1. Chèo - Nghệ thuật dân gian Đồng bằng Bắc Bộ
Chèo – nghệ thuật sân khấu truyền thống tiêu biểu của người Việt (Nguồn hình: Sưu tầm)
Ra đời từ thế kỷ X, nghệ thuật Chèo được xem là một loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian Việt Nam tiêu biểu, gắn bó sâu sắc với đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Ban đầu phổ biến ở các làng quê châu thổ sông Hồng, loại hình kịch hát truyền thống này đã dần lan rộng lên các vùng trung du và miền núi phía Bắc cũng như Bắc Trung Bộ. Mang đậm tính sân khấu dân gian, nghệ thuật chèo không chỉ phản ánh tâm hồn, lối sống mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành xây dựng hồ sơ để đề cử nghệ thuật Chèo trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
2. Đờn ca tài tử - Nghệ thuật dân gian vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nguồn hình: Sưu tầm)
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian Việt Nam đặc sắc, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Hình thành cách đây hơn một thế kỷ, loại hình này sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn bầu,... Đúng như tên gọi, đờn ca tài tử là sự kết hợp hài hòa giữa tiếng đàn và lời ca, thường được biểu diễn ngẫu hứng sau những giờ lao động mệt nhọc. Các bài hát đờn ca tài tử chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu, cuộc sống thường nhật và các giá trị lịch sử dân tộc. Không chỉ là món ăn tinh thần của cộng đồng địa phương, đờn ca tài tử còn góp phần làm phong phú bản đồ du lịch văn hóa Việt Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khám phá.
3. Ca trù - Nghệ thuật dân gian miền Bắc và Bắc Trung Bộ
Ca trù - Thanh âm tinh hoa Việt nghìn năm (Nguồn hình: Sưu tầm)
Bên cạnh Ca trù, loại hình nghệ thuật này còn tồn tại với nhiều tên gọi khác như hát cô đầu, hát ả đào, hát nhà tơ, hát nhà trò,... Ca trù phổ biến tại các tỉnh miền Bắc - Bắc Trung Bộ và được biểu diễn với nhiều thể văn chương đa dạng như thể truyện, thể phú, thể ngâm, nhưng phổ biến nhất là thể hát nói. Dường như một khi đã lắng nghe, ai cũng đắm chìm vào tiếng ngâm nga mang giai điệu đặc thù của những đào nương hoà quyện với các loại nhạc cụ truyền thống như đàn đáy, trống, phách,... Tháng 10/ 2009, ca trù đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể nhân loại.
4. Tuồng - Nghệ thuật dân gian miền Trung
Tuồng là một loại hình nghệ thuật biểu diễn lâu đời của Việt Nam, thuộc nhóm loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian Việt Nam. Đây là sự kết hợp tinh tế giữa hát, múa và diễn xuất, thường tái hiện những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết hoặc các bài học đạo đức sâu sắc. Các vở Tuồng không chỉ ca ngợi lòng trung hiếu, tinh thần yêu nước mà còn truyền tải những chuẩn mực ứng xử, đạo lý làm người. Với âm hưởng hào sảng, kịch hát cổ truyền này trở thành một phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
5. Hát xoan - Nghệ thuật dân gian đất Tổ Phú Thọ
Hát xoan là một loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian Việt Nam gắn liền với nghi lễ thờ thần trong những ngày đầu xuân. Đây là hình thức nghệ thuật tổng hợp giữa ca hát, múa và âm nhạc, thường được trình diễn tại các đình làng, đặc biệt ở vùng đất tổ Phú Thọ – nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống. Hát xoan, còn được biết đến với tên gọi “hát cửa đình”, được lưu truyền từ thời kỳ các vua Hùng, phản ánh đậm nét tín ngưỡng phồn thực và tinh thần cộng đồng của người Việt cổ.
6. Dân ca quan họ - Nghệ thuật dân gian vùng đất Bắc Ninh
Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Tinh hoa và bản sắc (Nguồn hình: Sưu tầm)
Dân ca quan họ Bắc Ninh là một trong những loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian Việt Nam nổi bật, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân vùng Kinh Bắc. Với hình thức hát đối đáp duyên dáng giữa các liền anh, liền chị, dân ca quan họ không chỉ bày tỏ những cung bậc cảm xúc trong tình yêu đôi lứa mà còn gửi gắm nét đẹp truyền thống lâu đời. Mỗi độ xuân về, những làn điệu mượt mà, ngọt ngào ấy lại ngân vang trên khắp làng quê Bắc Ninh, trở thành giai điệu xoa dịu lòng người sau những ngày tháng lao động bộn bề.
7. Múa rối nước - Nghệ thuật dân gian vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Múa rối nước - một đời sống tinh thần huyền ảo trên mặt nước (Nguồn hình: Sưu tầm)
Là một trong những loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian Việt Nam độc đáo, múa rối nước gây ấn tượng mạnh với sân khấu trình diễn ngay trên mặt nước cùng hình tượng quen thuộc – chú Tễu dí dỏm. Nghệ thuật này không chỉ thể hiện đậm nét tinh thần dân gian, cuộc sống lao động mộc mạc của người dân đồng bằng sông Hồng, mà còn được ví như "bản trường ca sống" ghi dấu lịch sử và tâm hồn dân tộc Việt. Mỗi tích trò, mỗi điệu múa đều chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sức hút riêng biệt cho du khách muốn khám phá nghệ thuật biểu diễn truyền thống, tìm hiểu văn hóa Việt Nam xưa.
8. Hát Then - Nghệ thuật dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Thái
Hát Then và đàn Tính là hai nét tinh hoa ra đời từ đời sống lao động của người Tày cổ. Theo tín ngưỡng dân gian, "Then" mang nghĩa là "Thiên" - tượng trưng cho trời, được xem như điệu hát thiêng liêng do thần tiên truyền dạy. Chính vì thế, trong văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là người Tày, hát Then thường vang lên trong những dịp lễ trọng đại như cầu an, cầu mùa, lễ hội gọi hồn... Những lời hát Then như nhịp cầu nối gửi gắm ước nguyện của con người tới đấng thần linh.
Được xem là một loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian Việt Nam đặc sắc, hát Then là sự giao thoa hài hòa của nhiều yếu tố nghệ thuật: múa, đàn, hát. Trong đó, đàn Tính - nhạc cụ đặc trưng của người Tày - tạo nên những âm thanh mềm mại, sâu lắng. Đàn được chế tác công phu từ quả bầu khô, gỗ vông làm mặt đàn và cán đàn từ cây khảo quang hoặc dâu tằm. Tiếng hát Then quyện cùng tiếng đàn Tính, phản chiếu tâm hồn người nghệ sĩ và khơi gợi những cảm xúc bồi hồi, lưu luyến trong lòng người thưởng thức.
Lời ca Then không chỉ đơn thuần là những giai điệu trữ tình, giàu nhạc tính mà còn chứa đựng bài học quý giá về đối nhân xử thế, về triết lý nhân sinh sâu sắc. Nghe hát Then, tiếng đàn Tính ngân vang, ta như tìm thấy chính hình ảnh cuộc đời mình trong đó — một bản hòa ca mộc mạc nhưng đậm sâu của nghệ thuật trình diễn dân gian và âm nhạc dân gian Việt Nam.
Loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian Việt Nam không chỉ là kho báu tinh thần vô giá mà còn là biểu tượng trường tồn của bản sắc dân tộc qua từng thế hệ. Giữa nhịp sống hiện đại hôm nay, việc gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật dân gian ấy không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào của mỗi người Việt. Bằng sự trân trọng, tiếp nối và sáng tạo, chúng ta sẽ cùng nhau thổi hồn mới vào những giá trị xưa, để nghệ thuật dân gian mãi ngân vang trong dòng chảy văn hóa Việt Nam và lan tỏa tới bạn bè quốc tế.
Nguồn:https://www.vietravel.com/vn/am-thuc-kham-pha/loai-hinh-nghe-thuat-van-hoa-dan-gian-viet-nam-v17058.aspx
Bình luận (0)