Tuyệt chiêu ngụy trang đỉnh cao của kẻ săn mồi đại dương

Cá voi sát thủ với phối màu đen - trắng đặc trưng (Ảnh: Wikipedia).
Cá voi sát thủ (tên khoa học: Orcinus orca) nổi bật trong đại dương với bộ da trơn đen tuyền xen lẫn các mảng trắng đặc trưng. Điều thú vị là chúng luôn sở hữu 2 đốm trắng gần mắt, khiến nhiều người lầm tưởng đó là đôi mắt khổng lồ.
Đây không phải là chi tiết ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình tiến hóa thông minh, phục vụ cho khả năng ngụy trang và săn mồi hiệu quả. Tại đó, mọi phối màu của cá voi sát thủ đều mang theo công dụng riêng.
Cụ thể, phần bụng trắng giúp chúng ẩn mình khi bị nhìn từ dưới lên, hòa lẫn với ánh sáng mặt trời chiếu qua mặt nước, trong khi lưng đen giúp chúng chìm vào nền tối của đáy biển khi bị nhìn từ trên xuống.
Riêng đốm trắng ở mắt cá voi sát thủ, giới khoa học gọi đây là hiệu ứng phá vỡ thị giác (disruptive coloration) kinh điển, cũng đồng thời là một chiến thuật ngụy trang được sử dụng rộng rãi trong thế giới động vật.
Hiệu ứng này tương tự như cách mà quân đội sử dụng họa tiết rằn ri để làm nhiễu thị giác đối phương. Đối với cá voi sát thủ, thay vì giấu toàn bộ cơ thể bằng một màu đơn sắc, chúng sử dụng các mảng tương phản mạnh để làm rối mắt con mồi, khiến chúng khó nhận diện hình dáng thật sự của kẻ săn mồi đang tiếp cận.

Kỹ thuật ngụy trang không chỉ là nghệ thuật sinh tồn, mà còn là minh chứng cho sự tiến hóa phi thường nhằm thích nghi với môi trường sống (Ảnh: Getty).
Không chỉ là công cụ săn mồi, các mảng sắc tố này còn là dấu hiệu nhận diện quần thể cá voi sát thủ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các đàn cá voi sát thủ sống ở những vùng biển khác nhau, từ Na Uy, Iceland đến Anh hay Tây Ban Nha... đều có hình dạng đốm trắng đặc trưng như một loại "phù hiệu", giúp các nhà nghiên cứu nhận biết từng nhóm cụ thể.
Đặc biệt, cá voi sát thủ ở vùng Nam Đại Dương còn được phân loại thành nhiều kiểu sinh thái riêng biệt (kiểu A, B, C, D), mỗi kiểu có hành vi và phạm vi lãnh thổ khác nhau.
Nghệ thuật ngụy trang kỳ lạ trong thế giới động vật
Không riêng gì cá voi sát thủ, thế giới động vật sở hữu vô số chiến lược ngụy trang kỳ lạ nhưng hiệu quả đáng kinh ngạc.
Ở rừng rậm, tắc kè hoa có khả năng đổi màu da theo môi trường để đánh lừa kẻ thù hoặc thu hút bạn tình. Bướm lá khô (tên khoa học: Kallima inachus) ở châu Á khi gập cánh lại sẽ gần như biến mất giữa lá khô nhờ màu sắc và đường gân mô phỏng hoàn hảo hình dáng chiếc lá.

Bướm lá khô có khả năng mô phỏng hoàn hảo hình dáng chiếc lá (Ảnh: Getty).
Trong môi trường biển, cá mực và bạch tuộc thuộc họ Cephalopoda còn ấn tượng hơn khi có thể thay đổi màu sắc, hoa văn và cả kết cấu da chỉ trong tích tắc.
Một số loài thậm chí mô phỏng được đáy cát, rong biển hay rạn san hô một cách sống động đến mức gần như "vô hình" trước mắt con mồi và kẻ săn mồi.
Trong môi trường sa mạc, cú lợn sở hữu bộ lông giống hệt vỏ cây, cho phép chúng ngủ ngày mà không bị phát hiện. Còn bọ que hay bọ lá lại dựa vào hình dáng cơ thể và hành vi để lẫn vào cành cây hay thảm thực vật mà không cần đổi màu.
Những kỹ thuật ngụy trang này không chỉ là nghệ thuật sinh tồn, mà còn là minh chứng cho sự tiến hóa phi thường nhằm thích nghi với môi trường sống. Mỗi đường vằn, đốm sáng hay mảng màu lạ... đều có thể là công cụ chiến lược giúp sinh vật trốn thoát, săn mồi hoặc bảo vệ giống loài.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/vi-sao-ca-voi-sat-thu-luon-co-dom-trang-gan-mat-20250716152623364.htm
Bình luận (0)