Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiến hành đấu giá lại 'tần số vàng' để phát triển mạng 5G tại Việt Nam

Trong phương án đấu giá, Bộ Khoa học và Công nghệ không buộc doanh nghiệp phải triển khai 5G ở băng tần này, nhưng nhà mạng sở hữu sẽ có lợi thế về vùng phủ.

VietnamPlusVietnamPlus05/05/2025

Công ty đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia thông báo đấu giá quyền sử dụng khối băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz (B2-B2') trong hai tuần tới tại Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ). Công ty sẽ tiếp nhận hồ sơ đến 15/5/2025. 2 khối băng tần B2-B2' sẽ được đấu giá lại vào ngày 20/5, kể cả khi chỉ có một doanh nghiệp tham gia.

Để đăng ký, doanh nghiệp tham gia cần nộp khoản đặt cọc 100 tỷ đồng và phải được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cấp giấy xác nhận đáp ứng điều kiện đấu giá.

Giá khởi điểm của khối B2-B2' là 1.955.613.000.000 đồng, được thực hiện bằng cách bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, với bước giá 20 tỷ đồng.

B2-B2' là khối băng tần được quy hoạch để triển khai hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số (FDD).

Giá trị của một tần số phụ thuộc vào dải hoạt động rộng hay hẹp và tần số thấp hay cao. Tần số càng rộng, tốc độ truyền dữ liệu càng cao. Tần số ở dải càng thấp, sóng di động càng đi xa. Do ở tần số thấp, 700 MHz có vùng phủ rộng hơn so với các băng tần từng được đấu giá, nên được gọi là 'băng tần vàng.'

Trong phương án đấu giá, Bộ Khoa học và Công nghệ không buộc doanh nghiệp phải triển khai 5G ở băng tần này, nhưng nhà mạng sở hữu sẽ có lợi thế về vùng phủ.

Cục trưởng Tần số Lê Văn Tuấn từng nhận định, về lý thuyết, để hiệu quả, 4G cần cả hai băng tần nâng cao tốc độ truy nhập (băng tần cao) và băng tần nâng cao chất lượng vùng phủ sóng (băng tần thấp). Nhà mạng cần băng tần thấp để tối ưu hóa vùng phủ khi triển khai 5G Stand-alone (mạng 5G độc lập, không phụ thuộc hạ tầng 4G) và cân bằng lại vùng phủ giữa vùng lên vùng xuống.

Trong phương án tổ chức đấu giá băng tần B2-B2', hồi cuối tháng 3/2025 Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu doanh nghiệp cam kết triển khai mới tối thiểu 2.000 trạm phát sóng di động sau hai năm kể từ ngày được cấp giấy phép.

Nhà mạng trúng đấu giá phải triển khai mới tối thiểu 650 trạm ở các khu vực biển, đảo, đồng thời phủ sóng 100% tuyến đường bộ cao tốc trước 2030. Doanh nghiệp được yêu cầu phát sóng muộn nhất sau 12 tháng kể từ ngày được cấp phép. Khi đó, tối thiểu 30% số lượng trạm đã cam kết phải phát sóng.

Hồi tháng 2/2025, việc đấu giá khối băng tần B2-B2' phải hủy bỏ vì thiếu doanh nghiệp, do chỉ có một đơn vị nộp tiền đặt cọc. Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, điểm mới của phương án đấu giá lại trong tháng 5/2025 là hoạt động này sẽ thực hiện ngay cả khi chỉ có một doanh nghiệp tham gia.

Trước đó trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ, đã tổ chức đấu giá thành công ba khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz), C2 (3.700-3.800 MHz) và C3 (3.800 - 3.900 MHz)./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tien-hanh-dau-gia-lai-tan-so-vang-de-phat-trien-mang-5g-tai-viet-nam-post1036684.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm