Lòng biết ơn và sứ mệnh của thanh niên
Chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện lịch sử cách đây 50 năm, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong những ngày tháng Tư lịch sử tại thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chính là hiện thân của niềm tin, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến, yêu chuộng hòa bình, sống nhân văn, nhân nghĩa; là dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại, một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
Thủ tướng khẳng định, giành và giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, để đất nước có được hòa bình, thống nhất, phát triển ổn định như hôm nay là máu xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống, trong đó có hàng triệu thanh niên Việt Nam.
“Để từ đó, chúng ta thật sự trân quý ý nghĩa của sự độc lập, tự do; hiểu được giá trị của hòa bình; biết ơn sự hi sinh anh dũng của các thế hệ đi trước, các anh hùng, liệt sĩ của dân tộc; tự soi chiếu và nhìn nhận về trách nhiệm của bản thân với dân tộc, đất nước, gia đình, xã hội và với chính bản thân mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khi đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại, thanh niên Việt Nam lại tiếp tục xung kích, vươn lên mạnh mẽ đảm nhận sứ mệnh “tham gia kiến thiết nước nhà trong thời kỳ đổi mới” với nhiều phong trào thiết thực về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, thoát nghèo, nghiên cứu khoa học, cống hiến tri thức, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên xung phong”…
Thủ tướng cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng là mục tiêu quan trọng nhất để góp phần thực hiện 2 mục tiêu chiến lược này. Muốn vậy, chúng ta đã xác định năm 2025 phải đạt tăng trưởng 8%, chuẩn bị cho những năm tới tăng trưởng 2 con số.
Trong khi đó, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay đang đặt ra yêu cầu, thời cơ và thách thức mới, trong đó thách thức nhiều hơn thời cơ. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo… đang làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi quá trình phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số của đất nước phải nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn; để đất nước không chỉ “bắt kịp, tiến cùng mà còn phải vượt lên”.
Một nội dung giải pháp quan trọng được Nghị quyết số 57 nêu là: “Có chính sách đủ mạnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp tại Việt Nam”.
Thủ tướng đánh giá thời gian qua, đất nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực về sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp. Cụ thể, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Chỉ số Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam cũng tăng 2 bậc, từ vị trí 58 lên 56, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hà Nội và TP HCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đã được thành lập trên cả nước, thu hút đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư. Năm 2024, Việt Nam thu hút 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.
Khát vọng, tự hào dân tộc để vươn lên đổi mới sáng tạo không có giới hạn
Thủ tướng đánh giá qua mỗi lần tổ chức, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên đều có những sự đổi mới, nhưng điều không thay đổi chính là niềm đam mê, khát vọng, nghị lực, khí thế, tinh thần quyết tâm của các bạn trẻ.
Suốt 7 năm qua, có thể khẳng định Ngày hội khởi nghiệp không chỉ là một sự kiện thường niên, mà còn là nơi từng giấc mơ, khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên dù là nhỏ bé nhất được soi đường, dẫn dắt, nuôi dưỡng và chắp cánh. Đây là nơi hội tụ những trí tuệ trẻ, đầy khát vọng; nơi kết nối giữa giáo dục, doanh nghiệp và chính sách; nơi cùng nhau lan tỏa, tạo ra một hệ sinh thái, không gian khởi nghiệp phát triển bền vững.
Thủ tướng vui mừng được biết sau 7 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), đến nay, 100% các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp và 63/63 Sở Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch triển khai khởi nghiệp sáng tạo. Hơn 42.000 dự án khởi nghiệp đã ra đời từ các bạn học sinh, sinh viên. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.500 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 480.000 lượt thanh niên tham gia với gần 23.000 ý tưởng khởi nghiệp
Nhiều bạn trẻ đã đứng ra tự thành lập doanh nghiệp, kêu gọi được vốn đầu tư, tạo ra việc làm cho chính mình và cho người khác. Đặc biệt, có hàng ngàn học sinh, sinh viên đã viết tiếp những câu chuyện khởi nghiệp rất Việt Nam nhưng mang tầm vóc toàn cầu bằng những sản phẩm đã thay đổi cách chúng ta sống, học tập và làm việc, từ ứng dụng công nghệ trong y tế, nông nghiệp sạch, cho đến giải pháp số trong đời sống hằng ngày.
Bên cạnh đó, kết quả triển khai đề án không chỉ là những con số hay kết quả đo đếm được, mà còn là niềm tin, khát vọng, sự tự tin, tự lực, tự cường, tự chủ, tự hào dân tộc để vươn lên, hăng hái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không có giới hạn. Lợi ích từ khởi nghiệp có thể nhỏ nhưng tác động rất lớn, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, những thành tựu là rất đáng trân trọng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của thanh niên Việt Nam, chưa phát huy hết những giá trị đích thực, cốt lõi của thanh niên Việt Nam như truyền thống yêu nước nồng nàn, thông minh sáng tạo, hiếu học, cần cù, chịu khó, đức hy sinh, vượt qua nghịch cảnh trong bất cứ trường hợp nào, lòng tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau...
Thủ tướng nhận định, việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải là câu chuyện của ngày một, ngày hai mà là cả một chiến lược lâu dài, cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện, không cầu toàn, không nóng vội.
Do đó, Thủ tướng đề nghị phải tạo phong trào, xu thế, tạo nguồn lực, động lực, truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo bằng nhiều hình thức khác nhau, sự giúp đỡ khác nhau, bằng nhiều cơ chế, chính sách khác nhau.
Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa; tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn mới bảo đảm thiết thực, chất lượng.
“Ba nhà” gồm Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp phải tăng cường kết nối. Trong đó, các doanh nghiệp hãy tích cực đặt hàng, đầu tư và đồng hành cùng sinh viên, hỗ trợ thực hành, thực tập và thương mại hóa ý tưởng; cùng nhà trường, truyền cảm hứng, đầu tư và dẫn dắt thế hệ trẻ. Nhà nước, các doanh nghiệp, ngân hàng cần hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp cả về công tác quy hoạch, vùng nguyên liệu, nguồn vốn, bao bì, mẫu mã, thị trường…
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, tiếp tục phát huy truyền thống thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng của những ngày tháng Tư lịch sử Đại thắng mùa Xuân năm 1975, với khát vọng, trí tuệ và sự dẫn dắt đúng hướng, các em học sinh, sinh viên và 20 triệu thanh niên với tư cách là “người chủ tương lai của nước nhà” sẽ là những người tiên phong, nắm bắt khoa học công nghệ, nắm bắt sứ mệnh lịch sử xác lập vị thế và tầm vóc của Việt Nam trong kỷ nguyên số, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc, Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no...
Thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, nhất là khởi nghiệp sáng tạo; trọng tâm là phát triển năng lực khởi nghiệp tập trung vào 4 nhóm ngành ưu tiên chính là: công nghệ thông tin, an ninh mạng, dịch vụ kỹ thuật số; công nghệ y tế, giáo dục; công nghệ môi trường và năng lượng; nông nghiệp công nghệ cao.
“Mỗi bạn trẻ hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp; đồng thời còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước. Hãy không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng, làm chủ công nghệ và dấn thân với “tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Đây là quá trình khó khăn, cần sự kiên trì, cần tinh thần bản lĩnh vượt qua khó khăn, trở ngại, cần ý chí dám nghĩ, dám làm khác biệt, dám đương đầu với thử thách, dám vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, dám chấp nhận rủi ro để kiến tạo giá trị.
Do vậy, quá trình này rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Tất cả cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái, một không gian khởi nghiệp, một hệ giá trị mới kết nối cộng đồng tạo phong trào, xu thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cùng nhau thể hiện khát vọng vươn lên, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”, Thủ tướng khích lệ...
Nguồn: https://baophapluat.vn/tinh-than-khoi-nghiep-can-than-toc-nhu-dai-thang-mua-xuan-1975-post546630.html
Bình luận (0)