Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tinh bột kháng và cuộc cách mạng thầm lặng trong đường ruột

Thường khi nhắc đến tinh bột, người ta nghĩ ngay đến tăng cân, đường huyết cao, hay bệnh chuyển hóa. Nhưng ít ai biết rằng, giữa vô vàn loại tinh bột, có một “anh hùng thầm lặng” đang âm thầm tạo ra cuộc cách mạng ngay trong chính hệ tiêu hóa của con người: tinh bột kháng.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam27/04/2025

z6533601805072_fe00d755d17eb9fb4291322371197367.jpg
Các sản phẩm được nghiên cứu có lượng tinh bột kháng tốt cho sức khỏe đường ruột.

Tinh bột… nhưng không bị tiêu hóa?

Tinh bột kháng (resistant starch) là một loại tinh bột đặc biệt không bị phân giải ở ruột non như tinh bột thông thường. Thay vào đó, đi thẳng xuống ruột già, nơi hàng trăm nghìn tỷ vi khuẩn đường ruột đang sinh sống.

Tại đây, tinh bột kháng đóng vai trò như thức ăn chọn lọc cho lợi khuẩn, giúp lợi khuẩn sinh sôi, phát triển và sản xuất ra các axit béo chuỗi ngắn (đặc biệt là butyrate), một hợp chất có vai trò chống viêm, bảo vệ niêm mạc ruột và hỗ trợ tăng cường miễn dịch.

Hiện nay có 5 loại tinh bột kháng, bao gồm loại có trong các loại đậu, hạt và ngũ cốc, bị “khóa” trong thành tế bào thực vật nên không thể tiêu hóa; trong thực phẩm sống như chuối chưa chín, có cấu trúc khó tiêu hóa; tinh bột kháng hình thành khi thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây hoặc cơm được nấu chín rồi làm nguội; tinh bột được biến đổi hóa học để trở nên kháng tiêu hóa; tinh bột liên kết với chất béo, thay đổi cấu trúc và trở nên khó tiêu hóa.

Ngành y học hiện đại đang chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong cách tiếp cận sức khỏe chủ động: bắt đầu từ sức khỏe đường ruột. Theo đó, 70% hệ miễn dịch của cơ thể cư trú tại đây. Mọi rối loạn đường ruột - từ táo bón, đầy hơi, đến hội chứng ruột kích thích (IBS), viêm ruột... - đều liên quan đến mất cân bằng hệ vi sinh. Và tinh bột kháng đang dần trở thành chìa khóa phục hồi hệ vi sinh một cách tự nhiên, đơn giản, không thuốc.

Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa phổ biến nhất, ảnh hưởng chất lượng sống, đặc biệt ở người lớn tuổi, người ít vận động và trẻ em không thích ăn rau củ quả. Nhiều người lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng, nhưng giải pháp lâu dài bền vững chính là cải thiện cấu trúc phân, tăng nhu động ruột thông qua dinh dưỡng - đặc biệt là bổ sung tinh bột kháng.

Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng ruột mạn tính với các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài. Điều trị hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Gần đây, các nghiên cứu bắt đầu khám phá vai trò của tinh bột kháng như một prebiotic tiềm năng cho nhóm bệnh nhân IBS - với các kết quả khá triển vọng nhưng cần được cá nhân hoá.

Một nghiên cứu tổng hợp tại Đại học Campus Bio-Medico di Roma, Ý (2023), trong đó các tác giả thu thập và phân tích các nghiên cứu gốc đã được xuất bản về chế độ ăn uống và các biện pháp dinh dưỡng ảnh hưởng đến IBS-C.

Kết luận chỉ ra, tinh bột kháng có tiềm năng tác động tích cực đến bệnh IBS dạng táo bón bằng cách cải thiện tính toàn vẹn của niêm mạc ruột và tăng cường sản xuất butyrate, một hợp chất có lợi cho sức khỏe đường ruột. Tinh bột kháng cũng giúp tăng trưởng các chủng vi khuẩn có lợi, như Bifidobacteria, từ đó cải thiện tình trạng viêm và táo bón ở bệnh nhân IBS dạng táo bón.

Tinh bột kháng đến từ đâu?

Nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc kéo dài từ năm 2013 đến năm 2016, do một nhóm sinh viên đến từ các trường đại học y khoa lớn tại Trung Quốc thực hiện. Họ lựa chọn 37 người tham gia trong 8 tuần.

Trong suốt thời gian này, nhóm tham gia bổ sung 40g tinh bột kháng (RS) mỗi ngày vào chế độ ăn của mình. Kết quả cho thấy, nhóm này giảm cân trung bình 2,8kg, giảm mỡ nội tạng và cải thiện độ nhạy insulin.

Thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, đặc biệt là sự gia tăng của Bifidobacterium adolescentis, liên quan đến việc giảm béo phì mà không ghi nhận tác dụng phụ tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đầy hơi, tăng nhu động ruột hoặc thay đổi tần suất đại tiện.

Tiếp tục là một nghiên cứu tổng hợp đến từ các y bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Phía Tây Trung Quốc và Đại học Tứ Xuyên (2019). Phân tích 14 nghiên cứu với 926 người.

Kết luận chỉ ra, tinh bột kháng cải thiện chỉ số HOMA-S% (phản ánh độ nhạy insulin), đồng thời giảm chỉ số HOMA-B (liên quan đến chức năng tế bào beta tuyến tụy), làm giảm nồng độ LDL cholesterol, giúp giảm chỉ số HbA1c, một chỉ số quan trọng trong việc theo dõi kiểm soát đường huyết lâu dài.

Tinh bột kháng không hề hiếm. Bạn có thể tìm thấy tinh bột kháng tự nhiên trong: đậu xanh, khoai lang nướng/luộc để nguội, chuối xanh, đậu đỗ, yến mạch thô, một số sản phẩm đã được xử lý để giàu tinh bột kháng (dạng bột hòa tan).

Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng: khi mới bắt đầu dùng, bạn nên tăng liều từ từ, vì vi khuẩn ruột cần thời gian để thích nghi. Một lượng nhỏ 5-10g/ngày là đủ để khởi động “cuộc cách mạng” này mà không gây đầy hơi, chướng bụng.

Chúng ta đang sống giữa bộn bề thức ăn nhanh, kháng sinh và đồ uống có cồn, khiến đường ruột ngày càng tổn thương âm thầm. Tinh bột kháng - loại tinh bột tưởng chừng bị lãng quên - đang âm thầm tái thiết hệ vi sinh vật đường ruột, tạo ra một nền móng bền vững cho sức khỏe lâu dài.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/tinh-bot-khang-va-cuoc-cach-mang-tham-lang-trong-duong-ruot-3153760.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm