Vừa mới đây tại phiên họp "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", Hội nghị G7 mở rộng ở Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu: Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ.
GIÁ TRỊ ĐẦU TIÊN TRONG HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ở Hà Nội ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Xây dựng con người VN thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình VN, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc".
Theo đó, hệ giá trị VN, gồm: Hệ giá trị con người VN với 8 giá trị: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo; Hệ giá trị gia đình với 4 giá trị: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Hệ giá trị văn hóa với 4 giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Hệ giá trị quốc gia với 9 giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Trong đó, "hòa bình" là giá trị đầu tiên trong Hệ giá trị quốc gia.
Học sinh tìm hiểu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Rất quan trọng trong hình thành phẩm chất cho học sinh
Giáo dục giá trị hòa bình có vai trò rất quan trọng trong hình thành phẩm chất cho học sinh (HS), là cơ sở để hình thành và phát triển các công dân tốt cho xã hội. Tuy nhiên, nội dung giáo dục về giá trị hòa bình trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được nhấn mạnh. Các nội dung giáo dục có liên quan đến giá trị hòa bình được đưa vào môn giáo dục công dân như: "Xử lý bất hòa với bạn bè" (lớp 3), "Phòng chống bạo lực học đường" (lớp 7), "Bảo vệ hòa bình" (lớp 9)…
Đối với môn giáo dục quốc phòng và an ninh, có đề cập đến tính dân tộc và nhân văn: giúp HS phát triển các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng hướng tới các giá trị khoan dung, nhân ái, tôn trọng, hòa bình, hòa hợp, hợp tác, vì sự tiến bộ và phát triển xã hội.
Ngoài ra, ngành giáo dục chưa xây dựng được các tiêu chí, chỉ số về giá trị hòa bình nên khó khăn trong định hướng nội dung giảng dạy và hoạt động trải nghiệm.
Chưa kể, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân HS chưa có năng lực giải quyết mâu thuẫn, nên tình trạng bạo lực học đường gia tăng, tạo nên môi trường học đường không an toàn, ảnh hưởng đến dạy và học.
Trong bối cảnh đó việc giáo dục giá trị hòa bình một cách hệ thống cho HS là rất cần thiết.
GIẢI PHÁP GIÁO DỤC GIÁ TRỊ HÒA BÌNH CHO HỌC SINH
Thạc sĩ Đoàn Thị Thúy Hạnh và thạc sĩ Hồ Thị Hồng Vân (Viện Khoa học Giáo dục VN) vào tháng 8.2020 có công trình nghiên cứu "Giáo dục giá trị hòa bình qua hoạt động trải nghiệm ở tiểu học" đã đề xuất giá trị hòa bình có 9 tiêu chí: không chiến tranh; không đối đầu, đối kháng; tôn trọng pháp luật và quy tắc; hòa thuận; không gây mâu thuẫn; bình yên trong lòng; tâm trí thư thái, tĩnh lặng; bình tĩnh; thân thiện môi trường tự nhiên. Mỗi tiêu chí có các chỉ báo và các thể hiện trong hoạt động của HS.
Nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục giá trị hòa bình phù hợp với cấp học, vùng miền, địa phương nhằm đảm bảo khả thi, trong đó, giáo viên giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng làm nòng cốt.
Học sinh trong một hoạt động ngoại khóa tích hợp môn văn, sử
[Đối với HS THPT cần tìm hiểu, thảo luận về chính sách quốc phòng 4 không của VN: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Thảo luận về chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa của VN.
Giáo dục giá trị hòa bình với nhiều hình thức phong phú, bằng nghệ thuật, âm nhạc; hoạt động giáo dục hòa bình cộng đồng có sự tham gia của gia đình, nhà trường và xã hội.
Nhà trường hướng tới "Trường học hạnh phúc", tạo môi trường học tập an toàn, tôn trọng, để HS có sự yên tĩnh, cảm giác tốt đẹp, sống hòa thuận, thi đua lành mạnh thay vì ganh ghét, đấu đá; giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại, không đối đầu.
Ông Ralph Waldo Emerson, triết gia người Mỹ (1803 - 1882), đã nói: "Hòa bình không thể đạt được qua bạo lực, nó chỉ có thể đạt được qua sự thông hiểu". HS biết tôn trọng đa văn hóa, đa sắc tộc để hội nhập với thế giới, hướng đến công dân toàn cầu.
Bình luận (0)