Ngày 30/4 - không chỉ là cột mốc thời gian! Đó là lúc để chúng ta nhìn lại một thời khắc lịch sử vô cùng đặc biệt của dân tộc để tự soi lại mình: chúng ta đã sống thế nào trong từng hơi thở của hòa bình - mà để có được, những người đi trước đã phải ngừng thở, đã mãi mãi ở lại tuổi thanh xuân.
Những ngày này, khi ngẩng cao đầu hát Quốc ca, hay cúi đầu trước phần mộ những anh linh liệt sĩ, chúng ta bỗng nghẹn ở cổ và cay ở mắt... Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, hay lâu hơn nữa thì vẫn đọng lại trong ta những nhịp đập nghẹn ngào của tim mình khi nghĩ về những hy sinh của lớp người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”!
Bất tử những dòng thư...
Chương trình nghệ thuật chính luận với chủ đề “Vang mãi khúc khải hoàn” tối 27/4 được truyền hình trực tiếp ở 3 điểm cầu - cũng là những địa điểm hết sức đặc biệt trong bối cảnh 30/4: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị.
Ngay khi vừa bắt đầu chương trình, hiệu ứng ánh sáng độc đáo bừng trên chiếc cầu Hiền Lương - điểm diễn ra tại Quảng Trị - đã khiến mỗi người Việt Nam hiểu lịch sử phải lặng đi khi nhớ về câu chuyện chia cắt đất nước thành 2 miền Nam - Bắc ở vĩ tuyến 17 trên dòng Bến Hải. Cầu Hiền Lương - nơi nối liền một khúc sông lại là nơi chia cắt đất nước ngót 21 năm đằng đẵng.
Những câu chuyện lịch sử được gợi lại, những bài ca vang lên... Nếu những tiết mục nghệ thuật hoành tráng dấy lên mạnh mẽ trong lòng khán giả cả nước niềm tự hào mãnh liệt thì cũng không ít lần, người ta phải chùn lại vì xúc động. Rất nhiều lần, hàng ngàn khán giả tại ở mỗi điểm cầu, từ hàng ghế lãnh đạo cho tới khán giả, không ai bảo ai đều đồng loạt đứng lên! Đó là những phút mặc niệm được nối dài - hơn cả sự tri ân, hơn cả sự thiêng liêng, hơn cả niềm tự hào, mà là sự hội tụ của tất cả cảm xúc khó có thể diễn tả bằng lời!
Một trong những câu chuyện được kể lại là lá thư của 3 chiến sĩ giải phóng quân trước khi hy sinh ở một cánh rừng Đông Nam Bộ gửi những người ở lại. Đó là các anh: Lê Hoàng Vũ (Thái Bình), Nguyễn Chí (Quảng Ngãi) và Trần Viết Dũng (Sài Gòn) - thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam. Hãy xem các anh viết gì trước lúc hy sinh: “Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
... Hay trong trường hợp đến 50 - 100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích...”. Ba bộ hài cốt liệt sĩ trên 3 chiếc võng mắc trên đầu một thân cây và bức thư được giữ gìn cẩn thận đã được tìm thấy! Và đúng như lời của các anh, 50 năm sau, là bây giờ - “hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập”, và các anh, những “hạt bụi có ích” cho Tổ quốc mãi mãi dừng lại ở tuổi thanh xuân tươi đẹp như nơi mà các anh đã chọn để yên nghỉ ngàn thu: “Mùa xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ”, là câu kết trong những dòng thư bất tử này. Giữa lúc đau đớn vì thương tích đầy mình trong đói khát, những nét chữ ngoằn ngoèo của các anh vẫn ánh lên niềm tin, niềm khát vọng mãnh liệt vào tương lai...
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình “Vang mãi khúc khải hoàn” (tổ chức tại Bạc Liêu) tái hiện thời khắc lịch sử 30/4/1975 ở Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Những người chưa thấy hòa bình
“Biệt động Sài Gòn” là một trong những bộ phim cách mạng được chiếu lại nhiều lần mỗi dịp 30/4, và vẫn luôn được khán giả nhiều thế hệ đón nhận.
Tôi may mắn có dịp gặp và sau đó thường xuyên giữ liên lạc với “ni cô Huyền Trang” - Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan - nhân vật đặc biệt trong bộ phim này. Cô hiện đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thanh tao và nhất là ánh mắt sắc sảo của “ni cô Huyền Trang” của gần 4 thập kỷ trước! Những ngày tháng 4 lịch sử, hỏi cô về “Biệt động Sài Gòn”, ký ức những ngày quay bộ phim này sống lại mạnh mẽ trong cô! Cô chia sẻ: “Những thước phim ấy không chỉ là thử thách về diễn xuất, mà còn là cuộc thử thách khắc nghiệt về thể lực. Các cảnh chiến đấu, bom đạn, khói lửa đều được thực hiện hoàn toàn thật, không có sự hỗ trợ của kỹ xảo điện ảnh”. Hỏi về những phân cảnh đáng nhớ trong phim, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan ngậm ngùi hồi tưởng lại cảnh bị tra tấn bằng điện - một trong những trường đoạn thử thách nhất của bộ phim: “Tôi phải diễn tả những động tác co giật của người bị điện giật, nhưng ngay khi bọn ác ôn dội nước lạnh vào người, phải lập tức thay đổi biểu cảm, giật cơ mặt để tỉnh lại, thể hiện sự kiên cường”. “Z8 là ai? Z20 là ai?”, khán giả chưa bao giờ quên được những trận tra tấn kinh hoàng với giọng tra khảo đầy ám ảnh của kẻ thù đối với người con gái bé nhỏ của đội quân biệt động thành. Hay nhân vật cô bé bán báo dạo bị cắt gân chân, bị tra tấn trong thùng chứa đầy rắn cũng là những phân đoạn cực kỳ ám ảnh...
“Biệt động Sài Gòn” với những màn tra tấn không còn tính người của kẻ thù chỉ là những điển hình, bởi còn đó bao nhiêu cảnh tàn bạo của chiến tranh từ đời thực được phim ảnh tái hiện, khiến chúng ta hình dung rõ nhất về sự hy sinh của những con người Việt Nam bé nhỏ nhưng thịt da đã hóa thành đồng, thành thép để kiên cường chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù.
Rất nhiều người cứ thắc mắc, nhiều bộ phim chiến tranh cách mạng hay nhưng chưa có cái kết mỹ mãn. Thì xin thưa rằng: khi bộ phim kết thúc, khi nước mắt được tự mình lau khô, chúng ta ngước nhìn bầu trời xanh ngát tự do kia, đó chính là cái kết đẹp đẽ nhất! Một bầu trời tự do, bình yên, hạnh phúc trước mắt chúng ta là phần tiếp nối đẹp nhất mà những anh hùng liệt sĩ chỉ biết quên mình chiến đấu chứ mãi mãi không bao giờ được nhìn thấy.
Một bạn trẻ khi xem một thước phim lịch sử đã xúc động viết lên trang cá nhân mình: “Và nếu hôm nay, bạn có thể tự do đi qua tuổi trẻ với những ước mơ, hãy đừng quên: có những người đã dừng lại, để bạn được bước tiếp”. Vâng! chúng ta không thể và không được phép lãng quên!
Từ Cẩm
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/vang-mai-khuc-khai-hoan-100458.html
Bình luận (0)