Đây không chỉ là lời giải cho bài toán thiếu giáo viên chuyên môn - một vấn đề nan giải đã tồn tại lâu nay, mà còn là một tầm nhìn xa cho giáo dục toàn diện, nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng chiều sâu văn hóa, cảm xúc và thể chất cho thế hệ trẻ Việt Nam từ những bước đi đầu đời.
Trong bức tranh phát triển của giáo dục hiện đại, nghệ thuật và thể thao thường bị xếp vào nhóm “môn phụ”, bị đánh giá thấp về mặt điểm số lẫn giá trị. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều học sinh khi ra trường vẫn chưa biết chơi một nhạc cụ, chưa thể vẽ một bức tranh, cũng chưa hình thành được thói quen vận động lành mạnh. Nguy hiểm hơn, các em đánh mất dần khả năng cảm thụ cái đẹp, thiếu kỹ năng thể hiện cảm xúc, dẫn đến sự khô cứng trong tâm hồn và cả sự thụ động về thể chất. Trong một thế giới số hóa, nơi con người ngày càng đối diện với nhiều áp lực và thông tin tiêu cực, thì những khoảng lặng để trẻ em được sống với nghệ thuật, được giải phóng năng lượng tích cực qua thể thao càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết.
Việc mời nghệ sĩ hay vận động viên thành danh - những người đã trải qua hành trình rèn luyện nghiêm túc, từng nếm trải hào quang lẫn cay đắng - bước vào lớp học chính là cách mang đến cho học sinh những bài học cuộc đời thực tế, sống động. Hẳn nhiên, không phải nghệ sĩ hay vận động viên nào cũng có nghiệp vụ sư phạm bài bản, song họ sở hữu thứ mà không giáo trình nào có thể truyền đạt: tinh thần sáng tạo, cảm hứng, niềm đam mê, khả năng khơi dậy ước mơ... Đó chính là điều mà giáo dục nghệ thuật và thể thao học đường đang thiếu. Hãy thử hình dung sức lan tỏa khi một ca sĩ nổi tiếng xuất hiện trong lớp học, kể về hành trình vượt qua nghèo khó để đứng trên sân khấu lớn; một vận động viên chia sẻ cảm giác khi cầm lá cờ Tổ quốc trên bục vinh quang - đó là những khoảnh khắc có thể chạm đến trái tim trẻ thơ, thắp lên trong các em khát vọng sống có lý tưởng và nỗ lực không ngừng. Ắt hẳn đó sẽ là những tiết học không sách vở nào có thể thay thế!
Nghệ thuật là ngôn ngữ của cảm xúc, là cầu nối giữa con người với con người, giữa cá nhân và cộng đồng. Một đứa trẻ có khả năng cảm nhạc cũng sẽ biết đồng cảm, biết rung động trước cái đẹp và biết sống sâu sắc hơn. Một bản nhạc hay, một bức tranh đẹp, một vở kịch lay động có thể thay đổi nhận thức, khiến con người trở nên tử tế và nhân văn. Thể thao không chỉ rèn sức bền mà còn dạy tinh thần đồng đội, ý chí vượt khó, sự kiên cường. Đó là những phẩm chất làm nên một con người khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần - điều mà mọi nền giáo dục đều hướng tới. Đó là lý do tại sao trong các nền giáo dục tiên tiến như Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nghệ thuật và thể thao luôn chiếm một vị trí quan trọng trong hành trình trưởng thành của trẻ. Cái cần là “học thật, thực hành thật”. Học sinh phải được cầm cọ, chơi nhạc cụ, diễn kịch dưới sự hướng dẫn của những nghệ sĩ có nghề, có tâm.
Thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật vào trường học, nhưng chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ. Nếu muốn tạo ảnh hưởng sâu rộng, cần một chiến lược dài hạn, đi kèm với đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, cơ chế phối hợp. Lời gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm hoàn toàn có thể trở thành một chính sách nếu các cơ quan, đơn vị, trường học biết tận dụng tốt nguồn lực xã hội. Ký hợp đồng với nghệ sĩ, vận động viên có chuyên môn để giảng dạy sẽ giúp lớp học trở nên sinh động, sáng tạo, truyền cảm hứng, không chỉ cho học sinh mà còn cho cả giáo viên, phụ huynh.
Trong bối cảnh hiện tại, khi mạng xã hội đang khiến giới trẻ trở nên dễ chai sạn cảm xúc, khi nhiều giá trị sống đang bị đảo lộn, thì nghệ thuật và thể thao - với sự chân thật, cảm xúc và tính nhân văn - lại càng cần được nâng niu và đầu tư đúng mực. Học nhạc, học vẽ hay thể thao không phải để tất cả học sinh trở thành nghệ sĩ, vận động viên chuyên nghiệp, mà để các em trưởng thành thành những con người trọn vẹn hơn: biết lắng nghe chính mình, biết sẻ chia với người khác, khỏe mạnh về thể chất, sâu sắc về tâm hồn, phong phú về cảm xúc. Đã đến lúc chúng ta cần đặt nghệ thuật và thể thao vào vị trí xứng đáng trong hành trình trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam, như một phần không thể thiếu trong sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ, cảm xúc và nhân cách con người.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/truyen-cam-hung-nghe-thuat-tu-hoc-duong-post794694.html
Bình luận (0)