Minh bạch thông tin sản phẩm
Thông tư số 02, ngày 28/3/2024 quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (có hiệu lực từ 1/6/2024) yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa phi nông nghiệp phải bảo đảm tối thiểu 10 thông tin, như: Tên, hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên, địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn (nêu rõ mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, thời gian truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn); thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng…
Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Thùy Dương chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. |
Cùng đó, các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp cũng phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Thông tư số 17 ngày 20/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn. Theo đó, các cơ sở sản xuất áp dụng “Quy trình kiểm soát nội bộ truy xuất nguồn gốc sản phẩm” thông qua hệ thống sổ sách, biểu mẫu do Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai, hướng dẫn.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc và bám sát các quy định hiện hành, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chú trọng việc đăng ký, tạo lập mã vạch, mã QR-Code, ghi chép đầy đủ “đường đi” tạo ra sản phẩm theo phương châm “một bước trước, một bước sau”. Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, toàn tỉnh có 415 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó phần lớn sản phẩm được đưa thông tin lên cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh.
Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Thùy Dương (phường Nham Biền, thành phố Bắc Giang) là một trong số nhiều đơn vị thực hiện tốt các phần việc trên. Bà Bạch Thị Mến, Giám đốc Hợp tác xã cho hay, trung bình mỗi năm, đơn vị thu mua từ các thành viên liên kết khoảng 10 tấn củ sen, 10 tấn sắn dây, 15 tấn nghệ… Hợp tác xã có hợp đồng ký kết với bên cung cấp, trong đó yêu cầu toàn bộ nguyên liệu không còn tồn dư chất bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.
Hoạt động mua bán được ghi chép cẩn thận thông qua hệ thống bảng biểu, sổ sách và được UBND cấp xã xác nhận đã mua nguyên liệu tại địa phương. Toàn bộ sản phẩm của Hợp tác xã như tinh bột nghệ, ngũ cốc nảy mầm, tinh bột củ sen, viên nghệ tam thất mật ong… đều có đầy đủ mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì.
Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay
Thời gian qua, việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự ủng hộ, hợp tác tích cực của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn gặp một số khó khăn. Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, còn một bộ phận người tiêu dùng chưa có thói quen tìm hiểu kỹ các thông tin về sản phẩm khi mua hàng. Một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm quy định về truy xuất nguồn gốc, nhất là những cơ sở quy mô nhỏ lẻ. Tỉnh đang duy trì hoạt động của Cổng truy xuất nguồn gốc tỉnh (địa chỉ: https://txng.bacgiang.gov.vn) song chưa liên thông với hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia.
Người tiêu dùng quét mã QR-Code tìm hiểu các thông tin về sản phẩm. |
Khắc phục khó khăn, các địa phương, sở, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu có tối thiểu 30% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; 100% sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, OCOP được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Bắc Giang phấn đấu đến hết năm 2025 có tối thiểu 30% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; 100% sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, OCOP áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. |
Năm 2025 và những năm tiếp theo, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất đăng ký mã số, mã vạch, QR-Code; đồng bộ hạ tầng công nghệ để liên thông Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh với quốc gia. Sở Nông nghiệp và Môi trường quan tâm chỉ đạo bộ phận chuyên môn hướng dẫn các chủ thể áp dụng "Quy trình kiểm soát nội bộ truy xuất nguồn gốc sản phẩm".
Ông Đỗ Văn Huy, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, quy trình kiểm soát nội bộ truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được công nhận sáng kiến có khả năng nhân rộng trong tỉnh. Hiện bộ phận chuyên môn đang tích cực hướng dẫn các chủ thể, nhất là chủ thể tham gia xây dựng sản phẩm OCOP năm 2025 nắm rõ cách thức ghi chép thông tin trong hệ thống bảng biểu (từ khâu chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói đến bán hàng). Điều quan trọng, mỗi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm để khẳng định uy tín, chỗ đứng trên thị trường.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục duy trì phần mềm quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ đối chứng, hậu kiểm chất lượng hàng hóa khi giới thiệu, tiêu thụ trên không gian mạng. Đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã có sản phẩm OCOP được truy xuất sản phẩm rõ ràng tham gia chương trình xúc tiến thương mại, hội trợ. Hay như huyện Hiệp Hòa tiếp tục hỗ trợ miễn phí cho tổ chức và cá nhân truy xuất nguồn gốc trên website http://hiephoaocop.vn.
“Để hoạt động truy xuất nguồn gốc đem lại ý nghĩa thiết thực rất cần sự phối hợp, chung tay của người tiêu dùng. Khi lựa chọn bất cứ sản phẩm nào, người tiêu dùng nên dành thời gian tìm hiểu kỹ thông tin của mặt hàng thông qua mã vạch, mã QR-Code, mua hàng tại các đơn vị uy tín. Nếu phát hiện trường hợp sản phẩm không có thông tin rõ ràng, chất lượng kém cần phản ánh tới nhà sản xuất, lực lượng quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ giải quyết, xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết thêm.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/truy-xuat-nguon-goc-san-pham-de-tang-suc-canh-tranh-postid415857.bbg
Bình luận (0)