Nhiều địa phương thử nghiệm nghề dâu tằm
Trong chuyến đi thực tế tìm hiểu vùng nguyên liệu dâu tằm ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi cùng đoàn công tác của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái tới thăm một số vùng trồng dâu nuôi tằm ở các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang và Cao Bằng. Chỉ riêng tại huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) đã hình thành vùng trồng dâu nuôi tằm hơn 500ha trong khoảng chục năm trở lại đây. Ở các tỉnh còn lại chủ yếu mới đang ở giai đoạn mô hình thử nghiệm từ vài ha đến vài chục ha, chưa thể nhân rộng.
Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đang manh nha ở một số địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Ảnh: Thanh Tiến.
Các khu vực đang manh nha phát triển nghề dâu tằm đều là những vùng quê nghèo, sản xuất manh mún với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp như lúa, đao riềng, ngô, sắn…, chính quyền và người dân vẫn đang loay hoay tìm cây trồng hiệu quả hơn.
Qua việc tìm hiểu, học tập thực tế ở Yên Bái và các làng nghề truyền thống, đại diện các địa phương này nhận thấy cây dâu tằm dễ trồng, nghề nuôi tằm phù hợp với trình độ của người dân nông thôn, có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với các cây trồng bản địa. Tuy nhiên, để người dân tin tưởng, mở rộng diện tích cần phải có những mô hình thành công ngay tại địa phương để nông dân áp dụng làm theo.
Nhà máy ươm tơ đói nguyên liệu
Những năm gần đây, giá kén tằm tăng cao (từ 180.000 - 200.000 đồng/kg), nông dân sản xuất đến đâu được doanh nghiệp thu mua hết đến đó. Mặc dù đã đặt đầu mối thu mua ở nhiều nơi, tuy nhiên nhà máy ươm tơ của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái vẫn thiếu nguyên liệu sản xuất, nhiều tháng hoạt động cầm chừng vì hết kén.
Anh Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty chia sẻ, đầu năm 2023, nhà máy ươm tơ của Công ty đã chính thức đi vào hoạt động. Hiện nay, nhà máy đã lắp đặt 6 giàn máy với công nghệ hiện đại, công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương với 1.200 - 13.000 tấn kén nguyên liệu. Hiện Công ty đã tạo việc làm cho hơn 220 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 - 12 triệu đồng/tháng. Sản phẩm tơ tằm sau chế biến sẽ được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Nhà máy ươm tơ của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái nhiều tháng thiếu nguyên liệu để sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.
Công ty là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất dâu tằm tơ, kết nối, giới thiệu các đơn vị cung ứng trứng, tằm giống, vật tư nuôi tằm cho các HTX và các hộ nuôi tằm trong và ngoài tỉnh, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tằm để nâng cao chất lượng kén. Công ty đã ký hợp tác liên kết chuỗi giá trị với các HTX trên địa bàn 2 huyện Văn Yên và Trấn Yên, cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm kén tằm do nhân dân làm ra.
Ngoài ra, Công ty còn liên kết thu mua sản phẩm kén tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng. Trong khoảng 2 năm đi vào hoạt động, nhà máy luôn trong tình trạng đói nguyên liệu, sản lượng kén tằm thu mua ở các tỉnh phía Bắc chỉ đạt khoảng 60% công suất chế biến, 40% còn lại vẫn phải thu mua từ tỉnh Lâm Đồng chuyển ra.
Việc thiếu nguyên liệu làm mất tính chủ động trong sản xuất, phải chờ nguyên liệu từ xa, việc thu gom, vận chuyển xa làm ảnh hưởng tới việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, các dây chuyền sản xuất hoạt động cầm chừng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của công nhân trong nhà máy.
Đợt thiên tai năm 2024 đã làm sụt giảm 50% sản lượng kén tằm tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.
Theo anh Trường, trận lũ lụt lịch sử năm 2024 đã tàn phá vùng nguyên liệu chính ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên (tỉnh Yên Bái), hàng trăm ha dâu phải trồng lại, những diện tích còn lại phải khắc phục không thể nuôi tằm trong hầu hết vụ mùa thu (1 trong 2 vụ tằm chính trong năm, có thời tiết tốt, cho năng suất kén cao) dẫn đến sản lượng kén tằm sụt giảm khoảng 50%, do đó khoảng 3 tháng gần đây Công ty chưa thể sản xuất.
Cần mạnh dạn phát triển mới
Hiện nay, Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đang tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích trồng dâu, nâng cao chất lượng lao động. Công ty hỗ trợ về kỹ thuật, giới thiệu các nguồn cung ứng cây giống, con giống, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị, đồ dùng nuôi tằm cho các HTX, hộ chăn nuôi để nâng cao sản lượng và chất lượng kém tằm.
Với khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, nghề trồng dâu, nuôi tằm không còn vất vả được ví “nghề ăn cơm đứng” như trước đây. Một kg tằm hiện nay có giá trị bằng 10kg gạo, mỗi ha dâu tằm có lợi nhuận cao hơn 4 - 5 lần cây lúa, cây ngô. Dư địa phát triển vùng dâu tằm hàng hóa ở nhiều địa phương còn rất tiềm năng.
Ngay tại một số địa phương trong tỉnh Yên Bái như huyện Yên Bình có thể phát triển và hình thành các làng nghề dâu tằm trên các hòn đảo thuộc vùng hồ Thác Bà. Tại huyện Mù Cang Chải có thể phát triển dâu tằm trên các thửa ruộng bậc thang chỉ gieo cấy lúa một vụ giống như ở Bảo Lạc (Cao Bằng). Như vậy, vừa có thể tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa tạo cảnh quan phát triển du lịch.
Nhiều địa phương có tiềm năng phát triển nghề dâu tằm nhưng chưa thuyết phục được nông dân tin tưởng để mở rộng diện tích. Ảnh: Thanh Tiến.
Trao đổi với TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam về tiềm năng ngành hàng này của nước ta trong tương lai, ông Tú cho biết thị trường tiêu thụ sản phẩm từ kén trong và ngoài nước có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực do xu hướng trên thế giới gia tăng sử dụng các sản phẩm tơ và sau tơ.
Việt Nam là một trong một số ít nước có truyền thống và có nhiều lợi thế để phát triển trồng dâu, nuôi tằm, đặc biệt một số địa phương có lợi thế về khí hậu và đất đai như Lâm Đồng, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang…
Hiện nay, một số tỉnh đã chuyển đổi được từ phương thức sản xuất dâu tằm nhỏ lẻ sang hướng sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp, quy mô ngày càng tăng. Nhiều giống dâu mới cho năng suất cao, chất lượng lá nuôi tằm tốt, thích hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng và có khả năng chống chịu sâu bệnh. Tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi trồng, phòng trừ sâu bệnh hại được áp dụng trong nhiều khâu sản xuất giúp nông dân tránh thiệt hại, nâng cao năng suất.
"Tùy theo điều kiện sinh thái, điều kiện kinh tế xã hội và chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ của địa phương, các địa phương cần xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển ngành dâu tằm, trong đó có quy hoạch vùng chuyên canh dâu tằm theo nguyên tắc liền vùng, liền thửa", TS Lê Quang Tú nhấn mạnh.
Tại các địa phương khác như Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ còn rất nhiều dư địa phát triển vùng dâu tằm ven sông Gâm, sông Lô... Bất cứ địa phương nào có nguồn lao động và còn đất trống đều có thể phát triển nghề dâu tằm. Quan trọng nhất, các địa phương phải quy hoạch được vùng sản xuất dâu tằm tập trung để không bị ảnh hưởng bởi hóa chất bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến việc nuôi tằm.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/tuong-lai-sang-dau-tam-to-mien-nui-phia-bac-bai-4-nha-may-doi-ken-d743845.html
Bình luận (0)