Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Triển khai bệnh án điện tử: Khó, vẫn phải làm nhanh!

Việc triển khai ứng dụng bệnh án điện tử (BAĐT) thay thế cho bệnh án giấy nằm trong chủ trương chuyển đổi số ngành y tế. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới chỉ có 142/1.650 bệnh viện triển khai thành công, trong khi theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là tất cả bệnh viện phải triển khai BAĐT trước tháng 10-2025.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng01/04/2025

Rào cản về vốn, hạ tầng công nghệ

BAĐT mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cơ sở y tế, nhưng việc triển khai vẫn rất chậm trễ do phần lớn các bệnh viện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn; dữ liệu còn phân tán, không chia sẻ, kết nối được với các cơ sở khám chữa bệnh. Cùng với đó, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin (CNTT) còn nhiều hạn chế nên không thể triển khai đồng bộ mà phải triển khai từng phần, dẫn đến tiến độ bị chậm.

TP Hà Nội có số lượng cơ sở khám chữa bệnh nhiều nhất cả nước (với 42 bệnh viện công), nhưng theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố mới có 10 bệnh viện triển khai thành công BAĐT.

Theo BS CK1 Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội), BAĐT giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, đồng bộ thông tin từ lúc tiếp nhận đến khi người bệnh ra viện, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ và người bệnh, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho người bệnh. Tuy nhiên, việc triển khai BAĐT đòi hỏi quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, nguồn tài chính đáp ứng đầy đủ từ việc đầu tư hạ tầng CNTT, phần mềm và đào tạo nhân viên.

A4b.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn bệnh nhân xem thông tin sức khỏe qua bệnh án điện tử

Tại TPHCM, nhiều bệnh viện quận, huyện cho biết, việc triển khai BAĐT đang gặp nhiều khó khăn khi hạ tầng CNTT của bệnh viện còn rất yếu, chưa đáp ứng được phần mềm BAĐT. Các bệnh viện tuyến trên như Hùng Vương, Trưng Vương, Truyền máu huyết học... dù có nguồn lực tốt hơn nhưng phải mất một thời gian dài mới làm xong BAĐT, hiện đã được Bộ Y tế thẩm định đạt chuẩn.

Lãnh đạo một bệnh viện trên địa bàn TPHCM cho hay, việc liên thông dữ liệu hiện đang gặp vướng mắc vì gói thầu trang bị hệ thống Internet và bảo mật thông tin chưa xong.

“Đối với BAĐT, thứ nhất là cần phần mềm, thứ hai là cần mạng Internet và thứ ba là đảm bảo an ninh mạng. Dù hiện nay Bộ Y tế đã cho phép bệnh viện trích phần thu để trang bị chi phí CNTT nhưng lại chưa có trong cơ cấu giá, vì vậy bệnh viện chủ yếu chi từ nguồn tiết kiệm”, vị này chia sẻ.

Hoàn thành trước tháng 10-2025

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố có 8/32 bệnh viện tuyến thành phố và 3/66 bệnh viện tư nhân có BAĐT. Từ nay đến tháng 9, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, 130 bệnh viện bắt buộc có BAĐT. Hiện các bệnh viện đã bắt đầu xây dựng hạ tầng CNTT để hướng tới việc triển khai hồ sơ BAĐT, từng bước hình thành bệnh viện thông minh.

Sở Y tế đã chỉ đạo nghiên cứu tìm phương án, có thể có khung dùng chung BAĐT để kết nối vào kho dữ liệu của sở y tế. Việc này nhằm rút ngắn tiến độ, đáp ứng được BAĐT cấp cơ bản cho một số đơn vị; đồng thời tính toán liên thông dữ liệu, xét nghiệm, cận lâm sàng giữa các bệnh viện.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến nay cả nước có 142 bệnh viện công lập và tư nhân triển khai thành công BAĐT, không sử dụng bệnh án giấy, và hơn 70% số bệnh viện đã áp dụng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, việc triển khai BAĐT ở các bệnh viện chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Ông Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, cho rằng, để triển khai được BAĐT cần số tiền đầu tư hơn 10 tỷ đồng/bệnh viện. Với những bệnh viện quy mô lớn thì số tiền đầu tư còn lớn hơn, đây chính là trở ngại khiến cho việc triển khai BAĐT ở các đơn vị còn chậm.

Với các bệnh viện tự chủ, chi phí cho CNTT chưa được đưa vào cơ cấu giá của dịch vụ kỹ thuật thực hiện, nên nhiều nơi vẫn xoay xở tìm nguồn vốn. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự chủ động triển khai BAĐT, còn trông chờ cơ quan quản lý cấp trên; chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh đối với các bệnh viện chậm trễ triển khai BAĐT theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc tập trung triển khai BAĐT và sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trước ngày 30-9. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của ngành y tế, nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn thông tin trong y tế.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về “Đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo”.

Trong chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai BAĐT; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, tận dụng dữ liệu đã được liên thông liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân và phải hoàn thành trong tháng 9-2025.

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển Ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong năm 2025 trên địa bàn TPHCM. Trong đó, yêu cầu Sở Y tế chủ trì triển khai 100% BAĐT đối với các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, liên thông dữ liệu, xét nghiệm, khám chữa bệnh giữa các bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/trien-khai-benh-an-dien-tu-kho-van-phai-lam-nhanh-post788575.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm