Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: “Đổi thu lấy lợi ích” cho phát triển bền vững

Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được Bộ Tài chính đề xuất kéo dài đến năm 2030 với kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và xóa đói, giảm nghèo.

Báo Yên BáiBáo Yên Bái06/05/2025

Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính). (Ảnh: MINH PHƯƠNG)
Dù hụt thu ngân sách khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm, nhưng theo Bộ Tài chính, đây là sự đánh đổi cần thiết cho lợi ích lớn hơn về mặt kinh tế-xã hội.

Trong buổi trao đổi với báo chí chung quanh việc đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030, ngày 6/5, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị và phát triển bền vững.

Vì vậy, việc tiếp tục chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất và ổn định đời sống người nông dân.

Hiện tại, chính sách miễn thuế này được thực hiện theo các Nghị quyết số 55/2010/QH12, 28/2016/QH14 và 107/2020/QH14 của Quốc hội, áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Nội dung chính là miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp, trừ trường hợp đất được giao nhưng người sử dụng không trực tiếp sản xuất mà cho thuê lại.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, chính sách này sẽ được kéo dài đến hết năm 2030. Ông Hưng cho biết, đây không chỉ là một công cụ hỗ trợ trực tiếp cho người dân mà còn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, bảo đảm an ninh lương thực, tạo việc làm ở nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chính sách này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo tính toán, việc kéo dài miễn thuế đến năm 2030 sẽ khiến ngân sách nhà nước không thu khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Hưng khẳng định đây không phải là "hụt thu” mới, vì chính sách miễn thuế đã và đang được thực hiện ổn định nhiều năm nay. Thay vì giảm thu, đây là việc tiếp tục duy trì mức thu hiện tại - tức gần như không thu từ loại thuế này.

Ông dẫn chứng: "Trong năm 2022 và 2023, số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 0,0057% tổng thu ngân sách nhà nước. Đây là con số rất nhỏ, chỉ đủ để bù một phần chi phí quản lý thuế”.

Do đó, việc tiếp tục chính sách này không ảnh hưởng lớn đến cân đối thu chi ngân sách quốc gia. Ngược lại, chính sách đang tạo ra hiệu quả tích cực, được hầu hết các địa phương đánh giá cao vì giúp thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Liên quan đến một số ý kiến lo ngại việc miễn thuế đại trà có thể dẫn đến tình trạng đất bỏ hoang nhưng vẫn được hưởng ưu đãi, ông Hưng cho biết đề xuất của Bộ Tài chính không mở rộng thêm đối tượng được miễn thuế, mà chỉ kéo dài thời hạn áp dụng. Đồng thời, các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích hoặc bỏ hoang đã có chế tài xử lý.

Cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định rất rõ tại khoản 7 Điều 81: Nếu đất trồng cây hằng năm hoặc nuôi trồng thủy sản không được sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng, đất trồng cây lâu năm không sử dụng trong 18 tháng, hoặc đất trồng rừng không sử dụng trong 24 tháng, thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và bị thu hồi. Điều 103 của Luật cũng nêu rõ: đất bị thu hồi vì bỏ hoang sẽ không được bồi thường.

Nói cách khác, khung pháp lý hiện nay đã đủ chặt chẽ để xử lý tình trạng đất bỏ hoang. Bộ Tài chính, với vai trò quản lý chính sách thuế, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý đất đai để bảo đảm chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự đi vào đúng đối tượng, mang lại hiệu quả, tránh thất thoát ngân sách và lãng phí tài nguyên đất đai.

Ngoài ra, Điều 103 của Luật cũng quy định, khi đất bị thu hồi do bỏ hoang, Nhà nước sẽ không bồi thường về đất. Như vậy, hệ thống pháp luật hiện hành đã có các quy định rất rõ ràng nhằm bảo đảm việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, tránh tình trạng "ôm đất chờ thời” hoặc sử dụng sai mục đích.

Ông Hưng chia sẻ thêm: "Thực tế, số lượng các trường hợp đất bỏ hoang được miễn thuế là rất ít, không đáng kể so với tổng diện tích đất nông nghiệp đang được miễn thuế. Tuy nhiên, để chính sách đi vào đúng mục tiêu, việc phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý đất đai là hết sức quan trọng”.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào cho người dân mà còn góp phần định hướng sử dụng đất hiệu quả, thúc đẩy sản xuất lớn, công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.

Dự kiến, nếu Quốc hội thông qua, chính sách này sẽ tiếp tục được thực hiện ổn định từ năm 2026 đến hết năm 2030.

(Theo NDO)

Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349835/Tiep-tuc-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-Doi-thu-lay-loi-ich-cho-phat-trien-ben-vung.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở
Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm