Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín dụng tiêu dùng:Lãi suất cao, nhiều người vẫn sẵn sàng vay

Sau thời gian suy giảm, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trở lại, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng chung của cả hệ thống ngân hàng. Mặc dù lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng cao, nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng vay vì thủ tục đơn giản. Bởi vậy, tín dụng tiêu dùng tiếp tục là mảng đầu tư hấp dẫn.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang03/04/2025

Tín dụng tiêu dùng là hình thức mà đa số người vay không cần tài sản bảo đảm. Người vay có thể chứng minh qua thu nhập bằng sao kê ngân hàng trong 3-6 tháng gần nhất, hay đơn giản là căn cước công dân.

Từ đó người vay có thể được ngân hàng hoặc công ty tài chính cấp cho một khoản vốn, thông thường là 10-20 triệu đồng chỉ với căn cước công dân, hay 30-50 triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng nếu có chứng minh thu nhập. Điều kiện cần khác là người vay phải có lịch sử tín dụng “sạch”, không có nợ xấu trước đó.

tin-dung-tieu-dung-2.jpg

Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trở lại. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vì không có tài sản bảo đảm, nên vay tiêu dùng phải chịu mức lãi suất khá cao, thông thường hơn 20%-30%/năm, chưa kể tiền gốc, phí bảo hiểm, phí thu hộ...

Với mức vay 20 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng tại công ty tài chính, khách hàng có thể phải thanh toán 2- 2,225 triệu đồng/tháng, bao gồm cả gốc, lãi, chưa kể phí thu hộ... Phí bảo hiểm bắt buộc tương ứng với khoảng 7,5% giá trị khoản vay. Nếu gộp tất cả nợ gốc, lãi suất, phí... số tiền mà người vay phải trả có thể lên tới 26 triệu đồng.

Với khoản vay tiêu dùng ở ngân hàng, mức lãi suất dễ chịu hơn, nhưng cũng không dưới 20%/năm. Tuy vậy, mức lãi suất này còn “dễ thở” hơn so với vay tín dụng đen, lên tới gần 50%/năm, nên nhiều người vẫn sẵn sàng vay tiêu dùng cho những khoản cần chi tiêu “nóng”, do đó thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng.

Thực tế, lợi nhuận của cho vay tín dụng tiêu dùng tăng trưởng rất mạnh trong thời gian gần đây. Nếu năm 2023, dư nợ cho vay lĩnh vực này giảm hơn 9%, chất lượng tín dụng suy giảm và tỷ lệ nợ xấu gia tăng do kinh tế tăng trưởng chậm cùng môi trường kinh doanh bất lợi, thì năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, mảng này phục hồi mạnh.

Công ty cổ phần Tài chính M-credit (liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội – MB và Ngân hàng SBI Shinsei – Nhật Bản) tăng trưởng 32,4%. Công ty cổ phần HDSaison cũng tăng trưởng tín dụng 13,2%, nhờ lợi thế chiếm khoảng 36% thị phần vay mua xe máy. Lợi nhuận của doanh nghiệp này đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 83,9% trong năm 2024. Năm 2025, HDSaison đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 1.500 tỷ đồng. Hay với Công ty cổ phần Tài chính FE Credit, tăng trưởng cũng đạt 10,3%,tổng tài sản đạt 67.648 tỷ đồng...

Theo các chuyên gia về tài chính, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam hấp dẫn không chỉ đối với nhà đầu tư trong nước mà còn với giới đầu tư nước ngoài. Nhưng để tiếp tục phát triển, môi trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam phải minh bạch hơn, quy định chặt chẽ hơn giúp giảm rủi ro tín dụng. Hệ thống chấm điểm tín dụng đối với cá nhân một cách toàn diện cần được hình thành để tổ chức tín dụng có thể dễ dàng kiểm tra lịch sử tín dụng của người dân trước khi cho vay, tránh bị nợ xấu.

Về dự báo tín dụng tiêu dùng trong năm 2025, theo Tổ chức FiinRatings (tổ chức phát hành và xếp hạng tín nhiệm), tín dụng tài chính tiêu dùng sẽ được hỗ trợ bởi các dấu hiệu tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô, sự hồi phục của các ngành sản xuất và xuất khẩu hay chất lượng tín dụng được cải thiện.

Cùng với đó, nhu cầu tín dụng của những người có thu nhập từ thấp đến trung bình, tập khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng, cũng được cải thiện. Nhờ số hóa, trải nghiệm của khách hàng tốt hơn đã giúp tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.

Trong trung và dài hạn, theo FiinRatings, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sở hữu tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ra, sau hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), xu hướng thoái vốn của một số ngân hàng nội địa khỏi các công ty tài chính tiêu dùng và đón nhận sự tham gia sâu rộng hơn của các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ tạo ra sự tái cơ cấu mạnh mẽ trong ngành.

Công ty cổ phần Chứng khoán MBS nhận định, tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc do nền kinh tế phục hồi, với tăng trưởng GDP được đẩy nhanh và thu nhập hộ gia đình cải thiện. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ và cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích nhu cầu vay.

Thực tế, thị trường tài chính tiêu dùng có sức hút mạnh mẽ, với tổng dư nợ phục vụ đời sống tiêu dùng đạt 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, các ngân hàng thương mại cung cấp 94% và các công ty tài chính tiêu dùng đóng góp khoảng 4,8%, với mức tổng dư nợ là 139.000 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, các ngân hàng và công ty tài chính kỳ vọng vào dư nợ tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh, khi môi trường vĩ mô cải thiện, nhu cầu tiêu dùng và thu nhập của hộ gia đình khởi sắc.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/tin-dung-tieu-dunglai-suat-cao-nhieu-nguoi-van-san-sang-vay-209454.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm