Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali và Phu nhân đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 tại Hà Nội từ ngày 15 - 17/4/2025.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia nhiều hoạt động trong khuôn khổ chương trình đón tiếp đoàn Thủ tướng Ethiopia và Phu nhân. Cụ thể, Bộ trưởng đã tham dự lễ đón chính thức; tham dự hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali; tham dự cùng Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Ethiopia...
Lễ ký MOU về hợp tác thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại và Hội nhập khu vực Ethiopia. Ảnh: Nhật Bắc/VGP |
Đáng chú ý, ngay sau buổi hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali, chiều 15/4, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ethiopia Gedion Timothewos Hessebon đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại.
Đây là một văn kiện quan trọng, xác định mục tiêu, phạm vi, lĩnh vực, các hoạt động hợp tác, phương thức phối hợp triển khai hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực thương mại.
Theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, nằm ở vùng Sừng châu Phi, Ethiopia là thị trường giàu tiềm năng với quy mô nền kinh tế và dân số lớn, khoảng 130 triệu người, là nước đông dân thứ hai ở châu Phi.
Trong nhiều năm gần đây, nền kinh tế Ethiopia liên tục tăng trưởng ở mức cao và tương đối ổn định, được coi là điểm sáng về phát triển kinh tế tại châu Phi. Ethiopia là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn nhất châu lục, đạt trung bình 9% giai đoạn 2011 - 2019 và hơn 6% giai đoạn 2020 - 2024. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Ethiopia đạt 8,2%.
Ethiopia hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Phi và lớn thứ 5 châu Phi. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ethiopia dao động từ 18 đến 21 tỷ USD. Ethiopia có nhiều khoáng sản (vàng, platinum, lithium, tantalum, bồ tạt, kim loại cơ bản), có nguồn nguyên liệu tại chỗ (nông sản, da, bông…) và nguồn nhân lực dồi dào. Ethiopia là một trong những nhà sản xuất cà phê lớn nhất ở châu Phi và là nhà sản xuất lớn thứ năm trên thế giới về cà phê Arabica.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ethiopia còn khiêm tốn, so với tiềm năng của 2 thị trường có quy mô tổng dân số lên tới 230 triệu người. Trong giai đoạn từ năm từ 2019 - 2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước có xu hướng tăng, từ 10,1 triệu USD năm 2019 lên 13,2 triệu USD năm 2024.
Cơ cấu mặt hàng trao đổi có tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam xuất khẩu sang Ethiopia chủ yếu bao gồm sản phẩm từ nhựa, máy móc thiết bị điện, thiết bị cơ khí, hóa chất... và nhập khẩu từ Ethiopia chủ yếu là cà phê, vải, bông, nguyên phụ liệu dệt may - da giày, sản phẩm hóa chất, hạt có dầu, hạt vừng, đậu tương...
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giữa hai nước Việt Nam - Ethiopia ít cạnh tranh, mang tính bổ sung cho nhau, chính vì vậy, việc ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại giữa hai nước sẽ là động lực lớn, thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương.
Nguồn: https://congthuong.vn/viet-nam-ethiopia-ky-ket-hop-tac-ve-thuong-mai-383518.html
Bình luận (0)