Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải khắp 5 tỉnh ở Tây Nguyên, đó là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Cộng đồng chủ thể có hơn mười dân tộc sinh sống lâu đời tại đây như Bana, Xơđăng, Giarai, Êđê, Mnông, Cơho, Mạ…
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, cồng chiêng là một vật thiêng, và họ tin rằng đằng sau mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều có một vị thần trú ngụ. Là một vật thiêng nên âm thanh cồng chiêng cũng mang tính thiêng và con người sử dụng những nhạc cụ này như một “ngôn ngữ” để đối thoại, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với thần linh.
Trước đây, cồng chiêng được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ như lễ đặt tên, lễ cưới, lễ dựng làng mới, lễ dựng nhà rông mới, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng chọn đất, phát rẫy, gieo trỉa... Cồng chiêng được sử dụng nhiều và tập trung nhất trong lễ cúng ăn trâu và tang ma. Mỗi nghi lễ thường có một làn điệu cồng chiêng riêng.
Cồng chiêng cũng gắn liền với những hình thức sinh hoạt văn hóa gia đình, cộng đồng ở một số dân tộc. Âm nhạc cồng chiêng luôn đi liền với nhảy múa nghi lễ, và mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, mỗi buôn làng đều có những điệu múa riêng. Ngày nay, cồng chiêng còn được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa đời thường.
Theo thời gian, cồng chiêng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Hàng năm, các tỉnh Tây Nguyên đều tổ chức lễ hội cồng chiêng, nơi người dân có thể cùng nhau giao lưu trình diễn cồng chiêng, cũng là nơi du khách được thưởng thức những làn điệu cồng chiêng vừa mạnh mẽ, hào hùng, vừa say mê.
Tạp chí Heritage
Bình luận (0)