Kể từ khi Quốc hội công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để toàn dân tham gia góp ý, ông Nguyễn Quang Nông, cán bộ hưu trí ở tổ dân phố Tiền Giang, phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Bắc Giang) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để đóng góp những ý kiến thông qua phần mềm ứng dụng VNeID. Với kinh nghiệm từng làm cán bộ chủ chốt cấp xã, sau đó là Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Nông nhận thấy ý nghĩa to lớn của đợt sửa đổi Hiến pháp lần này. “Tôi rất đồng tình với các nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước ta tiếp tục thực hiện cuộc “cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy các cấp”, ông Nông bày tỏ.
Ông Nguyễn Quang Nông (bên trái), cán bộ hưu trí tổ dân phố Tiền Giang, thành phố Bắc Giang góp ý vào dự thảo. |
Theo ông Nông, việc sửa đổi, bổ sung quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp, bởi ngày xưa đất nước ta còn khó khăn, cần phải xây dựng các tổ chức chính trị rộng lớn để tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển sản xuất… Ngày nay, trình độ nhận thức của đại đa số người dân được nâng cao. Mọi thông tin được truyền tải trên các nền tảng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, nắm bắt kịp thời. Dó đó, việc thu hẹp, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các đoàn thể là hợp lý.
Cùng với quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Mạnh Thái, Bí thư Đảng ủy phường Song Mai (thành phố Bắc Giang) rất đồng tình với các nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Đồng chí cho rằng, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện là phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn, vì hiện nay trình độ của đội ngũ cán bộ cấp xã cơ bản đã được chuẩn hóa; công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng được ứng dụng sâu rộng nên khi cấp tỉnh có chỉ đạo xuống cấp xã, bỏ qua cấp trung gian là cấp huyện sẽ được nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Qua đây cũng khiến cho đội ngũ cán bộ cấp xã không còn tư tưởng “dựa dẫm” xin ý kiến cấp huyện mặc dù nhiều việc có thể quyết định được ngay. Đồng chí Thái đề xuất, sau khi thành lập xã, phường mới, địa bàn sẽ rộng, số dân đông hơn nên cần làm tốt công tác chuyển đổi số cho mọi người dân, tránh trường hợp cán bộ cấp xã “làm thay” người dân khi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Người dân phải làm chủ được công nghệ thông tin, chủ động tương tác, giao dịch với chính quyền địa phương trên môi trường mạng.
Ở góc độ luật sư, bà Giáp Thị Vân, Trưởng Văn phòng Luật sư Kim Vĩnh An (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) có ý kiến, các luật sư thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh cơ bản nhất trí với dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 song cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung, trong đó tại khoản 2 Điều 115 nên để đại biểu HĐND vẫn có quyền chất vấn chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân...
Sau khi biết được thông tin chính quyền, đoàn thể địa phương đang tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013, ông Phạm Văn Hảo, tổ dân phố Néo, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) cũng tích cực nghiên cứu các nội dung liên quan. Ông Hảo nêu quan điểm: “Tôi cơ bản đồng tình với chủ trương, nội dung sửa đổi lần này. Tuy nhiên, mong muốn tên gọi của các thành viên MTTQ ở các cấp vẫn nên giữ như cũ để phát huy được vai trò của tổ chức đó, bảo đảm tính đặc thù đại diện cho mỗi giai tầng trong xã hội”.
Góp ý vào sửa đổi Hiến pháp, đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Lạng Giang cho biết, việc sửa đổi, bổ sung lần này bàn đến 2 nhóm nội dung liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, quy định để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Ngay sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội và UBND tỉnh có Kế hoạch, huyện Lạng Giang đã tập trung cao triển khai tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Qua tổng hợp, đến nay, 100% cán bộ, đảng viên và Nhân dân đều thể hiện sự đồng tình, nhất trí với các nội dung sửa đổi Hiến pháp, nhất là các nội dung chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm đồng bộ, kịp thời.
Đồng chí Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung lần này không chỉ khẳng định rõ địa vị pháp lý của MTTQ Việt Nam là một trong ba bộ phận cấu thành hệ thống chính trị, mà còn nhấn mạnh vai trò trung tâm, liên kết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Để phát huy hiệu quả vị trí này, MTTQ Việt Nam phải thực sự phát huy vai trò “chủ trì”, định hướng hoạt động của cả hệ thống MTTQ; tăng cường hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức thành viên trong triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm chung của MTTQ và các đoàn thể sau sắp xếp; đồng thời phải tôn trọng và phát huy sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và phương thức hoạt động của mỗi thành viên; lựa chọn trúng và đúng những nhiệm vụ trọng tâm, có sự thống nhất cao trong phân công chủ trì, phối hợp thực hiện để có sự chuyển biến thực sự về chất trong cấu trúc tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bằng nhiều hình thức, có thể thông qua góp ý trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ và một số cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm… Các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tổng hợp kết quả góp ý xong trước ngày 28/5/2025. Có thể nói, nhìn chung, các ý kiến đều cơ bản đồng tình với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao với mong muốn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/trach-nhiem-tam-huyet-khi-gop-y-du-thao-sua-doi-hien-phap-nam-2013-postid418692.bbg
Bình luận (0)