Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín dụng ngân hàng - đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng bền vững

(Chinhphu.vn) – Tại Hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7" do NHNN tổ chức chiều ngày 4/4 tại Thanh Hóa, đại diện các DN và ngân hàng đã đề xuất nhiều giải pháp để ngân hàng hỗ trợ sản xuất, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh bền vững cho các địa phương như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ04/04/2025

Tín dụng ngân hàng - đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng bền vững- Ảnh 1.

Hội nghị "Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7" - Ảnh: VGP/HT

DN kỳ vọng ngân hàng tiếp sức cho phát triển bền vững

Dưới góc độ doanh nghiệp (DN), ông Lê Văn Phương – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn đánh giá: tín dụng ngân hàng từ lâu đã trở thành nguồn lực thiết yếu giúp DN không chỉ duy trì hoạt động mà còn đầu tư chiều sâu, phát triển công nghệ, mở rộng quy mô. Đặc biệt trong ngành nông nghiệp, nơi có mối liên kết mật thiết với nông dân, vai trò của ngân hàng càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.

Trong nhiều năm qua, Mía đường Lam Sơn đã hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng lớn như VietinBank, MB, Techcombank, ACB…, đặc biệt là VietinBank Thanh Hóa với mối quan hệ kéo dài hơn 30 năm. Sự hợp tác này không chỉ cung cấp tín dụng mà còn mang đến các giải pháp tài chính linh hoạt, tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Phương cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn như: Nhiều hộ nông dân trồng mía đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ưu đãi. Ngân hàng cần triển khai thêm các gói tín dụng linh hoạt, cơ chế trả nợ phù hợp theo mùa vụ. Ngoài ra, nên có thêm chính sách hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa, phát triển giống mía mới, hướng tới mô hình phát triển nông nghiệp bền vững.

Bà Trần Thị Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Hà Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng.

"Là DN sản xuất lương thực – ngành thiết yếu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chúng tôi xác định vai trò của tín dụng ngân hàng không chỉ là nguồn vốn, mà còn là 'người bạn đồng hành' trong quá trình hiện đại hóa", bà Trần Thị Loan nói.

Theo bà Trần Thị Loan, với đặc thù ngành lương thực phụ thuộc mùa vụ và giá cả biến động mạnh, các DN cần sự linh hoạt trong chính sách tín dụng: thời gian vay dài hơn, lãi suất ưu đãi và thủ tục nhanh gọn. Trong những năm qua, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Agribank, BIDV, VietinBank, cả về vốn lẫn cải tiến dịch vụ. Đặc biệt, 3 ngân hàng này đã chủ động giảm lãi suất, tối ưu thủ tục vay và luôn đồng hành trong giai đoạn khó khăn.

"Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mã hóa dữ liệu tín dụng, tích hợp AI nhằm tăng tính bảo mật, minh bạch và giảm nguy cơ giả mạo. Bên cạnh đó, rất cần các chương trình tư vấn tài chính giúp DN sử dụng vốn hiệu quả hơn", bà Trần Thị Loan nhấn mạnh.

Giải pháp đồng hành cùng mục tiêu tăng trưởng kinh tế khu vực

Từ góc độ ngân hàng, ông Hồ Văn Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ loạt giải pháp chiến lược nhằm đẩy mạnh tín dụng tại Khu vực 7.

"Trong năm 2025, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khu vực này trên 15%, riêng một số chi nhánh như Bắc Thanh Hóa được giao tăng trưởng đến cao hơn nhiều. Điều này thể hiện rõ cam kết của chúng tôi trong việc đồng hành cùng sự phát triển của địa phương", ông Hồ Văn Tuấn nói.

Tín dụng ngân hàng - đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng bền vững- Ảnh 2.

Ông Hồ Văn Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT

Ông Hồ Văn Tuấn cho biết, Vietcombank luôn tiên phong trong nhiều lĩnh vực ưu tiên như: Đóng vai trò là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; tài trợ cho các dự án cao tốc, kết nối vùng, thu hút đầu tư FDI; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu và SME, hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế; công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, chuyển đổi số...

"Chúng tôi đã triển khai thành công giải pháp giải ngân online cho khách hàng tổ chức, đây là bước tiến lớn giúp tiết giảm chi phí và rút ngắn thời gian vay vốn", đại diện Vietcombank nói.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết: Năm 2024 vừa qua là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả hết sức tích cực: tăng trưởng kinh tế đạt gần 7,1%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Mặc dù theo thông lệ, tín dụng đầu năm thường thấp, nhưng đến cuối tháng 3/2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng gần 2,5%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng chỉ 0,26% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ sử dụng vốn thị trường 1 đạt khoảng 103%, cho thấy các tổ chức tín dụng đã huy động tối đa nguồn vốn để phục vụ nền kinh tế.

Riêng tại Khu vực 7, tổng dư nợ tín dụng khu vực ước đạt hơn 560.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,5% dư nợ toàn quốc. Quy mô tín dụng và huy động vốn của khu vực đứng thứ 7/15 – cho thấy tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng tại khu vực 7 cũng đang gặp không ít khó khăn như: Nguồn vốn huy động tại chỗ mới đáp ứng khoảng 90% nhu cầu vốn tín dụng, có địa phương chỉ đạt 68–70%; môi trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi Hoa Kỳ áp trần thuế cao lên hàng hóa Việt Nam gần đây.

Tín dụng ngân hàng - đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng bền vững- Ảnh 3.

Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh: Bước sang năm 2025, Quốc hội và Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia đạt ít nhất 8%. Riêng đối với các địa phương thuộc Khu vực 7 gồm Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam, các chỉ tiêu tăng trưởng được giao ở mức cao, từ 10,5% đến 12%. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn về nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó tín dụng ngân hàng tiếp tục đóng vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16%, cao hơn so với những năm gần đây. Trong hơn 2 tháng đầu năm, NHNN đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo điều hành tín dụng trên toàn quốc, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như: Giảm lãi suất cho vay, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN. Hướng tín dụng vào đúng mục tiêu, đảm bảo an toàn và hiệu quả, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng.

Ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tiếp cận vốn. Mở rộng các chương trình tín dụng, đặc biệt với các ngành hàng trọng điểm đảm bảo an ninh lương thực, triển khai chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trước thực tế đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% toàn quốc và 10,5–12% tại khu vực 7, toàn ngành ngân hàng cần nỗ lực cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc: Kết nối nhu cầu tín dụng giữa ngân hàng và DN; nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, từ đó, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả, linh hoạt. Ngân hàng sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng vào các ngành thế mạnh của từng địa phương.

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, đặc biệt như diễn biến mới xảy ra gần đây khi xu thế lãi suất cao tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thì để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn quốc năm 2024 đạt mức tăng trưởng 16%, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước ở mức 8% và mức lạm phát từ 4,0% đến 4,5%, đòi hỏi ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng và chi nhánh cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối ngân hàng - DN để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý cụ thể, hiệu quả. 

"Rất mong các cơ quan như Tỉnh ủy, UBND tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp xem xét kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ; tăng cường triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - DN và chỉ đạo phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chương trình mang tính đặc thù của địa phương, khu vực và có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, tăng nhu cầu tín dụng cho khu vực để tạo điều kiện cho ngành Ngân hàng cung ứng nguồn vốn tốt hơn cho các khu vực", Phó Thống đốc bày tỏ mong muốn. 

Tín dụng ngân hàng - đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng bền vững- Ảnh 4.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đã trao quyết định cho Ban lãnh đạo NHNN Khu vực 7 (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình)

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay: Trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có đề xuất luật hóa một số nội dung quan trọng của Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.

"Đề nghị các vị là đại biểu Quốc hội ở các tỉnh sẽ cùng đồng hành, chia sẻ,  giúp cho ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng ở các địa phương sẽ có thể áp dụng các nội dung này một cách thuận lợi hơn. Từ đó, hỗ trợ tài chính, giảm bớt khó khăn cho các DN và người dân trên địa bàn", lãnh đạo NHNN nói. 

Cũng trong ngày 4/4, tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Công bố Quyết định và ra mắt NHNN Khu vực 7 và Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7 (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình).

Trước đó, ngày 1/3/2025, Thống đốc NHNN đã ban hành các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Khu vực 7, cụ thể: ông Trần Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ NHNN giữ chức Giám đốc NHNN chi nhánh Khu vực 7; các Phó Giám đốc NHNN khu vực 7 bao gồm các ông: Tống Văn Ánh, Đặng Văn Kim, Nguyễn Văn Khiết, Ngô Lam Sơn.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đã trao quyết định cho Ban lãnh đạo NHNN Khu vực 7 cùng các trưởng, phó phòng.

Theo lãnh đạo NHNN: Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của NHNN, trong đó có 15 NHNN khu vực là kết quả của sự nỗ lực nghiêm túc, quyết liệt của Ban lãnh đạo, Ban Chỉ đạo của NHNN, thực hiện các chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai cuộc "cách mạng" tinh gọn bộ máy.

Huy Thắng


Nguồn: https://baochinhphu.vn/tin-dung-ngan-hang-don-bay-thuc-day-tang-truong-ben-vung-102250404190033346.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm