Đó là nội dung xuyên suốt được các đại biểu, nhà báo trao đổi tại Tọa đàm với chủ đề “Nhà báo - Vinh quang và trách nhiệm”, do Liên chi hội (LCH) Nhà báo Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 24-4, tại Di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Tọa đàm là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 / 21-4-2025) và hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2025).
Dự tọa đàm có các đồng chí: Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo QĐND; Đại tá Nông Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1; Vũ Thị Hà, Trưởng ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam và đại biểu lãnh đạo, hội viên các cấp hội thuộc Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên; đông đảo cán bộ, hội viên LCH Nhà báo Báo QĐND.
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên và Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo QĐND, Chủ tịch LCH Nhà báo Báo QĐND đồng chủ trì tọa đàm.
Máu đào của hơn 500 nhà báo liệt sĩ tô thắm truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam
Thật ý nghĩa khi Tọa đàm "Nhà báo - Vinh quang và trách nhiệm" được tổ chức tại Di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - ngôi trường mang tên nhà yêu nước, chí sĩ cách mạng. Hai từ "vinh quang" và "trách nhiệm" đã tóm gọn về sứ mệnh của mỗi người làm báo cách mạng Việt Nam.
Như nhà báo Đỗ Đức Dục, Hiệu trưởng Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng từng viết: “Nghề viết báo đòi hỏi hơn đâu hết sự luôn luôn tiến bộ, luôn luôn kịp thời, muộn một ngày là đã trở nên lạc hậu, chậm một bước là dễ dàng bị đào thải...”. 75 năm trước, thiết bị làm báo vẫn còn lạc hậu, điều kiện làm báo còn rất khó khăn, nhưng tư duy, tầm nhìn của Ban giám hiệu, giảng viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã vượt thời gian. Nhờ những giảng viên có tâm, có tầm giáo dục và rèn luyện mà 42 học viên năm ấy sau khi tốt nghiệp đã có những đóng góp xuất sắc cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Suốt 100 năm qua, báo chí cách mạng đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận thành tích đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng lực lượng báo chí cách mạng và Hội Nhà báo Việt Nam Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng. Theo Đại tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng biên tập Văn hóa-Thể thao, Phó chủ tịch LCH Nhà báo Báo QĐND, truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam hội tụ ở 4 nét tiêu biểu cơ bản, đó là: Vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, gắn bó, đồng hành và phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đội ngũ nhà báo cách mạng luôn dấn thân và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự nguyện đi theo lý tưởng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; đội ngũ những người làm báo cách mạng đã làm tròn vai trò là chiến sĩ tiên phong, mũi nhọn trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng; báo chí cách mạng Việt Nam tiên phong đổi mới, sáng tạo, chủ động hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc dân tộc.
"Có thể khẳng định rằng, máu đào của hơn 500 nhà báo liệt sĩ đã tô thắm truyền thống rực rỡ của nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là dấu ấn đặc biệt làm nên vẻ đẹp bất tử của nền báo chí Việt Nam", Đại tá Nguyễn Văn Hải xúc động bày tỏ.
Khẳng định làm báo là làm cách mạng, Đại tá Mè Quang Thắng, Trưởng phòng biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành LCH Nhà báo Báo QĐND cho rằng: “Báo chí luôn trung thành với đường lối, quan điểm của Đảng; luôn siêng năng, cần mẫn phục vụ bạn đọc và luôn tôn trọng bạn đọc. Lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện rất rõ, báo chí luôn nêu cao và thực hiện tốt tính Đảng, mọi hành động của báo chí đều vì Đảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân”.
Là thủ đô kháng chiến, Thái Nguyên trở thành nơi tập trung của nhiều cơ quan báo chí lớn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp như: Báo Cứu Quốc, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo QĐND... Những tờ báo, bản tin phát đi từ Chiến khu Việt Bắc không chỉ góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quân và dân ta trên khắp các mặt trận. Từ truyền thống ấy, báo chí Thái Nguyên ngày nay tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, phục vụ sự phát triển của tỉnh nhà cũng như sự nghiệp chung của đất nước.
Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm cho biết: "Kể từ khi Di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng khánh thành vào tháng 8-2024, Báo QĐND là cơ quan báo chí đầu tiên chọn nơi đây tổ chức một sự kiện đầy tâm huyết, nhân văn nhằm tri ân các thế hệ nhà báo lão thành, thiết thực kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam".
Xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại
Tác động của thời đại, của khoa học-công nghệ đã đặt lên vai những người làm báo hôm nay một trách nhiệm lớn lao. Không những phải giữ vững bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, người làm báo hôm nay cần có tư duy nhạy bén, kỹ năng khai thác thông tin chuẩn mực và nhanh nhạy.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Nam Hải, Phó giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Thái Nguyên, Phó chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Người làm báo phải luôn có ý thức, trách nhiệm cao và có sự kiểm chứng rõ ràng khi khai thác thông tin. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí cần coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo gắn liền với việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm; cần quan tâm đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ để bắt nhịp với xu thế làm báo hiện đại trong kỷ nguyên số”.
Theo quan điểm của nhà báo Chu Thế Hà, Phó tổng biên tập Báo Thái Nguyên, Thư ký Chi hội nhà báo Báo Thái Nguyên, mỗi nhà báo trước hết là một công dân, là một thành viên trong xã hội nên phải có nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật; tuân thủ quy ước về đạo đức nghề nghiệp. Từ thực tế tại Báo Thái Nguyên, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên đang nỗ lực thực hiện tiêu chí giỏi một việc, biết nhiều việc tiến tới thành thạo nhiều việc.
Nghề báo luôn đòi hỏi sự nỗ lực, dấn thân không ngừng của phóng viên để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao. Theo Thượng tá Hồ Quang Phương, Phó trưởng phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Ủy viên Ban Chấp hành LCH Nhà báo Báo QĐND, tính dấn thân của nhà báo là luôn sẵn sàng chọn những đề tài khó, dám thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về các vấn đề, sự kiện, từ đó định hướng cho độc giả. Có thể có những việc nhiều người biết, nhiều người hiểu mà ngại nói ra, nhưng nhà báo với trách nhiệm xã hội, với sứ mệnh của người làm báo cần phải làm cầu nối thông tin, từ đó mạnh dạn tham mưu chính sách.
Từng nhiều lần đến Thái Nguyên và Di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nhưng trong lần tham dự Tọa đàm với chủ đề "Nhà báo-Vinh quang và trách nhiệm", nhà báo Vũ Thị Hà không giấu được sự xúc động. "Thông qua tọa đàm lần này, chúng ta đã giáo dục thế hệ trẻ biết quý trọng, giữ gìn những gì thế hệ cha anh để lại. Ban tổ chức đã xây dựng nội dung tọa đàm rất tốt, trở thành buổi sinh hoạt chuyên đề hết sức ý nghĩa của Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi hy vọng các cấp hội thuộc Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức được nhiều tọa đàm thiết thực như vậy", nhà báo Vũ Thị Hà chia sẻ.
Theo Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập, Chủ tịch LCH Nhà báo Báo QĐND, mỗi nhà báo lão thành mà thế hệ làm báo hôm nay được nhìn thấy qua từng tấm ảnh, hiện vật, tác phẩm trưng bày tại Di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thực sự mang lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ đối với mỗi nhà báo có mặt tại tọa đàm. Càng tự hào về nghề báo của mình, chúng ta càng phải nỗ lực phấn đấu vươn lên để xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam.
“Trước anh linh các nhà báo lão thành, các đại biểu, cán bộ, phóng viên, hội viên nguyện mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ nhà báo cách mạng, ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng một nước Việt Nam hùng cường vững bước tiến vào kỷ nguyên thịnh vượng, phát triển của dân tộc Việt Nam”, Đại tá Lê Ngọc Long bày tỏ.
Nguồn: https://baolangson.vn/toa-dam-nha-bao-vinh-quang-va-trach-nhiem-ton-vinh-truyen-thong-khang-dinh-su-menh-cao-ca-cua-nguoi-lam-bao-cach-mang-5045175.html
Bình luận (0)