Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã trao đổi với ông , Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Lắk. |
Thưa ông, tỉnh Đắk Lắk được thụ hưởng những dự án nào từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và kết quả nổi bật đã đạt được?
Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh có 7 dự án, gồm: Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo (tỉnh Đắk Lắk có 2 huyện nghèo là Ea Súp và M’Drắk); Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình. Tổng nguồn vốn bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh gần 1.500 tỷ đồng.
Để thực hiện chương trình hiệu quả, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, như: đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở; hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng công trình vệ sinh; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 là 2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm bình quân 4,09%/năm (đạt chỉ tiêu nghị quyết, kế hoạch đề ra), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ của nhà nước như: vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ bảo hiểm y tế; học nghề; tìm việc làm... để thoát nghèo.
Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chắc hẳn cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi về đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ so với giai đoạn trước nên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện dự án còn chậm, chưa thống nhất. Thời gian đầu thực hiện có nhiều sửa đổi, bổ sung dẫn đến việc tham mưu ban hành văn bản của tỉnh và việc tổ chức thực hiện của các sở, ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc phân bổ nguồn vốn cho địa phương cũng chậm.
Hiện nay, công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Đó là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS ở một số địa phương còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS của tỉnh còn 13,71% so với tổng số hộ DTTS và 70,52% so với tổng hộ nghèo. Bên cạnh đó, mức độ thiếu hụt dịch dụ xã hội cơ bản như: nhà tiêu hợp vệ sinh, việc làm, nhà ở…. của hộ nghèo còn cao.
Hộ nghèo xã Cư Né (huyện Krông Búk) được hỗ trợ xây dựng nhà. |
Để đạt mục tiêu năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 4% trở lên, theo ông đâu là giải pháp mấu chốt tỉnh cần quan tâm thực hiện?
Để đạt mục tiêu đề ra, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cụ thể người đứng đầu các ban, ngành, địa phương phải xác định giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội.
Đặc biệt, ngoài ngân sách Trung ương phân bổ, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
(thực hiện)
Nguồn: https://baodaklak.vn/phong-su-ky-su/202505/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-de-giam-ngheo-ben-vung-fb61196/
Bình luận (0)