
Giải quyết nhu cầu của nông dân
LotusEase là sản phẩm của sự kết hợp giữa các sinh viên Ngành Cơ khí (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) và sinh viên Ngành Kinh tế, Kinh doanh quốc tế (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), dưới sự hướng dẫn của TS. Bùi Văn Hùng, giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng.
Nhóm tác giả gồm 6 sinh viên, gồm: Võ Dư Định, Mai Đức Hưng, Nguyễn Hưng Tâm, Lê Anh Vân, Phạm Thị Thu Thủy và Lê Thị Cẩm Đoan. Được biết, ý tưởng thực hiện dự án được nhóm hình thành từ tháng 9/2024, xuất phát từ mong muốn giải quyết bài toán nan giải trong sơ chế nông sản, cụ thể là tách hạt sen tươi.

Sinh viên Lê Thị Cẩm Đoan, thành viên nhóm dự án cho biết, tại nhiều vùng trồng sen ở Việt Nam như Quảng Trị, Huế, Đồng Tháp hay Quảng Nam… hạt sen là nguồn sinh kế quan trọng của người dân. Tuy nhiên, công đoạn tách vỏ hạt sen tươi tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là “nút thắt” lớn nhất trong chuỗi giá trị nông sản này.
"Làm bằng tay thì tốn công, năng suất thấp, dễ làm gãy hạt, trong khi máy móc trên thị trường hiện nay chủ yếu phục vụ hạt sen khô với chi phí cao và không phù hợp với quy mô làng nghề.
Chúng em trăn trở làm cách nào đó để giúp người nông dân bớt vất vả, đưa thiết bị kỹ thuật vào nông nghiệp để hỗ trợ tách vỏ hạt sen tươi hiệu quả. Quả thử nghiệm, LotusEase có thể xử lý tới 50kg hạt/giờ, giữ tỷ lệ hạt nguyên trung bình 88-91%" - Cẩm Đoan chia sẻ.
Hướng đến nông nghiệp xanh, bền vững.
Máy tách vỏ hạt sen tươi bán tự động LotusEase có thiết kế nhỏ gọn, dễ bảo trì và phù hợp với các hộ sản xuất nhỏ, hợp tác xã và làng nghề truyền thống.
Sinh viên Nguyễn Hưng Tâm - thành viên dự án cho hay, máy có cấu tạo gồm những bộ phận như máy cấp phôi, động cơ điện, dao tách hạt sen…
Nguyên lý hoạt động của máy cũng khá đơn giản, dễ sử dụng, người dùng chỉ cần phân loại hạt sen theo kích thước và cho vào máy, cắm điện; phần còn lại máy sẽ tự xử lý và cho ra sản phẩm, phân loại vỏ và hạt riêng, giữ tỷ lệ hạt nguyên rất cao.
[VIDEO] - Dự án LotusEase - Máy tách vỏ hạt sen tươi bán tự động
Không chỉ tập trung vào kỹ thuật, nhóm còn chú trọng xây dựng mô hình thương mại hóa khả thi, hướng đến phát triển bền vững. LotusEase hiện đã hoàn thiện nguyên mẫu và đang được thử nghiệm tại một số vùng trồng sen ở Đà Nẵng, nhận được phản hồi và đánh giá cao từ người dân.
Với thành công bước đầu này, nhóm đặt mục tiêu mở rộng ra khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi có diện tích sen lớn và nhu cầu cao về cơ giới hóa. Vì vậy, nhóm đang nghiên cứu tích hợp năng lượng mặt trời để vận hành máy và tận dụng phụ phẩm sau tách để làm phân hữu cơ - một hướng đi phù hợp với xu thế nông nghiệp xanh, bền vững.
Ngay từ khi ra mắt, LotusEase đã giành giải đặc biệt tại cuộc thi khởi nghiệp cấp trường và nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị nông nghiệp. Điều này không chỉ cho thấy tính thực tiễn của sản phẩm mà còn mở ra tiềm năng thương mại hóa và nhân rộng trên quy mô toàn quốc.

Theo TS. Bùi Văn Hùng, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng - hướng dẫn dự án, từ một ý tưởng trên giảng đường, LotusEase đang từng bước đi vào đời sống, hứa hẹn sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực cho ngành chế biến nông sản Việt Nam. LotusEase còn thể hiện tinh thần khởi nghiệp từ nhu cầu thực tiễn của người dân - điều mà nhiều startup đang theo đuổi…
"Trên thị trường hiện nay có nhiều máy móc sơ chế nhưng với giá khá cao. Việc nhóm nghiên cứu thành công sản phẩm với chi phí phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của nông dân đã giải quyết bài toán trên. Trong tương lai, nhóm định hướng tiếp tục nghiên cứu và phát triển thành sản phẩm có quy trình sơ chế khép kín từ nguyên liệu đầu vào (đài sen) đến đầu ra thành phẩm (hạt sen đã bóc vỏ)", TS. Bùi Văn Hùng cho hay.
PGS. TS. Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng cho biết, để tạo cầu nối giữa các nhóm nghiên cứu, dự án khởi nghiệp của sinh viên với hệ sinh thái bên ngoài, nhà trường đã xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nội bộ.
Đồng thời, phát triển cơ sở 1 của trường thành Hud Innovation (trung tâm đổi mới sáng tạo), kết hợp với các doanh nghiệp đặt phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu. Bên cạnh đó, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu theo hướng ứng dụng, từ các đề tài chuyển thành dự án đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
Nhà trường sẽ tích cực tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia, khu vực và thành phố; đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm ươm tạo về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Từ đó, từng bước giúp cho sinh viên có kiến thức, trải nghiệm, cũng như kết quả cụ thể trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
PGS. TS. Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng
Nguồn: https://baodanang.vn/tu-du-an-sinh-vien-den-chung-ket-khoi-nghiep-surf-2025-3297833.html
Bình luận (0)