Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì sao bảo trợ nghệ thuật ở Việt Nam vẫn chưa thành hệ sinh thái bền vững?

Việc tham quan các triển lãm, dự án nghệ thuật hay các trình hiện nghệ thuật đang dần trẻ hóa và thu hút sự chú ý nhất định của công chúng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên13/04/2025

Nhưng hiện nay ở Việt Nam, việc bảo trợ nghệ thuật trong bối cảnh có nhiều chuyển biến như thế vẫn chưa nhất quán và tạo thành hệ sinh thái bền vững.

Vì sao bảo trợ nghệ thuật ở Việt Nam vẫn chưa thành hệ sinh thái bền vững?- Ảnh 1.

Các diễn giả tại buổi trò chuyện đều là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo trợ nghệ thuật (từ trái qua): bà Nguyễn Diệu Cầm, ông Nguyễn Thiều Kiên và ông Bùi Trung Đức

ẢNH: NOIRFOTO

Hấp thụ từ cộng đồng để làm giàu lại cho cộng đồng

Mới đây, vấn đề trên đã được đề cập trong buổi trò chuyện Nghệ thuật? Đừng xem! (do Noirfoto - AGAD tổ chức ngày 13.4, tại không gian triển lãm Toong, TP.HCM) với sự tham gia của bà Nguyễn Diệu Cầm - Tổng giám đốc T&A Ogilvy, ông Nguyễn Thiều Kiên - Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Quang San và ông Bùi Trung Đức - nhà sáng lập và điều hành chuỗi khách sạn Amanaki. Bên cạnh đó có ông Phạm Tuấn Ngọc, nhà sáng lập Xưởng nhiếp ảnh nghệ thuật Noifoto - đơn vị vừa tổ chức triển lãm nhiếp ảnh Nối

Cả 4 đại diện này đều là những nhà bảo trợ nghệ thuật hoặc được bảo trợ về nghệ thuật để đưa các sáng tác của nghệ sĩ đến công chúng qua những buổi đấu giá, triển lãm, tổ chức cuộc thi nghệ thuật hay áp dụng nghệ thuật vào trong các không gian, sản phẩm mang tính văn hóa. Bối cảnh bảo trợ nghệ thuật mà buổi trò chuyện đề cập đến là trong lĩnh vực trưng bày, triển lãm và trình hiện trong một không gian cố định, nơi khán giả là đối tượng thụ hưởng trực tiếp các sáng tác của nghệ sĩ. 

Với những kinh nghiệm của bản thân, các diễn giả đã rút ra những chia sẻ quý giá về tình hình chung của bảo trợ nghệ thuật ở Việt Nam hiện tại, khi công chúng đang dần quan tâm nhiều hơn đến các buổi triển lãm. 

Theo bà Nguyễn Diệu Cầm, với đối tượng nhận được sự bảo trợ, cụ thể là công ty tư nhân, đôi khi vẫn chưa thực sự xác định được quan niệm về tiêu thụ nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật, nên thường dễ dẫn đến tình trạng đối tượng được bảo trợ tổ chức triển lãm vì danh tiếng và kinh tế của mình trước hết. Quan niệm này không sai, nhưng theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Thiều Kiên, việc xác định rõ đối tượng thụ hưởng thành quả nghệ thuật của nghệ sĩ là ai, và nhận thức rõ về những tác động của các buổi triển lãm sẽ giúp các đơn vị không bị nhập nhằng giữa vấn đề tiền bạc và chất lượng nghệ thuật. Và điều này đã được chuỗi khách sạn Amanaki của ông Bùi Trung Đức vận dụng rất linh hoạt, thành công, đó là kết hợp kinh doanh với các hoạt động chuyên về văn hóa bản địa Việt Nam như làm gốm, làm tranh giấy gió, để từ đó bảo lưu truyền thống, đồng thời giới thiệu đến bạn bè quốc tế. 

Các diễn giả nhìn nhận trong thời buổi văn hóa số hiện nay, khán giả "tiêu thụ" nghệ thuật qua thói quen lướt và chạm với các "content" (nội dung), cũng đáng suy ngẫm nếu so lại câu chuyện bảo trợ nghệ thuật. 

Bà Nguyễn Diệu Cầm nói, nếu một buổi triển lãm, buổi đấu giá tổ chức thành công, doanh thu bán tốt là điều rất tốt. Ông Nguyễn Thiều Kiên nhìn nhận có thể một buổi triển lãm dù thành công hay không thành công lắm, song điểm rơi qua các buổi như thế đều nằm ở yếu tố con người. Nói rõ hơn, nghệ sĩ, các nhà sáng tạo, đơn vị tổ chức hưởng từ cộng đồng thì họ "phải trả lại gì đó cho cộng đồng". Nó dẫn đến một tác động kép khác: nâng ý thức thẩm mỹ của người thưởng thức. Ông Bùi Trung Đức cũng đồng tình, trong phương châm của ông, hợp tác hài hòa, lấy con người làm gốc là một trong những yếu tố giúp cho việc bảo trợ nghệ thuật đạt hiệu quả tốt nhất.

Vì sao bảo trợ nghệ thuật ở Việt Nam vẫn chưa thành hệ sinh thái bền vững?- Ảnh 2.

Triển lãm nhiếp ảnh đen trắng Nối (thuộc khuôn khổ Noirfotocontest2024) do Noirfoto tổ chức tại không gian Toong, vừa kết thúc tối 13.4, giới thiệu đến khán giả 30 bức ảnh được rọi thủ công từ file kỹ thuật số. Chủ đề xuyên suốt các sáng tác này là sự nối kết văn hóa

ẢNH: NOIRFOTO

Cũng về vấn đề cộng đồng, các diễn giả cho biết ở nước ngoài, việc bảo trợ nghệ thuật đã được thực hiện rất sớm, rất đều đặn và việc giáo dục về ý thức tôn trọng văn hóa, xem văn hóa như thực thể quan trọng đã được dạy cho trẻ em; song, ở ta, vẫn chưa thực sự tạo thành hệ sinh thái bền vững. 

Những tín hiệu đáng mừng

Tuy rằng bảo trợ nghệ thuật ở ta còn nhiều vấn đề để bỏ ngỏ như cơ chế, pháp lý, nguồn kinh phí (quỹ bảo trợ), thuế, không gian và tiêu chuẩn không gian để tổ chức triển lãm/trưng bày..., song vẫn có những tín hiệu đáng mừng. 

Có thể đề cập đến sự tự thân vận động và liên kết giữa các đơn vị bảo trợ. Ông Phạm Tuấn Ngọc cho biết cứ mỗi lần tổ chức triển lãm mới, dù thuộc bộ sưu tập cá nhân hay bảo trợ nghệ sĩ trẻ, đều tính toán rất kỹ các khâu vận hành, đặc biệt là tiêu chuẩn không gian triển lãm. Như lần hợp tác trong triển lãm Sparkles hồi tháng 4.2024 giữa Noirfoto và Bảo tàng nghệ thuật Quang San, đã đưa nhiếp ảnh từ trong phòng tối ra bảo tàng với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, là ví dụ gần đây nhất cho thấy các đơn vị tư nhân có thể làm tốt công tác bảo trợ, dù chính bản thân các đơn vị này cũng cần sự bảo trợ. 

Tự lực là một chuyện, song vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Ông Nguyễn Thiều Kiên nói những năm gần đây, việc xin giấy phép từ Sở VH-TT-DL để tổ chức triển lãm đã được hỗ trợ rất nhiều, quy trình cũng thoáng hơn, do vậy mà đơn vị được bảo trợ cũng bớt đi một phần gánh nặng để tập trung cho chất lượng triển lãm. 

Tiếp đến là độ tuổi của khán giả thưởng lãm. Ông Kiên nói thời gian đầu vận hành Bảo tàng Quang San, cứ nghĩ tệp khán giả lớn tuổi đến xem, nhưng không ngờ chiếm đa số là nằm trong độ tuổi 25 - 30. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy lớp khán giả ngày càng trẻ hóa, giúp cho việc bảo trợ càng dễ lan tỏa, càng được đón nhận sâu rộng. 

Ông cũng cho biết, tình hình triển lãm, bảo trợ nghệ thuật ở miền Nam đang rất sôi động. Dù vẫn chưa hoàn toàn xây dựng được hệ sinh thái bảo trợ nghệ thuật vững mạnh nhưng hoàn toàn có thể hy vọng sẽ ngày càng có nhiều nghệ sĩ, tác phẩm và các kiến thức về thường thức nghệ thuật sẽ được giới thiệu đến công chúng. 

Dù vậy, như bà Nguyễn Diệu Cầm nhìn nhận, bảo trợ nghệ thuật muốn bền vững phải được phát hiện, duy trì và nuôi dưỡng về lâu về dài thì mới có những tác động quan trọng, lâu bền được.

Theo ông Nguyễn Thiều Kiên, những nhà vận hành bảo tàng, nhà bảo trợ nghệ thuật có tầm nhìn bao quát được thị trường nghệ thuật, biết được "tầm đón đợi" của người thụ hưởng ở đâu nên có thể đề xuất mức giá phù hợp cho từng tác phẩm; đồng thời, họ cũng nên định hướng cho nghệ sĩ để thị trường kinh doanh được ổn định. 

Trông chờ quỹ bảo trợ nghệ thuật 

Ông Phạm Tuấn Ngọc băn khoăn việc đến khi nào mới có quỹ bảo trợ nghệ thuật tại Việt Nam. Đây là nguồn rất quý vì nó giúp nuôi dưỡng hoạt động bảo trợ và người nghệ sĩ, song không dễ kiếm, vì như đã nói, việc bảo trợ nghệ thuật ở Việt Nam vẫn chưa thực sự được quan tâm và ý thức đúng mức như ở nước ngoài. Ở Việt Nam, 1 quỹ bảo trợ nghệ thuật đúng nghĩa đã khó, và trong bối cảnh hiện nay càng khó hơn. Đây không chỉ là băn khoăn của ông Ngọc mà còn là băn khoăn của nhiều người trong ngành. 




Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-bao-tro-nghe-thuat-o-viet-nam-van-chua-thanh-he-sinh-thai-ben-vung-185250413190704103.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm