Tay vợt Lâm Thi Đống - Ảnh: ITTF
Thất bại choáng váng của bóng bàn Trung Quốc
Đó là một tâm thái dễ hiểu khi chứng kiến những cú lật đổ ngoạn mục trong thể thao. Người Trung Quốc thống trị bóng bàn cũng tương tự như người Mỹ thống trị bóng rổ, thậm chí là còn hơn thế.
Tại Olympic, Giải vô địch thế giới, hay World Cup, các trận chung kết bóng bàn đơn nam và đơn nữ thường xuyên là những cuộc "nội chiến" của các tay vợt Trung Quốc.
Ví dụ như ở Olympic, trong 5 trận chung kết đơn nam gần nhất, chỉ duy nhất 1 lần có sự xuất hiện của một tay vợt ngoài Trung Quốc. Đó là Felix LeBrun (Pháp) ở Olympic 2024. Và anh cũng chẳng có chút cơ hội nào trước một Phàn Chấn Đông (Fan Zhendong) hoàn toàn vượt trội.
Còn ở World Cup bóng bàn đơn nam, Trung Quốc cũng chỉ để mất chức vô địch duy nhất 1 giải đấu trong 12 giải gần nhất, khi Ovtcharov và Timo Boll lọt vào chung kết giải năm 2017 (Ovtcharov thắng).
Đó là một giai đoạn nhạy cảm của bóng bàn Trung Quốc, khi các huyền thoại của họ như Mã Long (Ma Long), Hứa Hân (Xu Xin) đã sa sút, còn thế hệ mới của Phàn Chấn Đông lại chưa đủ trưởng thành.
Nói vậy để biết chiến thắng của Calderano mới đây xứng đáng được xem là kỳ tích thế nào. Trước khi quật ngã Lâm Thi Đống - thiên tài bóng bàn Trung Quốc khi leo lên vị trí số 1 thế giới ở tuổi 20, Calderano đã đánh bại Vương Sơ Cần - cựu số 1 thế giới, mới 24 tuổi.
Ở World Cup năm nay, Trung Quốc còn có sự góp mặt của Lương Tĩnh Côn - người hiện đứng hạng 4 thế giới. Trong top 4 thế giới hiện tại, Trung Quốc có 3 người, người còn lại đến từ Brazil, quốc gia không có truyền thống bóng bàn. Và rồi chính tay vợt đó đã chiến thắng.
Người dân Trung Quốc chơi bóng bàn mọi lúc trong công viên - Ảnh: AFP
Sự hả hê của cộng đồng bóng bàn càng lớn hơn khi chỉ 2 ngày sau thất bại gây sốc này, chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Trung Quốc (CTTA), ông Lưu Quốc Lượng (Liu Guoliang) từ chức.
Nhưng đó cũng là thời điểm những người hâm mộ nhận ra Trung Quốc sẽ lại thống trị môn thể thao giàu kỹ thuật này, vì tinh thần và lòng tự trọng của những người lãnh đạo.
Trung Quốc quá quyết tâm với bóng bàn
Bóng bàn Trung Quốc có một nền tảng đào tạo, kế thừa và nâng tầm những VĐV hoàn hảo.
Ở hạ tầng, Trung Quốc từ lâu đã thành công biến bóng bàn trở thành một môn thể thao học đường. Thậm chí là môn thể thao tiện dụng nhất có thể.
Nếu đi dạo ở các công viên tại Trung Quốc, bạn sẽ dễ dàng được thấy những bàn bóng bàn đặt khắp nơi. Người dân Trung Quốc chơi bóng bàn cũng dễ dàng như đi bộ, chạy bộ. Đó là nền tảng của sự phát triển.
Và ở trên thượng tầng, CTTA duy trì chính sách trọng dụng nhân tài vô cùng hiệu quả. Lưu Quốc Lượng từng là tay vợt số một thế giới của những năm thập niên 1990. Ông giải nghệ ở tuổi 25, khi còn quá trẻ.
Ông Lưu Quốc Lượng (thứ 2 từ trái sang) được xem là HLV thành công nhất lịch sử bóng bàn Trung Quốc - Ảnh: ITG
Nguyên do là bởi tính kế thừa liên tục của làng bóng bàn Trung Quốc. Năm 2001, Lưu giải nghệ. Năm 2003, ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng tuyển bóng bàn nam Trung Quốc, với mục tiêu hướng đến kỳ Olympic 2008 trên sân nhà.
Và Lưu làm quá tốt, khi đoạt cú đúp HCV đơn nam, đồng đội nam (khi đó bóng bàn chưa có các nội dung đánh đôi ở Olympic). Thậm chí cả 3 tấm huy chương vàng, bạc, đồng đều của các tay vợt Trung Quốc.
Họ là ai? Đó là Mã Lâm (Ma Lin), trẻ hơn Lưu chỉ 4 tuổi. Là Vương Hạo (Wang Hao), trẻ hơn Lưu 7 tuổi. Và Vương Lệ Cần (Wang Liqin), trẻ hơn Lưu 2 tuổi. Ở Bắc Kinh 2008, Lưu Quốc Lượng trông giống một "đại ca" hơn là HLV trưởng, bởi toàn bộ các học trò mới đó không lâu còn là đàn em của ông.
Tài năng của Lưu Quốc Lượng là không thể bàn cãi, nhưng cần phải thừa nhận tính hệ thống đã giúp ông thăng hoa.
Năm 2018, Lưu Quốc Lượng kết thúc 17 năm sự nghiệp HLV để bước lên vai trò mới - chủ tịch CTTA.
Ông tái đắc cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2023 mà không có tranh cãi nào. Từ cương vị VĐV, HLV cho đến chủ tịch, Lưu luôn làm quá tốt công việc của mình. Bóng bàn Trung Quốc giữ vững thế độc tôn mọi thời điểm.
Và rồi chỉ một thất bại, ở một giải đấu cũng không phải quá danh giá (World Cup trong làng bóng bàn nhìn chung vẫn không sánh được với Olympic và Giải thế giới), Lưu Quốc Lượng lập tức phải từ chức.
Người kế nhiệm ông không ai khác chính là Vương Lệ Cần, từ chiến hữu, học trò, cho đến đồng liêu. Và giờ đây là người kế thừa trọng trách cao nhất.
Chiến thắng của Hugo Caldenaro khiến cả làng bóng bàn vui mừng. Chẳng ai muốn thấy một trong những môn thể thao cuốn hút nhất lại chịu sự thống trị tuyệt đối đến thế.
Nhưng nhìn cái cách người Trung Quốc phản ứng, hãy tin rằng họ sẽ lại sớm vô địch mọi giải đấu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-trung-quoc-mai-mai-thong-tri-mon-bong-ban-20250423162833888.htm
Bình luận (0)