Đây là sáng kiến nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe học đường, tăng cường nhận thức và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho thế hệ tương lai của đất nước.
Hai bên hợp tác nhằm xây dựng mô hình can thiệp phòng chống và kiểm soát hiệu quả, dựa trên cơ sở khoa học, thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và giáo dục nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng tại các trường học.

Trong năm đầu tiên, hai bên sẽ xây dựng một chương trình can thiệp toàn diện, phù hợp với bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam, thông qua thúc đẩy hợp tác với nhóm nghiên cứu REACH do GS. Bonnie Halpern-Felsher (Đại học Stanford, Hoa Kỳ) dẫn dắt. Chương trình cũng sẽ tổ chức các buổi trao đổi chuyên đề với sự tham gia của chuyên gia y tế, dự kiến tiếp cận khoảng hàng nghìn học sinh nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá điện tử.
Trước mắt, Chương trình sẽ được triển khai thí điểm tại một trường THCS ở Hà Nội, sau đó mở rộng tới 8 trường ở các thành phố lớn trong hai năm tiếp theo.
Chương trình được khởi động trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 vào tháng 11/2024, chính thức cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Việt Nam cũng là quốc gia thứ 6 tại khu vực ASEAN áp dụng chính sách cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Tuy nhiên, việc thực thi vẫn gặp nhiều thách thức do thiếu các chương trình can thiệp toàn diện và hệ thống chế tài đồng bộ, trong khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng ở thanh thiếu niên. Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong 2 năm, tỷ lệ học sinh từ 13 đến 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 3,5% vào năm 2022 lên đến 8,0% vào năm 2023.

Nhấn mạnh tính cấp thiết của Chương trình, Chủ nhiệm dự án, GS.TS. Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng cho biết: “Thông qua việc xây dựng mô hình can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học tại các trường trung học cơ sở, dự án sẽ đặt nền móng tiên phong và kịp thời cho việc phát triển các chính sách và chương trình toàn diện về kiểm soát thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng”.
TS. Lê Thái Hà - Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture cũng chia sẻ: “Sự chung tay của các nhà khoa học, chuyên gia y tế và giáo dục sẽ tạo ra những tác động tích cực, bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam, đồng thời góp phần xây dựng các chính sách hiệu quả trong lĩnh vực phòng chống thuốc lá điện tử”.

Chương trình hợp tác cũng là kết quả thiết thực từ hội thảo khoa học InnovaConnect do Trường ĐH Y tế Công cộng và Quỹ VinFuture đồng tổ chức vào tháng 9/2024 về chủ đề “Phòng chống tác hại của thuốc lá mới”.
InnovaConnect là chuỗi sự kiện kết nối khoa học giữa các chuyên gia hàng đầu quốc tế với những trường, viện nghiên cứu uy tín trong nước, từ đó dẫn tới những hợp tác khoa học thiết thực, đi vào đời sống và tạo ra những lợi ích thực chất cho cộng đồng.
Được triển khai thí điểm từ năm 2024, đến nay InnovaConnect đã tổ chức kết nối các chuyên gia hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực bán dẫn, khoa học môi trường và y tế công cộng với các trường đại học trọng điểm ở khu vực Hà Nội như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐH Y tế Công cộng.
Trong năm 2025, InnovaConnect đã công bố mở rộng triển khai trên phạm vi toàn quốc. Các đơn vị quan tâm có thể truy cập website Quỹ VinFuture tại địa chỉ https://vinfutureprize.org/vi/tin-tuc/2025-innovaconnect/ để tải các biểu mẫu và hồ sơ đăng ký cần thiết.
Thời hạn tiếp nhận đăng ký bắt đầu từ ngày 2/1/2025 và sẽ diễn ra 4 đợt trong năm, vào các ngày 02/01, 02/4, 02/7, và 02/10. Các tổ chức đối tác có 60 ngày để hoàn thành hồ sơ và gửi đăng ký (dạng bản mềm) về địa chỉ email: [email protected]
Thế Định
Nguồn: https://vietnamnet.vn/truong-dh-y-te-cong-cong-va-vinfuture-hop-tac-chan-thuoc-la-dien-tu-hoc-duong-2399120.html
Bình luận (0)