Thời gian gần đây, rạp xiếc Trung ương của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã trở thành điểm đến được yêu thích của đông đảo khán giả. Việc rạp xiếc phục vụ 3 – 4 suất diễn/ngày không còn là hiện tượng lạ. Đáng chú ý, nhiều khán giả là người lớn, là thanh thiếu niên. Sân khấu xiếc đã không còn bị mặc định là “lãnh địa” chỉ dành cho trẻ em. Kết quả này có được từ hành trình nhiều nỗ lực của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong đổi mới chương trình biểu diễn, hướng tới phục vụ đa dạng đối tượng khán giả.
Theo NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, rạp xiếc Trung ương đã và đang là nơi có điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ và các nhà dàn dựng xiếc sáng tạo ra nhiều tiết mục, chương trình xiếc mang tính hiện đại, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sân khấu, ánh sáng, hình ảnh trong xiếc vẫn còn hạn chế. Đây là điều vô cùng đáng tiếc.

Với đặc thù là loại hình nghệ thuật tổng hợp, nghệ thuật xiếc có thể kết hợp với rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, trong đó việc sự ứng dụng các công nghệ âm thanh và ánh sáng góp phần nâng cao trải nghiệm cho khán giả. Hầu hết các nước phát triển trên thế giới đã ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật xiếc nói riêng. Sân khấu xiếc hiện đại đã sử dụng các thiết bị mới về âm thanh chất lượng cao, hệ thống âm thanh vòng, công nghệ ánh sáng đa chiều, công nghệ trình chiếu hình ảnh (hologram, maping, hình ảnh 3D tạo hiệu ứng không gian…), hỗ trợ và tạo nên những sản phẩm nghệ thuật xiếc tổng hợp có tính giải trí cao.
Tại rạp xiếc Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã mạnh dạn đầu tư một số tiết mục ứng dụng công nghệ tự động kết hợp ánh sáng, hệ thống phun nước, tạo hiệu ứng kết hợp cùng âm thanh, mang đến sự hấp dẫn và bất ngờ cho khán giả. Nhưng vì chưa đồng bộ với các thiết bị sân khấu chung nên tiết mục còn bị hạn chế.
Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, các thiết bị như hệ thống cách âm, hệ thống vị trí treo lắp ánh sáng theo thiết kế xây dựng của rạp xiếc Trung ương từ những năm 90 của thế kỷ trước đã không còn phù hợp. Hệ thống đèn được cung cấp không đủ công suất. Liên đoàn đã nhiều lần nâng cấp và sửa chữa nhưng do không đồng bộ cho nên hiệu quả chưa cao. Các cuộc thi Liên hoan Xiếc toàn quốc và Liên hoan Xiếc quốc tế vẫn phải thuê tăng cường về âm thanh và ánh sáng với số lượng lớn. Bên cạnh đó, phần lớn các nhân viên, kỹ thuật viên đang vận hành điều khiển âm thanh ánh sáng trình độ sơ cấp, tận dụng chuyển đổi nguồn nhân lực từ các nghệ sĩ không còn biểu diễn được đi học khoá ngắn hạn về âm thanh, ánh sáng, chỉ phù hợp cho các chương trình xiếc truyền thống, sử dụng các kỹ thuật đơn giản, không đảm bảo theo yêu cầu của các chương trình có tính sân khấu cao. Hiện nay, Liên đoàn đang thiếu đạo diễn ánh sáng, âm thanh.
Thực tế, những khó khăn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam không là cá biệt. Với sân khấu Cải lương, cụ thể là Nhà hát Cải lương Việt Nam, TS.NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ trên sân khấu nhà hát những năm gần đây mới chỉ dừng lại ở màn led; màn chiếu projector; khói lạnh. Dù vậy, các công nghệ này cũng đã làm cho các tác phẩm đẹp hơn, kỳ thú hơn, tạo nhiều cảm quan mới mẻ cũng như sức hấp dẫn cho khán giả.
Nếu như trước đây, không thời gian sân khấu được diễn tả thông qua tấm phông hậu được họa sĩ thiết kế mỹ thuật vẽ trên chất liệu vải và hoàn toàn là hình ảnh tĩnh, thì nay với việc sử dụng màn hình led, projector, họa sĩ sẽ thiết kế các hình ảnh chân thực hơn, hình thức đa dạng phong phú hơn và là hình ảnh động. Những biến ảo về thị giác được thực hiện đã hỗ trợ tốt hơn cho các hành động kịch và quá trình biểu diễn của nghệ sĩ. Nhưng mặt hạn chế là giá thành thuê các thiết bị này rất cao, tạo gánh nặng thu chi cho công tác tổ chức biểu diễn. Sự bị động của đội ngũ kỹ thuật, đôi lúc trục trặc kỹ thuật làm ảnh hưởng không nhỏ đến buổi biểu diễn. Đây là khó khăn chung của nhiều đơn vị sân khấu truyền thống hiện nay.
Cũng theo TS.NSND Triệu Trung Kiên, với các loại hình nghệ thuật truyền thống, việc đổi mới, cách tân để phát huy cũng chính là góp phần bảo tồn vốn cổ là vô cùng cần thiết. Như vậy, việc áp dụng các công nghệ hiện đại là việc cần làm. Công nghệ hiện đại cùng tư duy sáng tạo đúng đắn sẽ khiến nghệ thuật truyền thống gần gũi hơn, tiếp cận được nhiều hơn công chúng hiện đại nhưng việc áp dụng các công nghệ hiện đại cũng làm nảy sinh nhiều khó khăn và bất cập cần giải quyết kịp thời.
Cụ thể là cần có những phương thức tổ chức biểu diễn mới góp phần tìm ra chìa khóa cho việc cân đối thu chi, tổ chức khán giả để tác phẩm có thể có được đời sống lâu dài, phục vụ được nhiều hơn khán giả yêu nghệ thuật. Các cấp lãnh đạo cần đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nghệ thuật hiện đại sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện tiên quyết để chắp cánh cho sáng tạo của người nghệ sĩ làm xuất hiện những tác phẩm đỉnh cao, thực sự có chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của người xem.
Tương đồng về mặt quan điểm với các nghệ sĩ nhưng soi chiếu riêng dưới góc độ về thiết kế mỹ thuật sân khấu, NSND Doãn Bằng, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất cập nhật chương trình đào tạo. Cần có cơ chế bắt buộc các sinh viên được đi đào tạo nước ngoài theo diện học bổng của Nhà nước phải trở về làm việc tại các đơn vị nghệ thuật trong nước ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp. Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và mời các chuyên gia hàng đầu từ các nước có công nghiệp giải trí phát triển về để huấn luyện, trao đổi cho các nghệ sĩ, kỹ sư Việt Nam về kỹ năng sử dụng và sáng tạo trên nền tảng công nghệ cao.
Nguồn: https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/ung-dung-cong-nghe-trong-san-khau-cai-kho-van-bo-cai-khon--i773925/
Bình luận (0)