Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Tủa Chùa có 17 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, chủ yếu các mặt hàng nông sản như mật ong, trà, khoai sọ… Sản phẩm OCOP sau khi được phân hạng giúp nâng cao giá trị, tạo chỗ đứng cho sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trà là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng, chỉ tính riêng dòng trà cổ thụ tại Tủa Chùa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao đã có 7 sản phẩm như: Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan Tuyết Sính Phình, Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan Tuyết cổ thụ Tủa Chùa, Diệp Thanh Trà - Bạch trà Mẫu Đơn, Hồng trà Shan Tuyết, Phổ Nhĩ Trà… Việc thu hái, chế biến đều được thực hiện theo quy trình, đáp ứng đầy đủ tiêu chí từ chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ.
Chè cổ thụ huyện Tủa Chùa đã có từ rất lâu, với đặc trưng của địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu nên các nguyên liệu có đặc tính, phẩm chất đặc trưng, hàm lượng catechin cao tốt cho sức khỏe người sử dụng. Trước kia, khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP, việc đầu tư, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Việc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là tiền đề định vị thương hiệu, khẳng định chất lượng các dòng chè cổ thụ tại Tủa Chùa.
Giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP huyện Tủa Chùa tại hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại.
Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên - doanh nghiệp gắn bó, phát triển chè cổ thụ Tủa Chùa cho biết: Hiện nay Công ty đã liên kết 32ha chè tập trung của gần 400 hộ dân xã Sính Phình và gần 100ha rải rác của các hộ dân trên địa bàn huyện. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào, các sản phẩm đều có chất lượng rất tốt. Để có thể nâng tầm sản phẩm OCOP, phổ biến hơn tới tay người tiêu dùng, thời gian tới chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các dòng sản phẩm mới phù hợp với từng đối tượng khách hàng, mở rộng kênh bán hàng từ truyền thống tới trên nền tảng mạng xã hội. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc cũng như tiếp cận thị trường quốc tế khác.
Các sản phẩm OCOP như trà Tủa Chùa mang lại thu nhập ổn định, phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2024, tổng sản lượng chè búp huyện Tủa Chùa đạt trên 126 tấn, chè thương phẩm đạt trên 25 tấn. Trong đó chỉ tính riêng dòng chè là sản phẩm OCOP ước đạt trên 10 tấn, chiếm gần một nửa tổng sản lượng chè cả huyện. Với việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, khẳng định thương hiệu nông sản của địa phương, giá trị cây chè đã tăng từ 2 đến 3 lần so với trước kia, cao nhất khoảng 400.000 đồng/kg búp tươi, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Gian hàng trà cổ thụ Tủa Chùa với mẫu mã, dòng sản phẩm khác nhau được trưng bày, quảng bá tới khách hàng.
Tương tự như Công ty Hương Linh, sản phẩm mật ong lên men Tân Thái Dương cũng là sản phẩm OCOP 3 sao độc đáo của huyện Tủa Chùa. Đây là sản phẩm được chế biến từ mật ong rừng nguyên chất kết hợp với khoa học hiện đại.
Chị Nguyễn Thị Tân, chủ cơ sở sản xuất mật ong lên men Tân Thái Dương chia sẻ: Sản phẩm mật ong lên men được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2023. Nhằm nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường, cơ sở không ngừng cải tiến quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc đảm bảo các tiêu chí như chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ cũng được tiến hành, người tiêu dùng có thể quét mã QR trên nhãn mác nhằm truy xuất nguồn gốc và thông tin liên quan tới sản phẩm, tạo sự minh bạch, tin tưởng của người tiêu dùng.
Những năm qua, việc phát triển chương trình OCOP luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm đẩy mạnh. Các sản phẩm gắn liền với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của địa phương mang lại kinh tế cao góp phần không nhỏ thay đổi tư duy, cách làm trong tận dụng lợi thế sẵn có phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Ngoài tăng cường tuyên truyền, trợ giúp về cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm OCOP, Phòng còn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tại triển lãm, hội chợ… Cùng với đó, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm, nhãn mác, chế biến, mở rộng quy mô sản xuất, vùng nguyên liệu nhằm nâng tầm sản phẩm OCOP, để sản phẩm OCOP thực sự là hướng đi phát triển kinh tế ổn định bền vững của địa phương.
Nguồn: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/tua-chua-nang-tam-san-pham-ocop
Bình luận (0)