(LĐ online) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đi vào lịch sử nhân loại như một trong những chiến công lớn nhất.
Bác Hồ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ảnh: TL |
Thắng lợi đó không phải là một điều ngẫu nhiên mà là kết quả của cả một quá trình chiến đấu lâu dài của quân và dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta. Khoa học, biện chứng trong việc đánh giá kẻ thù và mối tương quan lực lượng địch - ta, trong việc đánh giá đường lối chiến tranh, trong việc nắm bắt và phân tích các thời cơ để hạ quyết tâm chiến lược và chỉ đạo thực hiện quyết tâm chiến lược đó.
Hạt nhân của tư tưởng quân sự đó là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh mà điểm cốt lõi là tư tưởng chiến tranh toàn dân của Người. Chính tư tưởng chiến tranh Nhân dân đó đi vào cuộc sống, thấm vào Nhân dân đã tạo nên một sức mạnh diệu kỳ mà biểu hiện sinh động nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
• VAI TRÒ TO LỚN CỦA QUẦN CHÚNG TRONG CHIẾN TRANH NHÂN DÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
Trước kia, dân tộc ta đã từng tiến hành nhiều cuộc chiến tranh với sự tham gia của Nhân dân ở mức độ khác nhau, đã đánh bại nhiều thế lực xâm lược hung bạo, trong đó có cả kẻ thù sừng sỏ Mông - Nguyên. Nhưng sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi, dân tộc ta lại phải lần lượt đương đầu với những kẻ thù hoàn toàn mới, khác hẳn với các kẻ thù thời trước.
Ngay trong thời kỳ đầu chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong phạm vi cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Trước kia, chỉ đánh nhau về mặt quân sự, ngày nay đánh nhau về đủ mọi mặt: Quân sự, kinh tế, chính trị, tư tưởng nên người ta gọi là toàn diện chiến tranh. Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của Nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó thì không thể thắng lợi được.
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Đảng ta hết sức chăm lo cho Nhân dân về đủ mọi mặt. Dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng, Nhân dân cả nước trở thành một đội ngũ, cao trào cách mạng tiến công dâng cao trong mọi giới, mọi ngành. Sức mạnh chiến đấu của toàn dân Việt Nam trên cả hai miền Nam - Bắc phát triển mạnh mẽ. Sự đóng góp sức của, sức người của Nhân dân ngày càng cao.
Trong giai đoạn cuối chiến tranh, toàn lực của Nhân dân về đủ mọi mặt được phát huy cao độ, kết hợp với sức mạnh của thời đại, thực lực cách mạng ngày càng lớn mạnh. Nhờ có sẵn thực lực cách mạng đó, ta đã tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến, ta nhanh chống mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào mùa Xuân năm 1975.
• ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ, GIỮ VỮNG CHỦ ĐỘNG TRONG CHIẾN TRANH
Độc lập, tự chủ và giữ vững chủ động là hai quan điểm nổi tiếng mà Người đã nêu ra từ những năm 1921 -1922 trong bài báo "Đông Dương" và Tuyên ngôn Hội Liên hiệp thuộc địa do Người soạn thảo. Đến năm 1956, nhằm giữ vững tính độc lập trong việc hoạch định đường lối cách mạng, một lần nữa, Người khẳng định lại và phát triển thêm các luận điểm trên.
Người cho rằng: Không thể nào hạn chế những hoạt động hiện nay và tương lai của chúng tôi trong khuôn khổ dân tộc thuần túy, rằng dân tộc Việt Nam phải vạch rõ những phương pháp và biện pháp riêng của mình trong cuộc đấu tranh chống những âm mưu của bọn đế quốc Mỹ và của chính quyền miền Nam Việt Nam hòng chia cắt vĩnh viễn đất nước chúng tôi.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10/1973) khẳng định: Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, nắm vững đường lối chiến lược tiến công. Với tư tưởng chỉ đạo đó, từ cuối năm 1973, Quân khu 9 đã phản công địch lấn chiếm và đầu năm 1975, ta chủ động tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng gần Sài Gòn. Thắng lợi đó giúp cho ta có căn cứ thực tiễn quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên. Tây Nguyên thắng lợi tạo thời cơ thuận lợi cho quân dân ta giải phóng Huế - Đà Nẵng và hội tụ lực lượng giải phóng Sài Gòn.
Sau này, trên cơ sở phân tích những tài liệu thu thập được, Giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Đa-vít-sơn, đã chua chát thừa nhận: Ưu thế hơn hẳn của chiến lược chiến tranh cách mạng Việt Nam là nằm trong thế chiến lược chủ động. Mỹ như phải nhảy theo điệu nhạc chiến lược của Bắc Việt Nam đánh giá chiến lược chủ động của Bắc Việt có một giá trị đặc biệt... chúng ta thừa nhận chiến lược chủ động của Việt cộng...
Chiến lược chủ động của chiến tranh cách mạng Việt Nam có giá trị đặc biệt như Đa-vít-sơn nói, có cơ sở tư tưởng là luận điểm về tính chủ động, nắm vững chủ động của Chủ tịch Hồ Chí Minh
• PHẢI CÓ QUÂN TỐT, DÂN TỐT, HẬU PHƯƠNG MẠNH
Căn cứ vào mục tiêu và động lực của cuộc chiến tranh Nhân dân Việt Nam hiện đại, tư tưởng chiến tranh Nhân dân của Người đã đề cập một cách hệ thống các quan điểm về đoàn kết toàn dân, động viên sức mạnh của Nhân dân để đánh giặc; ra sức xây dựng lực lượng chính trị, trên cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang; kết hợp sức mạnh của lực lượng chính trị với sức mạnh của lực lượng vũ trang trong chiến tranh vũ trang toàn dân đi đôi với việc xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân gồm 3 thứ quân; phát huy ưu thế chế độ mới, của hậu phương lớn và hậu phương tại chỗ; ra sức xây dựng và phát huy mọi nguồn lực trong dân, của quốc gia, tranh thủ các nguồn lực quốc tế...
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, Đảng ta đã đưa cuộc chiến tranh Nhân dân trong thời kỳ này phát triển nhảy vọt chưa từng thấy với nhiều nội dung và hình thức mới. Thêm vào đó, qua thực tiễn chiến đấu, quần chúng lại sáng tạo thêm nhiều cách đánh hay, thắng gọn, làm cho cuộc chiến đấu của quân dân ta càng đa dạng về loại hình tác chiến, sâu đậm về tính Nhân dân, phong phú về sự kết hợp giữa thô sơ với hiện đại.
Đối phương rơi vào thế trận đó, bị tiêu hạo, bị tiêu diệt ngày càng nhiều, ý chí ngày càng suy sụp. Giới cầm quyền Mỹ, mặc dù nhiều cuồng vọng và mưu đồ nhưng cuối cùng cũng nhận thấy Mỹ không thể thắng nổi đối phương, buộc phải rút quân về nước. Rơi vào thế trận chiến tranh Nhân dân, quân ngụy bị đánh từ mọi phía, mọi nơi, tinh thần chiến đấu của chúng ngày càng giảm sút. Trong khi đó, ta càng đánh càng mạnh.
Giai đoạn cuối chiến tranh, thế và lực của ta phát triển mạnh mẽ. Ta đã tạo được thế liên hoàn từ miền Bắc vào đến chiến trường Nam bộ. Năng lực quân sự, trình độ chỉ huy hợp đồng tác chiến của đội ngũ cán bộ được nâng cao. Lực lượng vũ trang ở chiến trường phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.
Đến cuối năm 1973, trên chiến trường miền Nam ta đã có khoảng 32 vạn quân, trong đó có 24,4 vạn quân chủ lực. Tháng 1 và tháng 2 năm 1975, sau khi tăng cường thêm 57.000 quân, lực lượng chủ lực của ta trên chiến trường đã chiếm ưu thế (về tổng quân số tỷ lệ so sánh: địch 1,7 - ta 1, về quân chủ lực: địch 1 - ta 1,03). Điều quan trọng là chất lượng chiến đấu quân ta hơn hẳn quân ngụy, thành phần binh chủng kỹ thuật tăng nhanh. Các quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược đã đứng chân ở những địa bàn trọng yếu.
Hệ thống đường giao thông vận tải, đường ống xăng dầu được nối thông suốt từ hậu phương đến tiền tuyến, đáp ứng với nhu cầu chiến tranh hiện đại.
Xây dựng hậu phương theo tư tưởng Hồ Chí Minh, miền Bắc đã phát huy sức mạnh to lớn của mình trong chiến tranh cách mạng. Trong chặng đường chống Mỹ cứu nước, hợp tác xã ở nông thôn giữ vững sản xuất và cung cấp hai triệu lao động phục vụ quân đội và các ngành nghề khác.
Trước khi bước vào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, theo kế hoạch Bộ Chính trị thông qua, năm 1975 chi viện cho tiền tuyến lớn 56 vạn tấn vật chất. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các đơn vị bộ đội chủ lực đã được trang bị đầy đủ về mọi mặt. Các trang bị chủ yếu như: Vũ khí, xe cộ, lương thực thực phẩm… đều vượt mức yêu cầu. Có được như vậy là nhờ nông nghiệp hợp tác hóa và nông thôn mới đã góp phần trọng yếu củng cố hậu phương, tăng cường lực lượng quốc phòng vừa cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, thật sự là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Tư tưởng chiến tranh toàn dân của Hồ Chí Minh về cội nguồn sức mạnh Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Thứ nhất, Nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyên, giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và các giá trị truyền thống trong đầu tranh dựng nước và giữ nước. Nâng cao nhận thức cho toàn dân, trước hết là cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của quần chúng nhân dân trong tiến trình phát triển của dân tộc cũng như trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. Các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị cần nhận thức rõ, quần chúng nhân dân là cội nguồn sức mạnh của quốc gia - dân tộc; là mục tiêu của cách mạng và cũng là động lực chủ yếu, quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó có thái độ và hành vi ứng xử đúng trong quan hệ với Nhân dân, phấn đầu xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân và làm tốt công tác vận động Nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng đội quân công tác. Chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục quốc phòng trong hệ thống giáo dục quốc dân, nâng cao nhận thức cho các chủ nhân tương lai của đất nước về mối quan hệ giữa chính trị với quân sự; về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần tự giác của mỗi công dân trong việc đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh Nhân dân trong tình hình mới.
Thứ hai, Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển đất nước, lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tập thể và cá nhân người lao động. Kết hợp sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Nhân dân. Không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở giữ vững và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Năng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận Trung ương 4 khóa XIII và các nghị quyết về công tác cán bộ, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "Tự diễn biến", "Tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phát huy cao độ vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, không ngừng củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở đó củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong lĩnh vực quân sự nói riêng.
Thứ ba, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về công tác quân sự quốc phòng, để cao nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tố quốc.
Để phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một trong những nội dung quan trọng và cấp thiết là tạo môi trường và điều kiện để người dân sống và làm việc theo pháp luật. Vì vậy, cùng với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, quân sự và bảo đảm công bằng giữa các công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường giáo dục pháp luật về quốc phòng, an ninh, phải đi đôi với kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi biểu hiện vi phạm pháp luật, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đối với các đơn vị quân đội, trong quá trình làm công tác dân vận, cân chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân về pháp luật, nhất là những luật mới về quân sự, quốc phòng. Mặt khác, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bộ đội, chú trọng đổi mới phương thức hoạt động của các mô hình ngày pháp luật, tổ tư vấn pháp lý, tủ sách pháp luật ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân. Đây là yêu cầu quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân về công tác quân sự, quốc phòng. Bởi lẽ, lớp lớp các thế hệ quân nhân được học tập, rèn luyện trong quân đội sẽ trở thành quần chúng nhân dân hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh - Tuyển tập. T2... trang 413.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập. T4... trang 291, 227.
3. Hồ Chí Minh - Toàn tập. T6... Trang 587.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202504/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-chien-tranh-toan-dan-coi-nguon-suc-manh-dai-thang-mua-xuan-1975-y-nghia-trong-nhiem-vu-bao-ve-to-quoc-hien-nay-9ad67b5/
Bình luận (0)