Bài 1: Khẳng định vị thế trung tâm kinh tế sôi động
Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển, tập trung đầu tư hạ tầng để nâng cao sức cạnh tranh, đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực,... là những giải pháp được các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tập trung thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quý I/2025, 3 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương có mức tăng trưởng kinh tế từ 10% trở lên. Bốn địa phương còn lại gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Hà Nội đạt từ 7,35% đến 9,05%, đều vượt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản, góp phần vào mức tăng 6,93% GDP của cả nước. Có được kết quả này là nhờ các tỉnh, thành phố đã chủ động thiết kế và thực thi kịch bản tăng trưởng, thực hiện cam kết bằng những hành động quyết liệt, cụ thể.
Điểm sáng thu hút đầu tư
Ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết tâm triển khai các giải pháp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 10 đến 11%. Trong số rất nhiều giải pháp, lãnh đạo tỉnh ưu tiên làm việc với các nhà đầu tư chiến lược để thu hút dự án lớn, dự án công nghệ cao; dịch vụ, logistics, xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp; các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, phần mềm, trí tuệ nhân tạo,…
Vừa qua, với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, Tập đoàn CNCTech và Công ty UTI Vina Vĩnh Phúc (Hàn Quốc) đã ký hợp tác triển khai dự án đầu tư sản xuất điện tử với tổng mức đầu tư 105 triệu USD.
Tập đoàn CNCTech cũng hợp tác với Công ty cổ phần Signetics (Hàn Quốc) xây dựng Nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Bá Thiện I, tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Quý I/2025, doanh thu từ dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 57.500 tỷ đồng, tăng 12,27% so với cùng kỳ năm 2024.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Duy Đông kỳ vọng, Vĩnh Phúc sẽ tận dụng tốt lợi thế vị trí địa lý và nguồn nhân lực để tăng tốc phát triển công nghiệp công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử hàng đầu cả nước.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai cơ chế “làn xanh” trong giải quyết thủ tục, hồ sơ trong các lĩnh vực như đầu tư, xuất nhập khẩu-logistics, phát triển thương mại; hỗ trợ tài chính và kích cầu tiêu dùng; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hạ tầng thông minh, nhà ở xã hội,…
Hồ sơ các lĩnh vực này được rút ngắn ít nhất 60% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. Trong đó, riêng các dự án trọng điểm được ưu tiên xử lý ngay trong vòng 24 giờ, kể từ khi tiếp nhận hồ sơ.
Theo đó, các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư FDI trong quý I rất cao: Hà Nội thu hút 1.415 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2024; Bắc Ninh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 1,479 tỷ USD cho các dự án FDI (gấp 1,8 lần); tổng vốn đăng ký các doanh nghiệp thành lập mới gấp 2,6 lần.
Đáng lưu ý, dòng vốn đầu tư tại Bắc Ninh đang chuyển dịch tích cực khi ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp trong nước chọn Bắc Ninh là “điểm đến”. Tại Hội nghị trao giấy chứng nhận đầu tư lần thứ hai tổ chức ngày 31/3/2025, lần đầu tiên vốn đầu tư dự án cấp mới của doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngang bằng vốn đầu tư các dự án FDI, với nhiều nhà đầu tư lớn cung cấp sản phẩm trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, ô-tô năng lượng xanh và hàng không vũ trụ,…
Quý I/2025, tỉnh Hải Dương cũng nổi lên là một điểm sáng trong thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 138 triệu USD, tăng 85,6% so với cùng kỳ năm 2024, tổng vốn đăng ký đầu tư trong nước hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 137%. Nhiều khu công nghiệp như Phúc Điền (mở rộng), đã thu hút được 9 nhà đầu tư thứ cấp trong nước với tổng vốn hơn 4.142 tỷ đồng, vượt kế hoạch thu hút đầu tư cả năm 2025.
Tỉnh Hưng Yên gần đây cũng tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để mời gọi các nhà đầu tư. Với 12 khu công nghiệp, diện tích hơn 3.123 ha, trong đó, 10 khu công nghiệp (2.773 ha) đã đi vào hoạt động, tiếp nhận 657 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký hơn 46.000 tỷ đồng và hơn 7,1 tỷ USD.
Tỉnh phấn đấu trong năm nay có thêm 5 khu công nghiệp hoàn thành hồ sơ chủ trương đầu tư; có tối thiểu 150 ha được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; tiếp nhận dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Trong các khu công nghiệp, có thêm 40 dự án đầu tư mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; vốn thực hiện của các khu công nghiệp và các dự án đầu tư đạt tối thiểu 21.000 tỷ đồng.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên Vũ Quốc Nghị cho biết: Ban chủ động thực hiện Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 48 giờ đối với các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ pháp lý để triển khai dự án.
Đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng
Một nửa trong số 10 dự án trọng điểm được Hà Nội phân luồng theo cơ chế ưu tiên “làn xanh” nhằm thúc đẩy tăng trưởng là các công trình giao thông chiến lược, kết nối đô thị trung tâm Hà Nội với khu vực ngoại thành. Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng cầu Tứ Liên vào giữa tháng 5, khởi công cầu Trần Hưng Đạo vào tháng 8 và khởi công cầu Ngọc Hồi kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên vào dịp 2/9; khởi công tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao-Hòa Lạc vào tháng 10...
Trong khi đó, dự án trọng điểm quốc gia đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đang được triển khai quyết liệt. Hiện gói thầu xây lắp thuộc Dự án thành phần 2.1 - Xây dựng đường song hành (đường đô thị) đã được các nhà thầu đồng loạt triển khai 32 mũi thi công, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2025.
Tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã chủ động đầu tư đường ven sông nối cao tốc Hạ Long-Hải Phòng với thành phố Đông Triều dài 40km với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, kết nối các đô thị quan trọng hành lang kinh tế phía tây của tỉnh.
Tỉnh phối hợp thành phố Hải Phòng đầu tư xây dựng các cầu Bến Rừng, Lại Xuân; đầu tư các tỉnh lộ nối thành phố Hạ Long với hai tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, du lịch liên vùng, liên tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông dựa trên cơ sở trục đường cao tốc Hà Nội-Móng Cái, kết nối hàng loạt khu công nghiệp, các đô thị... nối liền ba sân bay quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng phát triển năng động, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2025, Hải Dương ưu tiên nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội. Ông Bùi Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong năm 2025, tỉnh bố trí từ ngân sách gần 8.500 tỷ đồng cho 25 dự án đang thi công và 10 dự án khởi công mới, đồng thời hỗ trợ cho cấp huyện thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm quan trọng kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên. Đến nay, một số dự án trọng điểm đã cơ bản hoàn thành.
Bên cạnh đó, tỉnh huy động nguồn vốn xã hội hóa khoảng 750 tỷ đồng thực hiện các dự án: Nút giao kết nối đường tỉnh 390 (huyện Thanh Hà) với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dự kiến hoàn thành năm 2025; xây dựng cầu Đại An vượt sông Kim Sơn, kết nối huyện Gia Lộc và Cẩm Giàng với kinh phí 250 tỷ đồng; đường trục Bắc Nam đoạn qua Khu công nghiệp Kim Thành với kinh phí 150 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong vùng phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nguồn: https://nhandan.vn/vung-kinh-te-trong-diem-bac-bo-tang-toc-post874520.html
Bình luận (0)