Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn hóa hầu đồng và tiệc Mẫu tháng 3

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, từng làm nức lòng những người say sưa với văn hóa truyền thống dân tộc. Việc thực hành nghi thức hầu đồng trong tiệc Mẫu tháng 3 càng làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu thêm phần trang trọng linh thiêng.

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An01/04/2025

Nhắc đến tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, nhiều người thường liên tưởng tới nghi thức lên đồng hay hầu đồng. Song, như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thì các giá trị có tính “đại diện nhân loại” của tín ngưỡng thuần Việt này được tạo nên nhờ một chỉnh thể hài hòa của nhiều yếu tố, bao gồm các lễ hội dân gian, các nghi thức tế lễ, các tiệc thánh, tiệc Mẫu, các hoạt động tín ngưỡng của người dân và hát chầu văn hay ta vẫn quen gọi là hầu đồng. Có thể thấy hầu đồng là một trong những nghi thức độc đáo, nổi bật và tiêu biểu bậc nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu.

 chuẩn bị vào giá đồng mới
Thanh đồng Cao Huy chuẩn bị vào giá đồng mới. Ảnh: NVCC

Khi thực hành nghi thức hầu đồng người ta thường đặt nó trong không gian của đền, phủ linh thiêng, đặc biệt vào dịp tiệc Mẫu. Những giá đồng tại đây có cái không khí trang trọng và hài hòa đặc biệt giữa điệu nhạc, lời ca, tiếng hát và khói hương. Dường như, chỉ trong không gian ấy thì những người trực tiếp thực hành nghi thức hay những thanh đồng mới đạt được trạng thái thăng hoa nhất để thỉnh, để mời các đấng bề trên chứng giám cho tấm lòng và ước nguyện những con nhang, đệ tử hay những người cùng tham gia nghi thức. Mỗi giá đồng, thực chất là nhằm chuyển tải khát vọng mưu cầu an lành, hạnh phúc của con người, vì thế những con nhang đệ tử hầu quanh giá đồng đều mong ước có được bình an bằng cái tâm trong sáng nhất.

 thanh đồng Cao Huy
Thanh đồng Cao Huy hoá thân trong một giá đồng. Ảnh: NVCC

Thanh đồng Cao Huy thực hành nghi thức hầu đồng tại cung Mẫu đền cô chín Sòng Sơn tại Bỉm Sơn, Thanh Hoá cho biết: “Tháng 3 âm lịch là tháng đặc biệt với Thanh đồng chúng tôi, là tháng tiệc Mẫu Liễu Hạnh và một số vị Thánh khác. Do đó, chúng tôi thường tổ chức các buổi hầu đồng và những hoạt động lễ hành hương, bái yết tại các đền, phủ ở các đền trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa nhằm tưởng nhớ công đức của Mẫu và cầu mong những điều tốt lành”. Cũng theo thanh đồng Cao Huy thì mỗi khi thực hành các giá đồng các cung thờ Mẫu ý nghĩa linh thiêng như tăng lên nhiều lần, qua đó nhân dân và du khách thập phương đến thưởng lãm chiêm bái càng đông hơn. Có những giá đồng, các thanh đồng thực hành dài hơn 1 tiếng đồng mà bà con vẫn chen nhau đứng kín, vỗ tay tán thưởng.

thanh đồng hoá thân vào giá đồng
Người dân tham gia một giá đồng. Ảnh: NVCC
Thanh đồng Cao Huy trong một giá đồng. Clip: NVCC

Mỗi năm vào tháng 3 âm lịch, các tín đồ của đạo Mẫu sẽ tổ chức nghi lễ giỗ Mẫu, trong đó lên đồng, được xem là một trong những nghi lễ quan trọng nhất. Từ âm nhạc, trang phục đến diễn xướng của các Thanh đồng, tất thảy đều được chuẩn bị chu đáo nhằm đạt được đến sự linh thiêng và trang trọng nhất. Nét đẹp tâm linh ngay tại các điện thờ Mẫu tạo nên một không khí đặc biệt, làm nên vẻ đẹp và giá trị văn hóa độc đáo của người Việt.

Thanh đồng Cao Huy cũng cho biết: "Mỗi dịp tiệc Mẫu tháng 3, nhân dân, nhiều người lại kéo về các cửa đền, nhất là khi cung thờ Mẫu có các giá hầu đồng, vì vậy, việc các thanh đồng thực hành nghi lễ hầu đồng tại thời điểm này càng tăng thêm tính linh thiêng và lan toả cái hay, cái đẹp của nghi thức hầu đồng. Người dân hưởng ứng và thấu hiểu các giá đồng càng làm cho nghi thức này thấm đẫm trong đời sống tinh thần, qua đó lan toả được ý nghĩa cầu bình an hạnh phúc trong lòng nhân dân, giúp con người sống hướng thiện hơn…".

Có thể thấy, hầu đồng mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Mặc dù, cuối năm 2016, UNESCO đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tuy nhiên, gần đây có tình trạng nhiều nghệ sĩ, hoặc những người có năng khiếu hát chầu văn đã đưa hầu đồng thành một phần diễn trên các sân khấu, điều này vi phạm các nguyên tắc mà của UNESCO về “thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ”. Theo quy định của UNESCO, thực hành nghi lễ hầu đồng chỉ được thực hiện ở các điện thờ Mẫu ở các đền.

Thanh đồng Cao Huy cho biết: “Khi thực hành nghi thức hầu đồng, người tham gia có dịp được bày tỏ lòng thành kính, tôn vinh, biết ơn sâu sắc tới những vị thần linh. Từ đó, mong cầu những điều tốt đẹp cho chính họ và những người xung quanh… Đây cũng được xem là hình thức giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Thế nhưng, nếu thực hành sai không gian, địa điểm sẽ phản tác dụng, lúc đó hầu đồng chỉ còn là những tiết mục văn nghệ bị biến tướng”.

Một giá hầu đồng của thanh đồng Cao Huy. Clip: NVCC

“Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ” hay “Tháng 8 tiệc Cha, tháng 3 tiệc Mẫu”, câu thành ngữ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Vì vậy, tháng 3 này nhân dân trở về các nhà đền sẽ được đắm mình trong không gian văn hoá đặc sắc của nghi thức hầu đồng.

Nguồn: https://baonghean.vn/van-hoa-hau-dong-va-tiec-mau-thang-3-10294191.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm