Sớm tinh mơ, khi thành phố còn đang say giấc, chúng tôi rời phố thị, xuôi theo những đồi chè xanh mướt đến vùng núi La Bằng, để được một lần lạc bước vào chợ chè của người dân nơi đây. Đặt chân đến chợ chè La Bằng khi trời còn nhá nhem mặt người, đã nghe trong chợ rì rầm tiếng người nói chuyện, tiếng loạt xoạt từ các bao chè đang được chuyển vào chợ.
Từ các ngả đường, những bước chân rẽ sương xuống núi, người gùi, kẻ đèo, lầm lũi mang chè xuống chợ, vai ướt sương đêm. Những gương mặt họ còn vương chút ngái ngủ, nhưng đôi mắt vẫn sáng niềm hy vọng về một phiên chợ chè gặp khách mua nhanh, được giá tốt.
Trời dần sáng, chợ cũng dần đông, khoảng 6 giờ 30 phút, chợ đã nhộn nhịp. Những bao chè to bằng vòng tay người ôm, nặng trĩu vào chợ. Chè cứ thế, mộc mạc trong những chiếc bao nilon lớn, được người dân cẩn thận lồng thêm một lớp bao tải dứa bên ngoài.
Họ tìm cho mình một chỗ trong chợ, khéo léo mở miệng bao, để lộ ra những búp chè móc câu xoắn chặt, đen óng. Và một làn hương cốm non cứ thế theo gió mà lan tỏa khắp không gian chờ khách đến chọn mua.
Anh Văn Trọng Nhiệm chọn vị trí chính giữa khu bán chè, thấy chúng tôi, anh nở nụ cười tươi, một tay giữ bao chè cho khỏi đổ, một tay cầm tấm bìa catton phe phẩy quạt như thể cố tình lùa làn hương thơm phức tới tận mũi chúng tôi, rồi nhanh nhảu chào mời:
- Mua chè đi em, chè Long Vân, nhà trồng sạch, sao sạch đấy!
Như thể khẳng định thêm uy tín, anh tiếp: Gia đình tôi có hơn 1 mẫu chè, tự trồng và chế biến từ A tới Z. Phiên chợ nào tôi cũng đến đây bán, nếu chè không đạt chất lượng, cứ đến chợ tìm tôi trả lại!
Đứng kế bên là các bà, các chị cũng đang đứng giữ các bao chè, rôm rả câu chuyện ngày mùa. Thấy khách lạ đến chợ xem chè, bà Hoàng Thị Luyến đon đả nói: Em mua đi kẻo sắp đến giờ tan chợ. Chợ chỉ họp buổi sáng sớm đến khoảng 8 giờ là tan dần.
Nghe bà Luyến kể, dù ở xa, những đến phiên là bà đều mang chè xuống chợ La Bằng bán bởi chợ ở đây đông hơn, lượng người mua nhiều hơn. Mỗi phiên chợ, bà đều phải chuẩn bị hàng hóa từ hôm trước, chằng sẵn lên xe, để 4 giờ sáng hôm sau ngủ dậy chỉ việc chở xuống chợ bán. Mỗi phiên bán gần 1 tạ chè khô.
Từ La Bằng, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với các chợ chè khác để khám phá những hương vị và tập quán của từng vùng. Điểm không thể bỏ qua là chợ Phúc Xuân, chợ là nơi giao thương của các xã thuộc vùng chè nức tiếng: Tân Cương, Hồng Thái, Phúc Xuân. Ở đây, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nhung, một thương lái, chị bảo: Chợ này có thứ chè đặc biệt, khi vò tay, búp chè phát ra tiếng “rắc” nhẹ như tiếng mảnh gốm va nhau, lan tỏa mùi cốm non, rất được nước.
Trong trải nghiệm thú vị đi chợ chè, chúng tôi còn thong dong ngược lên vùng Trại Cài, xã Minh Lập, nơi từng đi vào thành ngữ của người Thái Nguyên: “Chè Cài, gái Hích” (nói về đặc sản trà Trại Cài và vùng gái đẹp phố Hích thuộc huyện Đồng Hỷ cũ).
Chợ này đã được hình thành từ hơn ba mươi năm trước, gồm chè của các vùng chè đặc sản của xã Minh Lập, Hòa Bình, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); Tức Tranh, Phú Đô (Phú Lương). Đây cũng là chợ chè họp nhiều phiên nhất (12 phiên) trong tháng, phiên chính vào ngày 10 và ngày 15.
Ở chợ chè, hầu hết toàn dân sành, có nhiều kinh nghiệm chọn chè, nên hầu như không xảy ra chuyện chè loại 2 bán giá loại 1. Khách mua chè, đi khắp chợ, xem các bao chè, thấy ưng thì nhúm chè thả vào lòng bàn tay, dàn đều để cảm nhận, ngắm bằng mắt, đưa lên mũi ngửi hương, khi ưng mới quyết định pha thử. Thấy chúng tôi loay hoay chọn chè, ông Nguyễn Văn Đông ở xã La Bằng nói: “Rượu khà, trà chép”, không nếm trực tiếp thì làm sao mà phân loại được.
Vì lẽ đó, ở góc chợ chè nào ở Thái Nguyên cũng có sẵn những chiếc bàn gỗ, vài bộ chén nhỏ và những phích nước sôi. Người thẩm trà ở đây không dùng ấm, mà chỉ với hai chiếc chén nhỏ úp vào nhau. Một nhúm chè được cho vào chén, rót nước sôi, đậy lại chừng hai mươi giây rồi chắt ra.
Chỉ cần nhìn màu nước vàng xanh trong veo, ngửi hương cốm thoảng bay lên, và nhấp một ngụm nhỏ, những người sành sỏi đã có thể biết được đó là giống chè gì, được chăm bón thế nào, sao đã tới độ hay chưa, từ đó đưa ra quyết định chốt đơn hàng.
Tùy vào chất lượng, giống, mà chè có giá bán khác nhau. Cũng tùy vào khẩu vị của từng người để chọn cho mình loại chè phù hợp: Chè Long Vân luôn được nhiều người lựa chọn và có giá cao bởi luôn dậy mùi, nước xanh sáng. Chè Bát Tiên tuy nước có màu đỏ nhạt nhưng lại cho mùi thơm ngọt thoảng hương cốm nếp, rồi chè lai F1, Tri777… đều không khó để phân biệt những hương vị riêng. Khách hàng cũng chính là người thẩm định, đánh giá chất lượng sản phẩm khách quan nhất.
Bà Bùi Thị Huyền, xã Minh Lập (Đồng Hỷ cũ), chia sẻ kinh nghiệm chọn trà ngon: Trà phải đạt được ngũ quý là sắc - khí - hương - vị - thần mới là thượng hạng. Do đó, người mua chè thường tuyển chọn công phu, người bán cũng vì thế mà thoải mái cho khách chọn lựa.
Chợ chè chủ yếu dành cho người bán buôn, vì vậy chè bán tại chợ phần lớn mới chế biến thành chè búp khô chưa thành phẩm, còn thô mộc. Để đạt độ thơm, ngon tuyệt đỉnh, chè phải được sao lại bằng tôn quay, giần, sẩy, đánh hương. Đối với khách mua lẻ, nhất là khách du lịch đến trải nghiệm chợ chè, người bán sẽ giới thiệu tới một cơ sở gần chợ lấy hương, hút chân không và đóng túi theo nhu cầu.
Không cần quảng cáo rầm rộ, ở mỗi phiên chợ chè Thái Nguyên, người bán chè làm nghề bằng uy tín, bằng đôi tay và cái tâm của người làm trà, người mua không cần khiên cưỡng, thoải mái lựa chọn, trả giá, không bị ép buộc.
Tại chợ chè Trại Cài, chúng tôi thấy chưa đến 7 giờ sáng, bà Phạm Thị Nga (thương lái ở xã Vô Tranh, Phú Lương cũ) đã mua được mấy tạ chè, rồi chất đầy chiếc xe tải nhỏ đỗ nơi cổng chợ. Bà cho biết: Chè vùng này có hương vị đậm đà, thơm ngon, nên tôi không cần phải chọn nhiều, cứ cánh nhỏ đều, pha ra nước xanh dịu nhẹ, hương thơm, vị chát nhẹ rồi ngọt dần là tôi mua. Nói đoạn, bà tiếp tục chốt đơn bằng cái bắt tay chắc nịch với người bán.
Chợ chè không chỉ là kênh bán hàng lớn của chè Thái Nguyên, mà còn là một không gian văn hóa. Người đến chợ không chỉ bán, mua thông thường mà còn là để giao lưu tâm tình giữa người yêu chè và người làm chè. Dù chỉ dạo chơi và không mua bán, du khách cũng thoải mái tùy ý chọn chè pha uống. Người bán niềm nở, vui vẻ dù chưa bán được hàng.
Thông qua chợ, người làm chè có cơ hội gặp gỡ nhau, trao đổi về kinh nghiệm làm đất, chọn giống, đốn chè, sẵn sàng truyền cho nhau bí quyết canh tác quý giá mà không sách vở nào ghi lại. Cùng với đó, người làm chè còn được gặp gỡ bạn hàng, nắm bắt nhu cầu thị trường. Người bán, người mua gặp nhau bên những chén trà, những câu chuyện, rồi cứ thế râm ran lan tỏa khắp chợ.
Chúng tôi rời mỗi phiên chợ chè, không quên xách theo mấy gói trà nhỏ, nhưng trong lòng mang về cả một miền ký ức. Mỗi phiên chợ khiến chúng tôi nhớ dáng hình những người mẹ, người chị gùi chè trong sương sớm, nhớ cái bắt tay chân thành, và nhớ cả những miền quê ân tình, nơi hương chè không chỉ tan trong nước, mà đã thấm vào đất, vào người, vào nếp sống giản dị của người nông dân tự bao đời nay.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202507/tinh-hoa-cho-chethai-nguyen-4662f9c/
Bình luận (0)