim Tiến

Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/thuc-day-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-b4929fd/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm