Sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 44, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết giảm thuế VAT.
Ở lần trình này, Chính phủ đề nghị mở rộng thêm nhóm hàng, dịch vụ sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng đang chịu thuế 10% được áp mức 8% tới hết năm 2026, thay vì giữa năm nay như dự tính trước đó. Cụ thể, xăng dầu, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm hóa chất - kim loại đúc sẵn, than cốc, than (nhập khẩu, bán buôn ở khâu kinh doanh thương mại) được giảm 2% thuế VAT.
Tương tự các lần trước, dịch vụ viễn thông, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... tiếp tục không được giảm thuế này.
Thực tế, chính sách giảm thuế VAT về 8% được duy trì từ 2022 đến tháng 6/2025. Chính phủ đề nghị kéo dài chính sách này thêm 18 tháng, tức tới cuối 2026 nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận và kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua giảm, đặc biệt việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng với các nước, trong đó có Việt Nam.

VAT là thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, khi giảm thuế này, người dân và doanh nghiệp được giảm trực tiếp chi phí tiêu dùng, sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và kích thích tiêu dùng. Theo tính toán của Chính phủ, ngân sách giảm thu khoảng 121.740 tỷ đồng trong nửa cuối 2025 và năm 2026 khi áp thuế VAT 8%.
Thẩm tra nội dung này, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính - đồng tình cần duy trì chính sách tài khóa trên để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế trong nước đối diện khó khăn, thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước... việc tiếp tục chính sách này là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Tuy vậy, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra lại cho rằng việc duy trì giảm thuế VAT chưa phù hợp và khó đạt mục tiêu kích cầu, do chính sách đã bão hòa khi thực hiện thời gian dài. Bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế này không đảm bảo chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Thực tế, giá một số mặt hàng tăng theo chi phí đầu vào, việc giảm thuế VAT khó có thể được thể hiện trong giá bán đến tay người tiêu dùng.
Cùng với đó, ngân sách dự kiến giảm thu 39.540 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay, cùng khoản chi mới phát sinh và các chính sách giảm thu khác... có thể ảnh hưởng tới đảm bảo dự toán thu, bội chi ngân sách năm nay, cũng như kế hoạch dự toán 2026. Ông Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ giao các cơ quan tổng hợp đánh giá phát sinh thu - chi để tính toán được cơ cấu ngân sách.
"Việc này rất quan trọng, mức giảm thu có thể đến hàng trăm nghìn tỷ, phát sinh chi cũng tương tự, trong khi thu ngân sách mỗi năm khoảng 2 triệu tỷ đồng", ông Mãi nói, đề nghị Phó thủ tướng sớm báo cáo số liệu cho Thường vụ Quốc hội.

Trả lời nội dung này, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói Chính phủ sẽ giao Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo cho Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Ông cho hay năm nay chi ngân sách sẽ tăng. Khi tinh giản bộ máy, riêng số tiền trả cho cán bộ, công chức thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi thống kê chưa đầy đủ khoảng 170.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà nước cần chi 30.000 tỷ đồng để giảm học phí, cũng như thực hiện một số chính sách mới như bảo hiểm y tế, chế độ tăng thêm...
"Năm nay, ngân sách vẫn chịu được vì phần trả lương cho người thôi việc, tinh giản bộ máy được lấy từ Quỹ tích lũy tiền lương, chi từ ngân sách", Phó thủ tướng thông tin.
Ông Phớc nói thêm hiện thuế suất VAT của Việt Nam chưa bằng một nửa các nước. Chẳng hạn, tại châu Âu, mức thuế suất VAT khoảng 19-22%. "Chúng ta chỉ áp thuế 10%, nhưng 4 năm nay giảm còn 8% là sự ưu tiên với các doanh nghiệp, giúp họ vực lên sau đại dịch", ông Phớc nói.
Dự thảo Nghị quyết giảm 2% thuế VAT sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 5.
Nguồn: https://baohatinh.vn/xang-dau-co-the-duoc-giam-2-thue-vat-toi-het-2026-post286502.html
Bình luận (0)