Gà đồi dược liệu Ba Chẽ là một trong những sản phẩm đang trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Để gà đồi dược liệu có chỗ đứng trên thị trường, phát triển vững chắc, bên cạnh chú trọng đến chất lượng, Ba Chẽ rất quan tâm xây dựng thương hiệu, đăng ký xác lập quyền cho sản phẩm. Địa phương đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Cây lương thực và thực phẩm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) để hoàn tất hồ sơ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu “Gà đồi dược liệu Ba Chẽ” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Sở KH&CN cũng tích cực hỗ trợ đơn vị về đăng ký sử dụng địa danh, xác nhận bản đồ vùng sản xuất và thực hiện các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này.
Cùng với Gà đồi dược liệu Ba Chẽ, trong năm 2024, ngành KH&CN tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm gắn địa danh của tỉnh Quảng Ninh cho các sản phẩm khoai lang Móng Cái, ruốc tôm Hạ Long.
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đến phát triển tài sản trí tuệ nhằm đưa nhiều đặc sản trở thành những thương hiệu lớn, có uy tín, danh tiếng trong và ngoài tỉnh, thậm chí là thị trường quốc tế, như: Chả mực Hạ Long, mực ống Cô Tô, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn… Năm 2024, nhãn hiệu Vanbest của Công ty TNHH MTV Newstar đã được đăng ký bảo hộ quốc tế. Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch Công ty Newstar cho biết: Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở KH&CN, chúng tôi đã đăng ký nhãn hiệu Vanbest cho sản phẩm và được cấp giấy chứng nhận hàng hóa ở 15 quốc gia. Điều này giúp ngăn chặn sự xâm phạm nhãn hiệu, tình trạng hàng hoá bị làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
Nhận thức rõ vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển KT-XH, thời gian qua Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3683/QĐ-UBND, ngày 21/10/2021 "Phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 313/2020/NQ-HĐND "Về một số cơ chế tài chính khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Đến nay, đã hỗ trợ cho 24 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 5 Hệ thống Quản lý an toàn thực phẩm - ISO 22000 với tổng kinh phí 710 triệu đồng.
Đặc biệt, Sở luôn đồng hành và tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP. Trong đó tập trung hỗ trợ hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng mới, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; hoạt động áp dụng công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến; hoạt động tham dự chợ công nghệ và thiết bị, hội chợ thương hiệu… Đây chính là công cụ đắc lực để bảo vệ thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần triển khai hiệu quả hơn chương trình OCOP, chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Hiện có 249/394 sản phẩm OCOP của tỉnh đã đăng ký bảo hộ, đạt 63,2%.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp duy trì hoạt động của Trạm khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp (IPPlatform), nhằm hỗ trợ khách hàng tra cứu, cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ kết nối, tư vấn hỗ trợ khai thác, phát triển các sáng chế phục vụ phát triển sản xuất.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/xay-dung-bao-ve-thuong-hieu-cho-nong-san-3354364.html
Bình luận (0)