Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thực hiện tốt công tác quản lý, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử

Việt NamViệt Nam06/04/2025



Người dân huyện Chợ Đồn tích cực tham gia bảo vệ di tích văn hóa trên địa bàn

Luật gồm 9 chương, 95 điều, tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành (7 chương, 73 điều), bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hóa năm 2024 có những điểm mới cơ bản, cụ thể như: Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đồng thời hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn; quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích.

Luật cũng quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; quy định mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; quy định chính sách về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng; bổ sung quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.

Để giải quyết những điểm bất cập, bảo đảm tính hợp hiến, tính kế thừa, Luật chỉ quy định những vấn đề mới đã rõ, được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; sửa đổi những quy định chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn đặt ra. Luật Di sản văn hóa tập trung vào việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích.

Phân cấp, phân quyền trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cụ thể: Quy định thẩm quyền xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích theo hướng Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đối với di tích cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đối với di tích quốc gia; Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với di tích quốc gia đặc biệt; quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích.

Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hóa còn nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động sử dụng, khai thác di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, chuyển đổi số, việc xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Để Luật Di sản văn hóa được triển khai bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật. Trong đó chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa của địa phương, người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, tạp chí của địa phương có kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lưu ý tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Thực hiện hiệu quả, kịp thời cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương tới địa phương.

Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể dự án được triển khai từ nguồn ngân sách nào). Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích, phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, các nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận, góp ý, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.

Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa. Tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân địa phương để nâng cao nhận thức xã hội, các cấp chính quyền về di sản văn hóa.

Tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để Nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là đối với các di tích có tính chất tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng... Khi hoàn thành dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, cần có hình thức thích hợp để giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của di tích; ngày khởi công, ngày hoàn thành; những tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính; đơn vị thi công.

Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm, vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích (nếu có); bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương.


Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã thường xuyên quan tâm tăng cường công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 120 di tích, bao gồm 78 di tích đã được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh và 42 di tích đã được kiểm kê nhưng chưa xếp hạng).

"Múa bát" là một trong những Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được công nhận

Qua kiểm kê, trên địa bàn tỉnh đã có 204 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, trên cơ sở đó, hằng năm, tỉnh lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đến nay, tỉnh có 1 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Thực hành Then của người Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam” và 20 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trên cơ sở các di sản được ghi danh, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã hoàn thành các đề án, dự án như Bảo tồn và phát huy di sản Then, hát Lượn cọi, Lượn Slương của người Tày; bảo tồn, phục dựng lễ hội Chợ tình Xuân Dương, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, Lễ hội Mù Là... nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản đã được ghi danh, qua đó góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân; nhiều di sản được khai thác thành sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân…/.



Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/thuc-hien-tot-cong-tac-quan-ly-bao-quan-tu-bo-phuc-8c20.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm trận địa pháo 105mm tại Bến Bạch Đằng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam
Phim 'Địa đạo' đạt doanh thu không tưởng, vượt xa cơn sốt 'Đào, Phở và Piano'
Biển người đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Người dân xúc động đón đoàn tàu chở lực lượng tham gia lễ diễu binh từ miền Bắc vào Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm