Lãnh đạo tỉnh livestream bán vải thiều
Từ ngày 29/6 đến 3/7, chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Tự hào nông sản Việt” đã diễn ra sôi động với sự góp mặt của Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ TikTok Việt Nam, Siêu thị online Sendo farm, các nhà sáng tạo nội dung, nhà vườn và các đối tác liên quan. Điểm nhấn đặc biệt của sự kiện là buổi livestream bán vải thiều trực tiếp ngay tại vườn vải chín đỏ tươi vào ngày 29/6. Điều bất ngờ và gây phấn khích cho người theo dõi là sự xuất hiện của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh cùng đồng hành với các nhà sáng tạo nội dung trong vai trò người bán hàng số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh livestream bán vải thiều cho nông dân. |
Với phong cách dí dỏm và gần gũi, đồng chí Thịnh đã trực tiếp giới thiệu những điểm độc đáo của vải thiều Lục Ngạn khi giao lưu cùng khán giả: “Nhìn trái vải khi bóc vỏ, các bạn có thể hình dung như một viên ngọc trai khổng lồ. Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, đó chính là trái vải đặc sản của chúng tôi”. Không chỉ giới thiệu sản phẩm, vị lãnh đạo này còn tham gia trả lời trực tiếp các câu hỏi từ người dùng về việc giao hàng tới Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực khác, tạo cảm giác tương tác thân thiện, thực chất. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp tỉnh tham gia trực tiếp vào hoạt động livestream thương mại số, nhằm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản.
Hiệu ứng của buổi livestream vô cùng tích cực, chỉ trong buổi sáng đầu tiên, hàng chục tấn vải đã được đặt mua qua nền tảng thương mại điện tử. Sự kiện giúp quảng bá trái vải thiều Lục Ngạn đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đây cũng là minh chứng cho sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo, sẵn sàng nhập cuộc, bắt tay cùng công nghệ để nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
Đồng chí Phạm Văn Thịnh khẳng định: “Thương mại điện tử dựa trên nền tảng số cùng sự đồng hành của người nổi tiếng đang là xu hướng tất yếu để đưa trái vải Lục Ngạn, sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh vươn xa hơn không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Lần đầu tiên trực tiếp tham gia hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, tâm lý không khỏi bỡ ngỡ, hồi hộp. Thế nhưng, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ các nhà sáng tạo nội dung và sự yêu mến của cộng đồng, tôi đã hoàn thành tốt vai trò giới thiệu trái vải thiều đến người tiêu dùng, đồng thời góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người dân vùng vải”.
Cơ hội cho trái ngọt vươn xa
Việc cán bộ, lãnh đạo địa phương trực tiếp tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản thể hiện trách nhiệm, sự đồng hành thực chất cùng bà con. Qua đây, tạo động lực để nông dân thêm tình yêu dành cho trái vải, từ đó ngày càng nâng cao quy trình sản xuất, hướng đến sản phẩm sạch hơn, chất lượng hơn.
Nhà sáng tạo nội dung livestream bán hàng tại vùng vải. |
Năm 2025, tỉnh xác định việc ứng dụng các nền tảng số và thương mại điện tử là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm quảng bá và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều. Hàng loạt giải pháp được triển khai đồng bộ, quyết liệt, từ hỗ trợ vận chuyển, xây dựng thương hiệu, đến thu hút sự đồng hành của các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng số.
Một trong những gương mặt tiêu biểu là anh Phạm Tuấn Hải, chủ tài khoản TikTok "Vua đầu bếp", người từng có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con. Anh chia sẻ: “Tôi từng đồng hành với người dân nơi đây bán cam, bưởi. Lúc đầu nhiều người lo lắng vì mua trên mạng có thể hàng không bảo đảm nhưng nhờ hệ thống vận chuyển hiệu quả, sản phẩm đến tay người tiêu dùng tươi ngon, đúng hẹn nên ai nấy đều hài lòng”. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng livestream, hơn 20 tấn vải thiều đã được tiêu thụ, phần lớn đơn hàng đến từ các hộ gia đình tại Hà Nội.
Đến nay, sản lượng vải thiều tiêu thụ đã vượt 100 nghìn tấn, trong đó thị trường nội địa chiếm khoảng 70%. Những lô hàng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP được bán với mức giá cao, hơn 30 nghìn đồng/kg. |
Chia sẻ cảm nhận khi trực tiếp thưởng thức vải thiều tại vùng trồng, anh Hải cho biết: “Trước đây, khi ăn trái vải ở thành phố, tôi chỉ biết đến độ ngọt và mát. Nhưng khi về tận nơi, chứng kiến sự vất vả của bà con nông dân từ khi chăm sóc đến thu hoạch, tôi càng thêm trân quý từng quả vải và nỗ lực, góp sức tiêu thụ sản phẩm. Cùi vải trắng trong, giòn, dai và thơm lừng, đúng là tinh hoa của đất trời ban tặng”.
Cùng với anh Phạm Tuấn Hải, nhiều nhà sáng tạo nội dung khác cũng không giấu được sự thích thú, hào hứng khi trực tiếp trải nghiệm không gian thu hoạch vải thiều. Ngay giữa vườn vải đỏ rực sắc hè, hàng loạt buổi livestream được đồng loạt phát sóng trên các nền tảng số, tạo nên một không khí rộn ràng và cuốn hút. Với lối dẫn chuyện sinh động, hài hước và những cách ví von đầy sáng tạo, các nhà bán hàng đã mang đến hình ảnh trái vải Lục Ngạn gần gũi hơn bao giờ hết tới cộng đồng người tiêu dùng cả nước. Những câu slogan hài hước như “cùi giòn ngọt hơn crush cũ” hay “vải xịn như tình yêu đầu”, “còn chần chừ gì nữa mà không chốt đơn, vải xuất châu Âu với giá ưu đãi chỉ có trong một giờ”… đã khiến mạng xã hội trở nên sôi động, kéo theo hàng chục nghìn lượt xem và đơn đặt hàng tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn. Chứng kiến cách bán hàng như vậy, quả thực ai cũng muốn chốt đơn.
Vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại thôn Muối, xã Lục Ngạn. |
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc tổ chức chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Tự hào nông sản Việt” với chuỗi các hoạt động ngoài livestream tại vườn còn có tập huấn bán hàng trên mạng là một bước đi hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các công cụ số, các nền tảng thương mại điện tử, thay đổi cách tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu. Điều này thể hiện rõ việc cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Trung ương về Chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nông nghiệp số, đồng thời phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chủ trương khuyến khích ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Chính các nhà sáng tạo nội dung là cầu nối quan trọng đưa hình ảnh vải thiều đến gần hơn với cộng đồng trong và ngoài nước. Thông qua những khung hình đẹp, lời giới thiệu truyền cảm, những câu chuyện mộc mạc từ chính bà con nông dân đã giúp người tiêu dùng không chỉ biết đến chất lượng của trái vải mà còn cảm nhận được cả tình người, tình quê, sự vất vả và tâm huyết trong từng mùa vụ.
Tính đến nay, sản lượng tiêu thụ vải thiều đã vượt 100 nghìn tấn, trong đó thị trường nội địa chiếm khoảng 70%. Những lô hàng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP được bán với mức giá cao, hơn 30 nghìn đồng/kg. Kết quả này có được nhờ một phần đóng góp từ việc đẩy mạnh tiêu thụ trên nền tảng số.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/ung-dung-cong-nghe-quang-ba-nong-san-viet-postid421070.bbg
Bình luận (0)