Cần chiến lược tổng lực tài chính
Ngày 16/4/2025, Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính” do Thời báo Ngân hàng tổ chức đã thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, và cộng đồng tài chính trong nước.
Theo đó, giữa dòng chảy toàn cầu hóa tài chính ngày càng sâu rộng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử để bứt phá và vươn lên khẳng định vai trò là trung tâm tài chính tầm khu vực. Nhưng cơ hội sẽ chỉ là tiềm năng nếu thiếu đi lực đẩy từ một cấu trúc tài chính vững mạnh mà ở đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò then chốt.
Tọa đàm “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính” do Thời báo Ngân hàng tổ chức. Ảnh: Hoàng Giáp |
Sự kiện đã đặt ra một vấn đề: Để hình thành trung tâm tài chính mang tầm vóc quốc tế, Việt Nam cần chiến lược tổng lực, với ngành ngân hàng là lõi trung tâm không chỉ dẫn dắt dòng vốn, mà còn là hệ điều hành tư duy tài chính quốc gia.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Lê Thị Thúy Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Thực hiện định hướng của Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính - ngân hàng và cộng đồng chuyên gia đang cùng chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. “Trong quá trình đó, hệ thống ngân hàng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, được xác định là lực lượng tiên phong, vừa tạo nền tảng ổn định, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái tài chính quốc gia”, bà Lê Thị Thúy Sen cho hay.
Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng nhấn mạnh, sự kiện được tổ chức nhằm cụ thể hóa ba mục tiêu quan trọng: trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng trung tâm tài chính, tập trung vào các chủ đề cốt lõi; làm rõ vai trò và sứ mệnh của hệ thống ngân hàng trong tiến trình xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam...
“Không có mô hình nào là tốt nhất cho quốc gia nào vì việc lựa chọn mô hình nào còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội mỗi quốc gia. Vì vậy, Việt Nam cũng hướng đến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với các chính sách hiện hành, điều kiện kinh tế - xã hội của riêng mình. Sự kiện sẽ là nơi hội tụ của những góc nhìn đa chiều, những kinh nghiệm quốc tế sâu sắc và nhiều sáng kiến trong xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam” - bà Lê Thị Thúy Sen khẳng định.
Theo ThS. Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Đó là vị trí địa lý chiến lược và sự hội nhập kinh tế sâu rộng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực cải thiện thể chế, pháp lý, môi trường đầu tư và kinh tế vĩ mô ổn định.
“TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là hai vị trí được lựa chọn hiện đang có những yếu tố quan trọng để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã có các thiết chế thị trường tài chính hiện đại, kinh tế năng động, và đã vào danh sách đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) từ năm 2022” , ThS. Lưu Ánh Nguyệt thông tin.
Dù có nhiều thuận lợi song đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế cũng chỉ ra những thách thức nhất định khi Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đơn cử như về hạ tầng và thể chế. Theo đó, hạ tầng kinh tế - xã hội trong nước có đóng góp tích cực nhưng còn thiếu đồng bộ, giao thông quá tải, mất cân đối giữa các loại hình vận tải.
Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa đáp ứng chuẩn quốc tế, thiếu quy định về giao dịch xuyên biên giới, bảo vệ nhà đầu tư. Cùng với việc cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt bởi các trung tâm tài chính quốc tế khác đã có nền tảng mạnh và chính sách thu hút hấp dẫn. Đặc biệt, Việt Nam chưa tự do hóa tài chính đầy đủ, hạn chế về công nghệ và an ninh mạng…
Trước thực tế đó, ThS. Lưu Ánh Nguyệt cho rằng, TP. Hồ Chí Minh phù hợp với mô hình bán cổ điển, gắn kết giữa giao thương, công nghệ, thị trường vốn và dịch vụ tài chính, còn Đà Nẵng phù hợp với mô hình thế hệ mới, tích hợp khu thương mại tự do, dịch vụ tài chính xanh, quản lý rủi ro, ngoại hối.
ThS. Lưu Ánh Nguyệt, Phó Trưởng Ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính phát biểu. Ảnh: Hoàng Giáp |
Để xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế cho rằng, cần hoàn thiện thể chế một cách linh hoạt, hiện đại như: xây dựng khung pháp lý minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế, cho phép thử nghiệm mô hình mới như fintech, nền tảng số. Đồng thời, áp dụng mô hình sandbox như Singapore với quy trình cấp phép nhanh và bảo vệ nhà đầu tư tốt. Song song với đó là tăng cường giám sát rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sự ổn định và minh bạch thị trường.
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng tài chính và công nghệ; trong đó, xây dựng hệ thống thanh toán hiện đại, kết nối toàn cầu, phát triển khu tài chính kỹ thuật số, hỗ trợ startup, fintech thử nghiệm dịch vụ mới; ứng dụng AI, Blockchain, Big Data trong giao dịch, quản lý dữ liệu và bảo mật tài chính.
Với chính sách thuế, cần miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế. Có thể học tập kinh nghiệm từ một số nước như Thổ Nhĩ kỳ đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giao dịch ngân hàng và bảo hiểm cho doanh nghiệp tại trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời, cần đề xuất ưu đãi vượt trội cho ngân hàng nước ngoài chuyển trụ sở, chi nhánh vào Việt Nam.
Hơn hết, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu thủ tục đăng ký, cấp phép cho tổ chức tài chính nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu để đào tạo chuyên sâu về tài chính, công nghệ, phân tích dữ liệu… “Cần thu hút chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, fintech; áp dụng chính sách visa đặc biệt cho nhân tài toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực tài chính số” - ThS. Lưu Ánh Nguyệt nêu quan điểm.
Tiếp cận dòng vốn quốc tế, chi phí thấp
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 Nguyễn Đức Lệnh, trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng giữ vai trò quan trọng. Đó là vai trò xây dựng và tạo lập môi trường pháp lý, bao gồm xây dựng cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp theo mục đích và yêu cầu phát triển của trung tâm tài chính quốc tế đảm bảo thúc đẩy hoạt động của các định chế tài chính lĩnh vực ngân hàng phát triển.
“Việc phát triển các định chế tài chính gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, cho thuê tài chính… trong trung tâm tài chính quốc tế sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả, cạnh tranh và phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy hoạt động ngân hàng trong nước”, ông Nguyễn Đức Lệnh nói và cho biết, việc khai thác vốn và sử dụng vốn hiệu quả (trong và ngoài nước) không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này, mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái và nhóm các ngành dịch vụ lớn của thành phố: Ngành vận tải và logistics, nhóm ngành khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, truyền thông, y tế, giáo dục, thương mại và bán lẻ, bất động sản và du lịch…
Bà Trương Thị Thu Ba, Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính BIDV phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Giáp |
Chia sẻ về cơ hội cho các tổ chức tài chính trong nước, bà Trương Thị Thu Ba, Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, thành lập trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam sẽ là cơ hội cho các ngân hàng Việt thu hút dòng vốn quốc tế và tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Đồng thời, mở rộng thị trường và nâng cấp hệ sinh thái dịch vụ tài chính; chuẩn hoá theo thông lệ quốc tế, nâng cao tín nhiệm và khả năng huy động vốn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể tăng tốc chuyển đổi số và định hình mô hình ngân hàng nền tảng.
Theo đại diện BIDV, cơ hội luôn đi kèm với thách thức như áp lực cạnh tranh đa tầng với các định chế tài chính quốc tế; khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và tích hợp số. Vì vậy, các ngân hàng Việt phải đối diện với sự cạnh tranh rất lớn, và có khả năng thua ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó là rủi ro bị “quốc tế hoá áp lực” nhưng chưa đủ “quốc tế hoá năng lực”. Cuối cùng là thách thức trong xây dựng niềm tin thị trường và tính nhất quán chính sách.
Chính vì vậy, BIDV đề xuất, về phía Quốc hội và Chính phủ, Nghị quyết chuyên đề về trung tâm tài chính quốc tế cần có định hướng dài hạn với thể chế đặc thù và sớm được thông qua. Đồng thời, cần tổ chức các đoàn khảo sát trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm. Có một mô hình gần với Việt Nam và mới hình thành đó là GIFT City của Ấn Độ. Trong quá trình xây dựng chính sách cần tham vấn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các bên. Đồng thời, tận dụng nguồn nhân lực và hạ tầng tại Việt Nam với chi phí thấp để triển khai dịch vụ phù hợp với Việt Nam.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, cần có cơ chế thí điểm linh hoạt, đối thoại chính sách định kỳ, đồng thời có không gian pháp lý thử nghiệm (sandbox) các dịch vụ như ngân hàng số, tài sản số, tài chính xanh, thanh toán quốc tế… Đối với Hiệp hội Ngân hàng, cần lấy ý kiến của các ngân hàng thành viên để nắm bắt các vướng mắc trong quá trình áp dụng. Ngoài ra, thực hiện phổ biến, đào tạo, chia sẻ các thông lệ quốc tế, xu hướng công nghệ mới… cho các thành viên.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, BIDV xác định sẽ cần tận dụng lợi thế chi phí nhân lực và hạ tầng để cung cấp dịch vụ tài chính cho trung tâm tài chính quốc tế; có chiến lược tham gia một cách chủ động, trọng tâm, nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, chủ động hợp tác quốc tế, kết nối mạng lưới tài chính toàn cầu, đồng kiến tạo thể chế, đề xuất mô hình sản phẩm, xây dựng và thử nghiệm mô hình mới.
Việt Nam có khát vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, điều đó đã rõ. Nhưng khát vọng cần một cỗ máy để vận hành. Và cỗ máy đó, không gì khác hơn, chính là hệ thống ngân hàng, nơi hội tụ trí tuệ, công nghệ, niềm tin và tầm nhìn chiến lược. |
Nguồn: https://congthuong.vn/trung-tam-tai-chinh-ngan-hang-viet-lam-gi-de-khong-thua-tren-san-nha-383326.html
Bình luận (0)