Công tác bơm tát, trữ nước phục vụ sản xuất được tăng cường tại TP Cần Thơ.
Từ nay đến 3-4, XNM sẽ tăng cao, với độ mặn 4 g/l xuất hiện lấn sâu vào đất liền, cách cửa sông từ 40-50km trở lên, riêng nhánh sông Hàm Luông mặn vào sâu 55-60km (cách cửa sông). Các địa phương vùng ÐBSCL đề phòng mặn tăng cao bất thường do gió Chướng, ở một số cửa sông Cửu Long cần kiểm tra kỹ chất lượng nước trước khi lấy và tranh thủ lấy nước ngay khi có thể.
Bên cạnh đó, đầu tháng 4-2025, tại vùng thượng ÐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ nguồn nước đảm bảo; vùng giữa ÐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, mặn cao trở lại; vùng ven biển ÐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang), mặn đã ảnh hưởng đến các vùng ven biển, nguồn nước trữ giảm nhanh, cơ hội lấy nước bổ sung là hiếm. Ðể đảm bảo sản xuất các tháng mùa khô tới cần tăng cường giám sát mặn, tranh thủ tích nước mỗi khi có thể, bơm gạn ngọt khi triều rút và cập nhật các bản tin dự báo để tích nước phù hợp.
Tích nước ở các thủy điện trên lưu vực sông Mekong hiện cao hơn so với cùng thời kỳ ở các năm trước. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho biết việc vận hành hợp lý các hồ này sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất trên ÐBSCL trong năm. Ngược lại, vận hành tích nước bất thường có thể gây ra các tác động bất lợi. Ðợt xả nước tăng cường ở các thủy điện Trung Quốc từ ngày 21-2 đến nay được xem là có tác động tích cực đến giảm XNM ở giai đoạn nửa cuối tháng 3 vừa rồi. Hiện việc xả nước đã trở về mức trung bình, tuy nhiên cũng có tác động đáng kể đến XNM từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4-2025. Các địa phương trong vùng cần tăng cường kiểm tra mặn trước khi tích nước sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Tin, ảnh: HÀ VĂN
Nguồn: https://baocantho.com.vn/xam-nhap-man-tang-cao-trong-dot-trieu-cuong-dau-thang-3-am-lich-a185013.html
Bình luận (0)