Từ câu chuyện rất đẹp nhân ngày Giỗ Tổ
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”
Trước câu chuyện về Sơn Tinh - Thủy Tinh thời vua Hùng Vương thứ 18, đã có một truyền thuyết rất đẹp về nguồn gốc người Việt, đó là truyền thuyết về Âu Cơ - Lạc Long Quân.
Khi Lạc Long Quân - vốn là loài Rồng dũng mãnh ở biển khơi, gặp Âu Cơ là nàng Tiên xinh đẹp ở chốn non cao, họ lấy nhau, Âu Cơ sinh một bọc nở ra một trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con lớn lên như thổi, tất cả đều xinh đẹp, khỏe mạnh và thông minh tuyệt vời. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ về lý do chia tách: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”. Từ đây bắt đầu cuộc chia tách để người Việt có được hơn trăm triệu dân như bây giờ.
Đông đảo nhân dân cùng du khách thập phương về dâng hương tại Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. |
50 con lên rừng, 50 con xuống biển, kỳ diệu thay Rừng và Biển trở thành hai bộ phận không tách rời của đất nước Việt Nam.
***
Sau truyền thuyết về cuộc di dân đầu tiên ấy, dân tộc chúng ta còn có công cuộc mở cõi về phương Nam, và thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ đã có hai câu thơ bất hủ: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long/”. Mở cõi về phương Nam là mở đất nước phát triển theo chiều dọc hình chữ S. Sau năm 1975, Việt Nam đã tiến hành nhập tỉnh, rất nhiều tỉnh sáp nhập với nhau theo chiều dọc, dễ thấy nhất là các tỉnh miền Trung: Bình Trị Thiên (gồm Quảng Bình - Quảng Trị, Thừa Thiên), Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình (gồm Quảng Ngãi và Bình Định), Phú Khánh (gồm Phú Yên và Khánh Hòa)…
Tỉnh Nghĩa Bình vốn là Quảng Ngãi quê hương tôi nhập với Bình Định là quê hương của rất nhiều người bạn tôi. Quy Nhơn, thủ phủ của Nghĩa Bình, là nơi gia đình tôi đã sinh sống suốt 10 năm. Đó là thời bao cấp rất khó khăn, nhưng gia đình tôi và bạn bè quê Bình Định đã đồng cam cộng khổ, sống với nhau rất nghĩa tình. Là nhà thơ, tôi đã có 10 năm sáng tác ở Quy Nhơn với nhiều bài thơ và 5 tập trường ca mà tôi rất ưng ý. Năm 1989 chia tách tỉnh thành Bình Định và Quảng Ngãi, tôi về quê mang theo bao kỷ niệm ấm áp và ngọt lành về 10 năm gia đình mình sống ở Quy Nhơn.
Cho tới hôm nay, lại diễn ra một cuộc “tổng sáp nhập” các tỉnh trên toàn quốc để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình tới thịnh vượng, sánh vai các cường quốc năm châu. Cuộc sáp nhập lần này không diễn ra theo chiều dọc đất nước, mà nhiều khả năng sẽ diễn ra theo chiều ngang. Trong nhiều ngày qua, tôi đã miên man nghĩ về tương lai của dân tộc ta từ cuộc chuyển mình này, và tôi luôn nghĩ về câu chuyện Rừng và Biển thời Lạc Long Quân - Âu Cơ.
Như thông tin chưa chính thức, rất nhiều tỉnh ở miền Trung sẽ sáp nhập theo mô hình có rừng có biển, như Quảng Ngãi sáp nhập
Kon Tum, Bình Định sáp nhập Gia Lai, Phú Yên sáp nhập Đắk Lắk… Đây là mô hình sáp nhập để phát triển kinh tế, những con đường cao tốc mới mở sẽ nối rừng và biển, điều trước đây rất ít có. Và tôi tin tưởng mãnh liệt rằng đó là quyết định vượt tầm thời đại của Đảng.
Nếu Bình Định kết nối Gia Lai với QL 19 được đầu tư làm mới hoàn toàn, Quảng Ngãi nối thẳng với Kon Tum bằng tuyến đường cao tốc tương tự, lần đầu tiên trong lịch sử rừng và biển sẽ sát cánh với nhau với thời gian kết nối, lưu thông ngắn hơn trước rất nhiều. Khi đó ta không chỉ phát triển kinh tế, phát triển du lịch, mà còn tạo lợi thế quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách hiệu quả nhất.
Sáp nhập theo mô hình rừng - biển như thế này thì tỉnh nào sáp nhập cũng có cơ hội phát triển, không vùng đất nào “bị bỏ lại phía sau”, ngược lại, những tỉnh cũ có lợi thế đất rộng sẽ “đi lên nhờ đất”. Và những cảng biển hoành tráng sẽ mở ra cho những tỉnh cũ là miền núi. Hồi xưa cả Quảng Ngãi và Bình Định cùng có câu ca dao: “Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” nói về thông thương rừng - biển ở mức độ sơ khai, thì bây giờ không chỉ mít non và cá chuồn nữa, mà sẽ là… đủ thứ, tất cả được vận chuyển bằng đường cao tốc. Triển vọng mở ra một đời sống thịnh vượng cho mọi vùng đất được sáp nhập là thấy rõ.
Khi kinh tế có thể phát triển giao lưu theo tuyến rừng - biển, thì văn hóa, văn học nghệ thuật, tình nghĩa, sự quan tâm lẫn nhau, vẫn phát triển và sâu sắc thêm ở tuyến chiều dọc truyền thống. Quảng Ngãi và Bình Định vốn đã thân quý với nhau, bây giờ càng thân thương hơn. Nếu cuối năm 2025 cao tốc Quảng Ngãi - Bình Định hoàn thành, từ TP Quảng Ngãi vào TP Quy Nhơn chỉ mất một giờ rưỡi, thì anh em chúng ta gặp nhau mới dễ dàng làm sao. Quy Nhơn không chỉ là “Thành phố thi ca” (Nguyễn Thụy Kha), Quy Nhơn còn là thành phố đáng sống, đang và sẽ vươn tầm không kém thua bất cứ thành phố nào.
Những giao lưu tình cảm thì theo chiều dọc hay theo chiều ngang đều phát triển tốt cả. Ngày Giỗ Tổ, bây giờ gọi là Quốc Tổ, được nghỉ 3 ngày, tha hồ cho anh chị em Quảng Ngãi - Kon Tum - Bình Định - Gia Lai gặp nhau. Thật hạnh phúc biết bao!
Sông Trà hay sông Côn thì đều phát xuất từ núi rừng và đều chảy ra tới biển. Bây giờ Bình Định sáp nhập Gia Lai, Quảng Ngãi sáp nhập Kon Tum thì đều theo hướng chảy những dòng sông. Nghĩa là thuận thiên, thuận theo tự nhiên. Công cuộc sáp nhập tỉnh thuận theo tự nhiên thì chắc chắn sẽ thành công. Đó là điều thật đáng mừng.
***
Như đã nói ở đầu bài, dân tộc ta đã có một truyền thuyết rất đẹp về nguồn gốc người Việt, đó là truyền thuyết về Âu Cơ - Lạc Long Quân, từ truyền thuyết Tiên - Rồng ấy mà người Việt có một từ tuyệt đỉnh sáng trong đẹp đẽ - Đồng Bào. Và trong dịp Giỗ Tổ năm nay chúng ta đang đứng trước cơ hội viết nên một câu chuyện đẹp khác về một cuộc kết nối vĩ đại giữa Rừng với Biển. Tôi tin như vậy và tin rằng câu chuyện này sẽ sớm thành sự thật.
THANH THẢO
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=353878
Bình luận (0)