Trong quá trình lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT, không chỉ tìm hiểu thông tin ngành nghề mà học sinh còn muốn biết về chất lượng trường ĐH.
Các học sinh (HS) cũng nêu những thắc mắc về sự khác nhau giữa các loại hình trường, các bậc học, cơ hội việc làm… trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 16.2 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương.
Chương trình được tường thuật trực tuyến trên nhiều kênh của Báo Thanh Niên như: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
CÁCH LỰA CHỌN NGUYỆN VỌNG PHÙ HỢP
Đầu chương trình, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin một số điểm mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2025. Theo đó, một điểm mới quan trọng trong xét tuyển ĐH năm nay là không còn xét tuyển sớm và các trường sẽ thực hiện đợt xét tuyển chung sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hàng ngàn thí sinh lắng nghe các chuyên gia tư vấn trong hội trường Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương sáng qua (16.2)
Nói thêm về xét tuyển ĐH, tiến sĩ Hạ cho biết thí sinh (TS) được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, TS nên cân nhắc nguyện vọng yêu thích nhất để đặt ở nguyện vọng 1. "Dù không bị giới hạn số lượng nhưng TS không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, đặc biệt các nguyện vọng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc lựa chọn nguyện vọng là câu chuyện cực kỳ quan trọng và cần thực hiện một cách nghiêm túc để tìm được ngành học thực sự phù hợp. Các em có thể tham khảo ý kiến nhiều người nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết định của chính các em cho tương lai của mình", tiến sĩ Hạ nhấn mạnh.
Giải đáp băn khoăn của HS Trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương) về sự khác nhau giữa các phương thức xét tuyển, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết đến nay các trường có nhiều phương thức tuyển sinh và không trường nào sử dụng ít hơn 3 phương thức. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển là một phương thức để vào ĐH. "Thực tế cho thấy có những TS trúng tuyển phương thức này nhưng không trúng tuyển phương thức khác vào cùng 1 ngành của 1 trường. Do đó, để tăng cơ hội trúng tuyển, TS nên sử dụng nhiều phương thức khác nhau của 1 trường", tiến sĩ Nhân khuyên.
CHỌN NGÀNH THEO ĐAM MÊ HAY ĐỂ CÓ NHIỀU TIỀN ?
Một HS Trường THPT Trần Văn Ơn (Bình Dương) băn khoăn: "Trước khi bước vào lớp 12 em dự định sẽ xét tuyển vào một ngành thể thao theo đam mê cá nhân. Nhưng sau quá trình tham khảo ý kiến gia đình, em thấy học ngành kinh tế có nhiều ưu thế hơn, khả năng kiếm tiền tốt hơn. Em nghĩ mục tiêu sau cùng của chúng ta là ra trường làm việc kiếm tiền lo cho cuộc sống. Vậy, em nên lựa chọn theo đam mê hay vì mục tiêu kinh tế, sự khác nhau giữa các loại hình trường ảnh hưởng tới CV xin việc ra sao?". Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Marketing, chia sẻ: "Chúng ta có quyền lựa chọn ngành học, trường học nhưng khi ra trường nộp đơn xin việc các nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn chúng ta, căn cứ trên những gì bản thân chúng ta trang bị và đầu tư trước đó. Vậy nên nếu chỉ học vì lợi ích kiếm tiền mà bỏ qua đam mê cá nhân thì liệu có đủ sự quyết tâm cần thiết để nỗ lực phấn đấu nhằm đạt kết quả tốt nhất hay không?".
Những thắc mắc của học sinh được các chuyên gia trả lời cặn kẽ trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nói thêm: "Chỉ có đam mê mới giúp các bạn kiếm tiền một cách bền vững. Vì vậy, việc lựa chọn ngành học cần xuất phát từ đam mê và phù hợp với năng lực của mình. Khi có đủ đam mê và năng lực phù hợp, có quyết tâm theo đuổi đam mê đó thì dù học ngành nào, trường công, tư hay quốc tế cũng sẽ giúp bạn thành công, kiếm tiền tốt".
Một HS cho biết có đam mê theo ngành sư phạm nhưng sau khi hỏi ý kiến thì nhiều người ngăn cản. Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), khuyên: "Em cần phân tích mình có thực sự phù hợp, đam mê với ngành học và bản thân có thể thay đổi để phù hợp với nghề này không? Mỗi ngành nghề đều có cơ hội và thách thức như nhau". Tiến sĩ Huỳnh Tấn Lợi, Trưởng ngành tiến sĩ khoa học môi trường Trường ĐH Văn Lang, cho biết bản thân đam mê sư phạm nhưng đi học ngành kỹ thuật và hiện đang công tác trong môi trường giáo dục. Dù làm ngành nào, yếu tố quan trọng là phù hợp khả năng và sở thích của mình.
KÊNH TÌM HIỂU THÔNG TIN CÁC TRƯỜNG
Giải đáp băn khoăn của HS về việc lựa chọn học trường công hay tư, thạc sĩ Cao Quảng Tư thông tin thêm, hiện Bộ GD-ĐT có quy định chung về trường ĐH và chuẩn giảng viên. Đặc biệt, với xu hướng tự chủ ĐH hiện nay thì mức độ khác nhau giữa trường công và tư hiện rất ngắn.
Học sinh đặt nhiều câu hỏi hay, hóc búa trong chương trình Tư vấn mùa thi tại Bình Dương
Cũng liên quan đến chất lượng một trường ĐH, một HS hỏi: "Em tìm hiểu thông tin trên mạng là hằng năm các trường phải thực hiện "ba công khai", em có nên sử dụng thông tin này để đánh giá chất lượng một trường ĐH không?". Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH phải đăng tải thông tin công khai về tình hình hoạt động của trường trên website, từ đó xã hội và HS có thể tìm hiểu, đánh giá thông tin của một cơ sở đào tạo. Mỗi cơ sở ĐH xác định sứ mệnh và tiêu chuẩn chất lượng khác nhau. Trong đó, "ba công khai" là kênh quan trọng để tham khảo thông tin một trường ĐH.
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị hỗ trợ thực hiện chương trình: Bộ GD-ĐT, Tổng công ty Becamex IDC, Tỉnh đoàn Bình Dương, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương. Cảm ơn các đơn vị đồng hành chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Văn Lang. Cảm ơn Công ty cổ phần xe khách Phương Trang hỗ trợ đưa đón ban tổ chức trong quá trình thực hiện chương trình. Cảm ơn Bệnh viện Vạn Phúc City hỗ trợ công tác sức khỏe cho học sinh.
Sự khác nhau giữa ĐH và CĐ
HS Nguyễn Đức Nguyên (Trường THPT Tây Nam, Bình Dương) hỏi: "Có sự khác nhau nào giữa trường ĐH và CĐ, cơ hội sau khi ra trường có chênh lệch không? Ngành công nghệ thông tin hiện nay đang "hot", 4-5 năm nữa có bị mờ nhạt không?". Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng ĐH không phải con đường duy nhất, ngoài ĐH còn bậc học CĐ và trung cấp. Giữa 2 bậc học ĐH và CĐ có sự khác nhau về bằng cấp, định hướng đào tạo và thời gian học tập. Học CĐ sẽ tham gia vào thị trường lao động sớm hơn khi chỉ học từ 2-3 năm, trong khi học ĐH 3-5 năm. Do đó, không chỉ học ngắn hơn mà học phí bậc CĐ cũng thấp hơn học ĐH.
"Cơ hội việc làm sẽ không có sự khác biệt nhiều về bậc học mà phụ thuộc vào kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp mà người học trang bị được sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập có thể khác biệt ở mức khởi đầu, nhưng chỉ trong môi trường làm việc nhà nước", tiến sĩ Khả phân tích thêm.
Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, bổ sung ưu điểm bậc học CĐ: "Thời gian thực hành bậc CĐ chiếm tới 70% thời lượng học tập, sau khi tốt nghiệp có thể làm ngay vị trí mong muốn. Sau bậc CĐ, sinh viên vẫn có thể vừa làm vừa học để nâng cao trình độ".
Nguồn: https://thanhnien.vn/tim-hieu-chat-luong-truong-dai-hoc-o-dau-185250216193925577.htm
Bình luận (0)