VN-Index giảm mạnh nhất lịch sử
Thị trường "đỏ lửa" ngay từ phiên sáng khi giảm tới hơn 82 điểm sau thông tin các mức áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được công bố.
Chốt phiên, VN-Index xác nhận gần 90 điểm giảm tương đương với 6,9%, xuống còn 1.229,84 điểm, thị trường "nhuốm màu đỏ và xanh dương". Trong đó 517 mã giảm (282 mã "nằm sàn"), chỉ có 13 mã tăng (3 mã "tăng đỉnh"), 8 mã đi ngang.
Sàn HNX và UPCoM lần lượt giảm 17,18 điểm (-7,21%), 8,06 điểm (-8,17%), đánh dấu mức giảm mạnh nhất lịch sử của VN-Index, nhiều cổ phiếu trắng bên mua. Vốn hóa thị trường cũng từ đó mất hơn 500.000 tỷ đồng, còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng.
"Rổ VN30" giảm tới 93,76 điểm (-6,81%), hầu hết tất cả các mã bluechips đều "nằm sàn" với 28 mã và 2 mã giảm mạnh SSB (SeABank, HOSE) giảm 2,6% và VNM (Vinamilk, HOSE) giảm 6,61%.
Loạt cổ phiếu bluechips giảm mạnh, "nằm sàn". Ảnh: SSI iBoard
Theo thống kê của Chứng khoán SSI, top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới thị trường hôm này đều đến từ nhóm vốn hóa lớn, gồm: FPT (FPT, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), ACB (ACB, HOSE), HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), LPB (LPBank, HOSE).
Còn tại khối ngoại, nhóm nhà đầu tư này đã nhanh chóng bán ròng tới 3.721 tỷ đồng, xác lập kỷ lục về giá trị bán ròng trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tâm điểm là 2 mã cổ phiếu ngân hàng bị xả mạnh nhất là MBB (MBBank, HOSE) đạt 692 tỷ đồng và TPB (TPBank, HOSE) chịu lực "xả" 355 tỷ đồng. Kế tiếp là FPT (FPT, HOSE) với 339 tỷ đồng, VNM (Vinamilk, HOSE) với 309 tỷ đồng, VCB (Vietcombank, HOSE) với 267 tỷ đồng,…
Cụ thể, Mỹ sẽ áp thuế cơ bản 10% lên tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt quốc gia. Đồng thời, áp dụng mức thuế quan cao hơn có đi có lại đối với các quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn.
Hiện, Mỹ đang xác định mức thuế quan 46% lên hàng hóa nhập từ Việt Nam, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myamar.
Ngược lại, động thái mua ròng vẫn xuất hiện nhưng với giá trị "ít ỏi", tại cổ phiếu VCG (Xây dựng Việt Nam, HOSE) và VRE (Vincom Retail, HOSE) lần lượt là 26 và 21 tỷ đồng,…
Theo giới phân tích, diễn biến hôm nay cho thấy tâm lý "giữ tài sản", lo ngại đã gia tăng mạnh mẽ từ thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế lên toàn cầu với mức thuế cao được áp dụng cho rất nhiều nước trên thế giới.
Thị trường đi vào giai đoạn bất định
Theo nhiều ý kiến nhiều chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, khó có thể đánh giá chính xác tác động của chính sách thuế Mỹ mới công bố đến Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán. Thêm nữa, Chính phủ Mỹ cũng bỏ ngỏ về khả năng đàm phán để thay đổi mức thuế phù hợp.
Ông Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng, việc chịu thuế 46% có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam khá lớn, như: Gây cản trở đến mục tiêu tăng trưởng GDP; Lo ngại sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI sẽ dịch chuyển từ nước chịu thuế suất cao sang các nước có thuế suất thấp hơn.
Thị trường "phản ứng" mạnh mẽ trước thông tin áp thuế của Tổng thống Mỹ
Điều này phần nào phản ánh tới thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu sẽ bị tác động tiêu cực trực tiếp, gồm các ngành: Công nghệ (FPT,..); Dệt may (TCM, GMC, MSH,…); Vật liệu xây dựng, nội thất (PTB, VCS, SAV,…); Thủy sản (VHC, ANV, AGF,…; Thép (HPG, HSG,…) ;…
Hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã ra hiệu rõ ràng rằng những mức thuế này là điểm khởi đầu cho đàm phán và có khả năng là mức thuế cao nhất, đây là cơ hội cho Việt Nam đàm phán, thương lợi trong thời gian tới để có thể giảm thiểu mức thuế này.
Việt Nam đã có nhiều động thái thể hiện thiện chí trong việc xử lý quan hệ thương mại, như giảm thuế cho 1 số mặt hàng, và ký một số cam kết giao thương kinh tế với Mỹ, vì vậy, có thể kỳ vọng mức thuế cuối cùng sẽ thấp hơn mức hiện tại.
Nhận định về diễn biến thị trường sắp tới, ông đưa ra quan điểm, thị trường còn nhiều điều bất định, xác suất điểm số sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống, phản ánh rủi ro thuế quan.
Trong kịch bản tích cực, những động thái đàm phán sắp tới của Việt Nam và Mỹ đạt được những kết quả tốt, thị trường sẽ đi vào bình ổn và vượt qua được giai đoạn bất lợi này.
Sau nhịp điều chỉnh, định giá thị trường sẽ trở nên hấp dẫn hơn với P/E hiện tại 12.2x; lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết vẫn đạt được mức tăng trưởng hai chữ số trong năm nay, đặc biệt là ở nhóm ngành ngân hàng và bất động sản.
Ngoài ra, ông cũng kỳ vọng Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh được các chính sách kích thích tiêu dùng trong nước, đầu tư công để hạn chế ảnh hưởng từ tác động thuế quan, rào cản thương mại đến tăng trưởng kinh tế.
Trong thời điểm này, ông khuyến nghị, nhà đầu tư (NĐT) cần thận trọng, hạn chế nắm giữ các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi thuế quan.
Ngược lại, đối với NĐT dài hạn, đây là thời điểm tốt để chọn mua và nắm giữ các doanh nghiệp giá trị, hoạt động kinh doanh ổn định, có dòng tiền tự do và cổ tức tiền mặt cao. Điều cần lưu ý là phải duy trì tỷ trọng phù hợp và quản trị rủi ro nên đặt lên hàng đầu.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/vn-index-boc-hoi-moi-no-luc-2-thang-qua-kich-ban-nao-cho-chung-khoan-viet-nam-2025040318120498.htm
Bình luận (0)