Tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Nguyên phó cục trưởng Cục Trồng trọt, báo cáo tóm tắt đề án và kết quả triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2023".
Ông Lê Thanh Tùng cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện đề án, đã có hàng chục mô hình thí điểm canh tác theo tiêu chuẩn đề án ở các tỉnh ĐBSCL. Các mô hình canh tác thí điểm đã mang lại hiệu quả cao như: Giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, tăng sản lượng lúa, giảm phát thải và quan trọng là chất lượng lúa gạo sản xuất từ mô hình được cải thiện tốt. Các tỉnh ĐBSCL hiện nay được lên kế hoạch sản xuất theo đề án lên đến hàng chục ngàn ha.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, gia tăng chi phí sản xuất, trong khi thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm phát thải carbon.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và PTNT chỉ ra: Hiện nay, sản xuất lúa gạo còn thiếu hợp tác, liên kết; sản xuất manh mún; phụ thuộc trung gian… Trong khi đó, nhu cầu nông dân tham gia ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là rất lớn. Có khoảng 2 triệu hộ nông dân trồng lúa, 1.230 HTX, tổ hợp tác và 210 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo sẽ tham gia vào thực hiện Đề án.
Ông Ono Masuo - Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM - đánh giá cao những tiềm năng về nông nghiệp ĐBSCL. Việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và áp dụng sản xuất nông nghiệp của Việt nam đem lại những giá trị tích cực cho nông nghiệp Việt Nam. Ông hy vọng Nhật Bản và Việt Nam sẽ hợp tác để chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cho nông nghiệp trong vùng ĐBSCL.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã bàn thảo về những nội dung quan trọng như đánh giá nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong các HTX, chuỗi giá trị liên kết; chia sẻ bài học kinh nghiệm từ kết quả Dự án thí điểm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nông nghiệp vùng ĐBSCL; giới thiệu các công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm hỗ trợ HTX tối ưu hóa sản xuất.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/ung-dung-cong-nghe-chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-trong-san-xuat-lua-gao.aspx?item=1
Bình luận (0)