
Hướng đi mới
Ghi nhận của chúng tôi ở chợ Tam Kỳ, không khí mua bán không quá nhộn nhịp nhưng đã vượt qua cảnh ế ấm, vắng khách vài tháng trước. Ở khắp các quầy hàng kinh doanh quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hải sản, trái cây…, tiểu thương đều bố trí QR Code để người dân thuận tiện thanh toán sau khi mua sắm. Nhiều khách hàng đã hài lòng khi có thể chọn lựa thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo quan sát, hàng hóa ở chợ Tam Kỳ khá phong phú chủng loại, đa dạng kiểu mẫu, có xuất xứ rõ ràng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hồng - tiểu thương buôn bán quần áo ở chợ Tam Kỳ cho biết, trước đây, chị chỉ bán hàng trực tiếp tại quầy. Thấy lượng khách mua sắm ít ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, chị vừa bán trực tiếp tại quầy, vừa bán hàng trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, facebook…
“Tôi thường đưa những hình ảnh bắt mắt của hàng hóa trên nền tảng Zalo, facebook để khách hàng lựa chọn. Tôi cũng áp dụng livestream để kích thích mua sắm của khách hàng” - chị Hồng nói.
Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, dù chưa áp dụng rộng khắp nhưng có thể ghi nhận xu hướng bán hàng qua livestream của các tiểu thương trong chợ.
Đây là hướng đi tất yếu để bán hàng thuận lợi hơn, qua đó tăng khả năng tương tác, kinh doanh hàng hóa. Nhiều tiểu thương bán hàng trực tiếp hay qua kênh online đã tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mãi giống như các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi để kích thích mua sắm...
Tiếp cận công nghệ mới
Số hóa, kinh tế số đang trở thành làn sóng rộng khắp, xâm nhập vào hoạt động kinh doanh của các tiểu thương ở chợ truyền thống.

Ở chợ Hội An, một số tiểu thương đã tiếp cận các phần mềm quản lý bán hàng như KiotViet, “Sổ bán hàng”… Ưu thế của các phần mềm công nghệ mới này giúp tiểu thương tiết kiệm thời gian, quản lý bán hàng chặt chẽ hơn.
Chị Trần Hoàng Hoa - tiểu thương bán các mặt hàng thời trang ở chợ Hội An cho biết, trước đây chưa ứng dụng phần mềm “Sổ bán hàng” thường phải lục tìm hàng mới, đối chiếu hàng cũ, có khi không biết chiếc áo mới để nơi đâu để nhanh chóng giới thiệu, bán cho khách hàng.
Từ khi ứng dụng phần mềm “Sổ bán hàng”, việc kinh doanh hàng hóa rất thuận tiện. “Chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại, máy tính là tôi cập nhật dễ dàng các quản lý lãi lỗ - công nợ; nắm rõ doanh thu, chi phí bán hàng; tạo website, catalog bán hàng chuyên nghiệp; có trợ lý AI phân tích lãi lỗ thông minh; theo dõi hiệu quả, chính xác, tối ưu hóa quản lý tài chính; theo dõi và tự động gửi nhắc nợ đến khách hàng; tích hợp đối soát với tài khoản cá nhân không cần tải sao kê ngân hàng…
Trước đây ở nhiều thời điểm đông khách, tôi phả thuê thêm người lao động phụ giúp thì nay có công nghệ mới nên công việc thông suốt, tiết kiệm chi phí thuê nhân công” - chị Hoa nói.
Xu hướng số hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, tiểu thương ở các chợ truyền thống đã tiếp cận các phần mềm quản lý bán hàng để có sự trợ giúp đắc lực từ công nghệ số.
Bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, đến nay hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khối phố. Qua đó hướng dẫn tiểu thương triển khai các mô hình chợ 4.0 nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh.
Quảng Nam ngày càng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại. Chuyển biến là ứng dụng các công nghệ quản lý thương mại ngày càng rộng khắp trong cộng đồng tiểu thương, dẫn đến vận động buôn bán ở các chợ truyền thống ngày càng hiện đại, tiện lợi hơn.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tieu-thuong-quang-nam-ngoi-cho-truyen-thong-ban-hang-online-3154305.html
Bình luận (0)