Giai đoạn 1965 - 1975, Tiểu ban Giáo dục đã xây dựng được phong trào xóa mù chữ và phát triển tiểu học cho đồng bào các dân tộc vùng căn cứ, các xã được giải phóng; xây dựng được mạng lưới quản lý giáo dục địa phương... Qua đó, các thầy giáo, cô giáo đã từng bước gìn giữ, góp sức xây dựng nền móng cho ngành giáo dục tỉnh nhà.
Cựu nhà giáo Nguyễn Văn Đễ (thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) nhớ lại, hoạt động giáo dục thời lửa đạn trong bộn bề thiếu thốn nhưng đầy tự hào. Thiếu giáo viên, thiếu sách, thiếu tài liệu, thiếu phấn, thiếu bảng… Do đó, mỗi giáo viên sẽ dạy từ lớp vỡ lòng đến lớp 3 và kiêm nhiệm 3 - 4 lớp. Những lớp học “mọc” lên dưới tán rừng, dọc bờ suối, bàn học làm bằng tre nứa, học sinh lấy que nhọn làm bút, lá chuối làm giấy.
Trong điều kiện thiếu thốn đó, giáo viên đã có nhiều sáng kiến “vượt khó” nhưng ấn tượng nhất vẫn là cách tiết kiệm giấy: mỗi trang giấy sẽ được viết nhiều lần từ bút chì sang bút đỏ rồi bút mực, sau cùng là nhúng nước và phơi khô để viết lần nữa. Trường được xây dựng trong rừng cây, cạnh hang đá để khi địch càn quét, học sinh có thể chạy vào hang đá ẩn nấp. Có thời khắc cao điểm, địch càn quét 2 - 3 lần/năm. Trường cháy tan hoang trong bom đạn, giáo viên lại vào sâu hơn trong rừng kiếm địa điểm mới, cùng với nhân dân dựng lại trường, lớp…
Bia Tiểu ban Giáo dục trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Ảnh: Thúy An |
Năm nay đã 84 tuổi, nhà giáo lão thành Hà Ngọc Đào - nguyên cán bộ Tiểu ban Giáo dục Đắk Lắk thời kỳ này - nghẹn ngào xúc động khi nhắc nhớ tại nơi đặt bia này đã có nhiều nhà giáo - chiến sĩ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ. Cùng với các lực lượng khác, trong 10 năm kháng chiến, Tiểu ban Giáo dục đã nỗ lực xây dựng được phong trào xóa mù chữ và phát triển tiểu học cho đồng bào các dân tộc vùng căn cứ, các xã được giải phóng ở H1, H3, H10, H9, H5… Tiểu ban đã xây dựng được mạng lưới quản lý giáo dục ở các huyện kể trên, đồng thời xây dựng được Trường Bổ túc công - nông của tỉnh, Trường Sư phạm sơ cấp tỉnh, trường nội trú nuôi dạy con em liệt sĩ, mồ côi. Đặc biệt là Tiểu ban Giáo dục còn chỉ đạo viết và in tài liệu tiếng Êđê, M'nông dạy cho đồng bào vùng giải phóng và các chiến sĩ quân giải phóng người dân tộc thiểu số trong tỉnh để bảo đảm quyền được học của mọi người dân...
Đại diện thế hệ nhà giáo hôm nay, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Thanh Xuân đã gửi lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ nhà giáo, chiến sĩ đi trước. Đồng thời khẳng định, Bia Di tích lịch sử quốc gia "Tiểu ban Giáo dục thời kỳ 1965 – 1975" là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Ngành giáo dục sẽ có chương trình hoạt động phù hợp, cụ thể giúp học sinh hiểu biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương…
Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202505/ve-noi-gieo-chu-thoi-lua-dan-cd811f5/
Bình luận (0)