UBND tỉnh Thái Nguyên ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ với Công ty TNHH Shopee. |
Cùng với cách làm truyền thống là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế, 2 năm trở lại đây các sở, ngành của tỉnh đã tích cực làm việc với các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mở ra cơ hội lớn cho nông sản Thái Nguyên.
Thành công lớn nhất trong năm 2024 là Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ký kết biên bản hợp tác ghi nhớ với TikTok Việt Nam, Công ty TNHH Shopee Việt Nam.
Nằm trong chuỗi hoạt động Festival Nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2024, Sở Công Thương đã phối hợp với TikTok Việt Nam tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng TMĐT.
Hàng chục nhà sáng tạo nội dung từ TikTok tham gia chuyến tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa trà địa phương, trực tiếp tham gia các công đoạn hái chè và chế biến trà theo phương pháp truyền thống.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc TikTok Việt Nam: Trên nền tảng TikTok, thông qua những góc máy, cách kể chuyện truyền tải thông tin của các nhà làm nội dung sẽ góp phần lan tỏa. Mục tiêu của chúng tôi khi phối hợp cùng UBND tỉnh thông qua Sở Công Thương là xây dựng thương hiệu trà Thái Nguyên, bao gồm cả những nét văn hóa, lịch sử, nguồn gốc trà, từ đó thúc đẩy tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm chè, trà Thái.
Như khẳng định của ông Nguyễn Lâm Thanh, thông qua chương trình này, Thái Nguyên kỳ vọng không chỉ nâng cao giá trị của sản phẩm chè mà còn phát triển bền vững nền kinh tế nông nghiệp, tạo dựng thương hiệu trà Thái Nguyên trên bản đồ tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Về nội dung hợp tác, tỉnh Thái Nguyên và TikTok Việt Nam cam kết triển khai các hoạt động xúc tiến TMĐT, tổ chức các chương trình đào tạo, cung cấp bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok For Business và bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop; hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên xây dựng các chương trình truyền thông quảng bá “Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên”; đồng hành tổ chức các sự kiện truyền thông chuyên đề (với sự tham gia của các cá nhân nổi tiếng, KOL, KOC…).
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, cho rằng: Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh qua TikTok là một bước đi quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đây là cơ hội tốt để các DN, HTX, đặc biệt là các cơ sở sản xuất trà, tiếp cận những giải pháp truyền thông, quảng bá, sáng tạo nội dung số, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ qua nền tảng TikTok, nâng cao giá trị sản phẩm trà, sớm đưa chè trở thành cây "tỷ đô" trước năm 2030.
Với sàn thương mại điện tử Shopee, một trong những kết quả đáng chú ý là sự kiện khai trương “Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên” trên Sàn TMĐT Shopee và ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Thái Nguyên và Công ty TNHH Shopee Việt Nam vào ngày 7/01/2025.
Gian hàng sản phẩm của tỉnh trên sàn TMĐT là một mô hình mới, chưa có tiền lệ, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên tiên phong triển khai mô hình này.
Đây là mục tiêu thách thức, nhưng rất thiết thực, triển vọng, khả thi bởi Thái Nguyên đã quy tụ được một cộng đồng người bán hàng năng động, đoàn kết, một hệ sinh thái sản phẩm OCOP dồi dào, trên cơ sở gắn kết và phát huy các yếu tố đặc sắc về địa lý, lịch sử, văn hoá truyền thống.
Hằng năm, Sở Công Thương hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế để đẩy mạnh việc quảng bá, mở rộng kênh phân phối sản phẩm. |
Theo báo cáo phân tích thị trường TMĐT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (từ ngày 10 đến ngày 22/02/2025), doanh số theo ngành hàng đạt trên 492 tỷ đồng; đã bán trên 7,6 triệu sản phẩm; sản phẩm có lượt bán là 20.012 lượt; số lượng gian hàng có lượt bán là 646 gian hàng. Trong đó, 20 gian hàng có doanh thu cao nhất trên sàn TMĐT Shopee.
Trước đó, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Thái Nguyên được cập nhật trên ứng dụng C-Thainguyen. Người nông dân dễ dàng kết nối khi có sản phẩm đầu ra. Tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn được hàng chục sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đưa lên 2 sàn TMĐT là Postmart.vn và Voso.vn.
Sở Công Thương đang triển khai mô hình tuyến phố TMĐT trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Qua khảo sát, cán bộ của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các hộ kinh doanh, giúp họ hiểu rõ lợi ích của việc tham gia sàn TMĐT.
Hiện có 162 cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia mở gian hàng và kinh doanh trên các sàn TMĐT, nền tảng TMĐT. Việc số hóa hoạt động kinh doanh không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa doanh thu và xây dựng thương hiệu vững chắc. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế số theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.
Thông qua sàn TMĐT, nhiều nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được hỗ trợ tiêu thụ, khắc phục tình trạng được mùa, mất giá. Việc tiêu thụ hàng hóa nông sản trên môi trường số mở ra cho nông dân nhiều cơ hội hơn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là cơ hội mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh, trên toàn quốc và có thể trực tiếp thực hiện các giao dịch xuất bán sản phẩm ra thị trường ngoài nước.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/trien-vong-tu-nhung-thoa-thuan-hop-tac-00c2c56/
Bình luận (0)