Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Toàn cảnh Đà Nẵng, nơi đặt trung tâm hành chính khi hợp nhất Quảng Nam

Đà Nẵng là trung tâm của 3 Di sản Văn hóa thế giới gồm cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.

VietNamNetVietNamNet23/04/2025

Ảnh màn hình 2025-04-23 lúc 08.01.47.png

Với diện tích gần 1.285km2, Đà Nẵng hiện tại có địa hình, thiên nhiên đa dạng, đường bờ biển đẹp, vùng vịnh, đồi núi, sông, suối, đồng bằng phân bố trong lòng thành phố, nhờ đó đóng góp khá nhiều vào phát triển kinh tế, du lịch.

Đà Nẵng là trung tâm của 3 Di sản Văn hóa thế giới gồm cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, TP đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội lớn của miền Trung. 

Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng trong năm 2024 ước đạt hơn 151.000 tỷ đồng, nhiều hơn 17.000 tỷ đồng so với năm 2023; xếp thứ 17/63 địa phương và dẫn đầu các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Sông Hàn là trục cảnh quan ý nghĩa của Đà Nẵng. Nối hai bờ sông Hàn xinh đẹp có tới 5 cây cầu tiêu biểu như cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước... Mỗi cây cầu đều mang trong mình một vẻ đẹp, nét lịch sử riêng.

Nhiều năm qua, thành phố này đã đầu tư cho quy hoạch đôi bờ sông Hàn với những công viên, đường đi dạo dọc hai bờ sông, nhiều cây cầu tiếp nhau nối liền hai bờ đông, tây. 

Không gian đô thị Đà Nẵng cũng được quy hoạch theo hướng hướng ra sông, ra biển để tạo không gian tốt cho kinh tế phát triển. Các dự án bất động sản lớn được đầu tư xây dựng hai bên sông Hàn, đặc biệt trong khu vực trung tâm với các công trình quy mô lớn, tạo điểm nhấn cho thành phố. 

Điểm nhấn cảnh quan thành phố là tòa nhà Trung tâm Hành chính với thiết kế ngọn hải đăng. Được khởi công xây dựng ngày 15/11/2008, công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng với thiết kế cao gần 167m, gồm 34 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Trung tâm hành chính Đà Nẵng không chỉ là nơi làm việc tập trung của bộ máy chính quyền mà còn thể hiện khát vọng vươn khơi xa của thành phố.

Dọc đôi bờ sông Hàn là hàng loạt công trình điểm nhấn được xây dựng như Bảo tàng Đà Nẵng, tổng mức đầu tư hơn 504 tỷ đồng. Bảo tàng được đầu tư với hệ thống trưng bày, diễn giải khoa học, thẩm mỹ và cơ sở vật chất hiện đại. Với gần 3.000 tài liệu, hiện vật được lựa chọn từ 27.000 tài liệu, hiện vật, kết hợp phong cách trưng bày truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại; đặc biệt là ứng dụng phim 3D Mapping, phim 3D, phim tư liệu và slide hình ảnh làm tăng tính trải nghiệm, tương tác đối với du khách.

Một công trình điểm nhấn kiến trúc bên dòng sông Hàn thơ mộng đó là công viên APEC (quận Hải Châu) với tổng mức đầu tư 759,15 tỷ đồng. Công trình kiến trúc mái vòm với kết cấu khung thép và tạo hình cong 3 chiều, uốn lượn hình dáng của “cánh diều bay cao”. Công trình không chỉ thể hiện tinh thần hội nhập quốc tế, khát vọng vươn xa của người dân Đà Nẵng mà còn là mong ước về một thành phố xanh, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên.

Ngành du lịch Đà Nẵng được xem như ngành kinh tế then chốt, trở thành điểm sáng đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo thống kê, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ năm 2024 ước đạt 10,9 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 4,1 triệu lượt; khách trong nước đạt 6,7 triệu lượt. Đến hết năm 2024, Đà Nẵng có 1.290 cơ sở lưu trú du lịch với 46.527 phòng.

Khu du lịch Bà Nà Hills là một trong những công trình nổi tiếng ở Đà Nẵng. Địa điểm này được ví như “tiên cảnh nơi hạ giới” hay châu Âu thu nhỏ giữa lòng thành phố. 

Từ những năm 2000, công nghệ thông tin đã được thành phố xác định là lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn phát triển của thành phố. 

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã đạt được nhiều giải thưởng uy tín về thành phố thông minh, chuyển đổi số. Nhiều năm liền địa phương này luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. 

Trong ảnh là khu công viên phần mềm số 2 được đầu tư gần 1.400 tỷ đồng (ở quận Hải Châu) phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đây là công trình trọng điểm của thành phố, dự kiến có 6.000 kỹ sư công nghệ thông tin làm việc. 

Kinh tế biển là một trong những lĩnh vực trụ cột được Đà Nẵng chú trọng phát triển. Trong đó, Cảng Đà Nẵng được thành phố chú trọng chuyển đổi số, đầu tư cơ sở hạ tầng để cảng biển này ngày càng hiện đại, thông minh, đạt chuẩn "cảng xanh".

Cảng Đà Nẵng được xác định là một trong những thương cảng quan trọng nhất Việt Nam, quy hoạch trở thành một cảng cửa ngõ quốc tế loại 1A trong tương lai.

Hiện nay Đà Nẵng đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. 

Sân bay Đà Nẵng là một trong những công trình điểm nhấn của thành phố.

Sân bay được tổ chức Skytrax - đơn vị tổ chức và xếp hạng vận tải hàng không quốc tế uy tín công bố xếp thứ 84 sân bay tốt nhất thế giới. Ngoài ra, Đà Nẵng còn được xếp hạng thứ 9 trong top 10 sân bay tốt nhất châu Á.

Bên cạnh đó, nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng (T2) được tổ chức Skytrax công bố đạt tiêu chuẩn 5 sao năm 2025. Đây là nhà ga duy nhất tại Việt Nam 2 năm liên tiếp đạt danh hiệu này. 

Hạ tầng giao thông Đà Nẵng sở hữu đầy đủ 4 loại hình là đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy, tạo lợi thế đưa thành phố trở thành trung tâm giao thương, du lịch, logistics của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Trong ảnh, tuyến đường ven biển kết nối giữa Đà Nẵng với các địa phương thị xã Điện Bàn, TP Hội An (Quảng Nam).

Cùng với phát triển kinh tế, Đà Nẵng còn là địa phương được biết đến với hàng loạt chính sách an sinh nhân văn dành cho người dân.

Lũy kế đến hết năm 2024, chính quyền Đà Nẵng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 41 dự án nhà ở xã hội với 10.687 căn hộ và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên. Đây là con số ấn tượng, khi thành phố đang dẫn đầu cả nước về quỹ chung cư nhà ở xã hội thuộc tài sản công, với tỷ lệ 67% (10.687/15.841 căn).

Trong đó, chính sách cho thuê nhà ở xã hội của thành phố đã giúp nhiều gia đình có chỗ ở ổn định với chi phí thấp, góp phần vào mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội theo chương trình "5 không, 3 có" của Đà Nẵng, trong đó "có nhà ở".

Đà Nẵng đã và đang triển khai thực hiện để có thêm quỹ nhà ở xã hội hàng nghìn căn.

Hồ Giáp - Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/toan-canh-da-nang-noi-dat-trung-tam-hanh-chinh-khi-hop-nhat-quang-nam-2393432.html




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm