Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, xây dựng chỉ tiêu đầu ra cho mọi chính sách và đo lường, công bố công khai phải là yêu cầu quản trị quốc gia.
Mở ra trang mới cho ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (gọi tắt là Ủy ban).
Diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đây là buổi làm việc thứ hai của người đứng đầu ngành KH&CN với các đơn vị thuộc Bộ để vạch ra mục tiêu, đường hướng cùng cách tiếp cận mới nhằm phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, Hoàng Minh; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trong Bộ cùng tập thể cán bộ, nhân viên Ủy ban.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng là một bộ phận của bộ ba khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS), là động lực thúc đẩy bộ ba này. Không những thế, còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Người đứng đầu ngành KH&CN phân tích: Câu chuyện tiêu chuẩn đo lường chất lượng liên quan nhiều đến quan điểm phát triển, quan điểm quản trị và đổi mới đất nước. Vì thế, hoạt động của Ủy ban phải dựa trên những quan điểm này để phát triển, cụ thể là: Phát triển chất lượng cao, sánh vai với các cường quốc; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, ra quyết định dựa trên dữ liệu nhiều hơn...
Đường lối của một quốc gia phải được thể hiện vào những những đơn vị, tổ chức nhỏ. Với Ủy ban, khi dựa vào các quan điểm phát triển, quản trị và đổi mới đất nước, đơn vị sẽ có nhiều đường hướng, “tia sáng” để phát triển.
Bên cạnh mục tiêu quốc gia, Ủy ban còn mục tiêu làm cho các tổ chức, doanh nghiệp thấy được rằng, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng là cách để đơn vị mình tốt lên, giúp tạo ra uy tín, danh dự cho tổ chức, thay vì chỉ là chi phí tuân thủ.
“Nếu doanh nghiệp chỉ nghĩ đây là nơi gây tốn kém chi phí để tuân thủ quy định quản lý nhà nước thì họ sẽ rất khó chịu. Nhưng nếu họ nghĩ đó là việc cho mình, họ sẽ tự nguyện làm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.
Dành khá nhiều thời gian phân tích các dẫn chứng cụ thể và trao đổi để làm rõ định nghĩa, cách hiểu đúng của 3 từ khóa chính trong chức năng nhiệm vụ của Ủy ban gồm “Tiêu chuẩn”, “Đo lường” và “Chất lượng”, người đứng đầu ngành KH&CN cũng truyền đi thông điệp: Muốn mở ra một trang mới, tạo ra sự phát triển mới, đóng góp nhiều hơn cho đất nước, dân tộc mình thì cần phải quay về cái gốc, nền tảng. Khi hiểu đến tận gốc, đúng bản chất thì làm việc rất dễ, còn nếu không hiểu cái gốc sẽ rất khó làm.
Tập thể cán bộ, nhân viên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cũng được nhắc để thành công thì cần vừa nhìn gần, vừa nhìn xa, đi “từ gần đến xa”, “từ dưới đất lên trên trời”, làm tốt từ những việc nhỏ. Cùng với việc tiêu chuẩn hóa mọi hoạt động của đơn vị mình, Ủy ban còn phải tập trung để đo lường, lượng hóa được đóng góp của đơn vị vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bên cạnh việc thống nhất cách hiểu tiêu chuẩn là yêu cầu, đo lường là đánh giá và chất lượng là thực thi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng vạch ra những nội dung Ủy ban cần quan tâm trong từng mảng công việc.
Trong đó, tiêu chuẩn là phương tiện dẫn đường cho quốc gia, doanh nghiệp. Tiêu chuẩn không chỉ là một khuôn khổ kỹ thuật mà phải đóng vai trò định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm, thị trường. Đặc biệt, một quốc gia muốn đi tới đâu thì dùng tiêu chuẩn để dẫn dắt tới đó. Đây là một nhiệm vụ lớn của Ủy ban.
Đo lường là để phục vụ việc ra quyết định, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cần xây dựng hệ thống kiểm định; xây dựng được văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu; xây dựng hệ sinh thái đo lường đáng tin cậy, dễ dàng tiếp cận phục vụ mọi cấp ra quyết định, từ người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dễ dàng với dịch vụ đo lường, thử nghiệm, đánh giá.
Đáng chú ý, người đứng đầu Bộ KH&CN cũng nêu yêu cầu, cần quy định mọi chính sách công đều phải có chỉ số đầu ra và công cụ đo lường. Ủy ban cần tập trung để ra được một tiêu chuẩn nói rằng, khi công bố một chính sách công thì phải có chỉ số đầu ra và công cụ đo lường.
Nhận định làm quản lý nhà nước phải để ý đến yếu tố văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chất lượng tạo ra niềm tin, tuy nhiên ở Việt Nam cần tập trung vào uy tín, danh dự, tự hào, vì đây là văn hóa trọng danh dự người Việt Nam.
“Chất lượng là yếu tố cạnh tranh số 1, là sinh tồn của doanh nghiệp, là sự phát triển bền vững của tổ chức và dẫn đến sự phát triển bền vững quốc gia. Chất lượng là bảo vệ người tiêu dùng, là cân bằng giữa tự nguyện và bắt buộc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặt trọng tâm hoạt động tiêu chuẩn hóa vào các vấn đề quốc gia
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tiêu chuẩn hóa là công cụ quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Ngược lại, phát triển bộ ba này sẽ giúp cho hoạt động tiêu chuẩn hóa tốt hơn.
Tiêu chuẩn hóa là nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển chất lượng cao dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS, thúc đẩy các mô hình phát triển mới, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Quốc gia muốn phát triển theo hướng nào thì tiêu chuẩn phải dẫn dắt quốc gia theo hướng đó. Bởi vậy, tiêu chuẩn phải toàn diện, bao phủ tất cả 5 lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bao phủ tất cả các ngành.
Công tác tiêu chuẩn hóa cần chuyển đổi từ nhà nước dẫn dắt sang cân bằng giữa nhà nước và thị trường; từ một số ít lĩnh vực sang toàn bộ nền kinh tế.
Gợi mở cách tiếp cận có trọng tâm, trọng điểm trong triển khai tiêu chuẩn hóa, người đứng đầu ngành KH&CN cho rằng: chiến lược quốc gia đang tập trung vào đâu, trọng tâm của Đảng, Nhà nước đang tập trung vào đâu, xã hội đang có vấn đề gì nổi cộm thì hoạt động tiêu chuẩn hóa cần tập trung vào đó.
Theo đó, lúc này trọng tâm của Đảng, Nhà nước là tăng trưởng 2 con số, tăng trưởng chất lượng cao dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; làm chủ các công nghệ chiến lược; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; tinh gọn bộ máy; giải quyết các vấn đề của 2 đô thị lớn Hà Nội và TPHCM; ô nhiễm môi trường... “Đây đang là những vấn đề lớn của quốc gia mà Ủy ban phải tham gia”, Bộ trưởng yêu cầu.
Hàng loạt công việc cần tập trung thời gian tới cũng đã được vạch ra cho Ủy ban, đó là: Đổi mới hoạt động tiêu chuẩn hóa; thúc đẩy doanh nghiệp làm tiêu chuẩn; tích hợp tiêu chuẩn vào đo lường và chất lượng; tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn vào cuộc sống hàng ngày; chuyển đổi số hoạt động tiêu chuẩn hóa; tích hợp tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng vào các hoạt động của Bộ KH&CN...
Trong khuôn khổ cuộc làm việc, người đứng đầu ngành KH&CN còn giải đáp thấu đáo các thắc mắc của các cán bộ, nhân viên của Ủy ban như làm sao để lượng hóa đóng góp của các tiêu chuẩn quốc gia cho kinh tế xã hội đất nước; các định hướng chính trong xây dựng dự thảo Luật KHCN và ĐMST; chủ trương của Bộ KH&CN trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở nghiên cứu...
“Người tài là từ việc, làm nhiều thì giỏi lên. Để xuất hiện người tài thì đầu tiên do người lãnh đạo nghĩ ra những việc thách thức. Nếu Ủy ban có những việc vĩ đại, việc thay đổi đất nước và có một người dẫn lối tốt để chỉ ra cách làm khả thi cho những việc thách thức, tôi nghĩ sẽ có nhiều nhân sự trong đơn vị trở thành người tài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải đáp băn khoăn về câu chuyện nhân lực chất lượng cao.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/xay-dung-chi-tieu-dau-ra-cho-moi-chinh-sach-la-yeu-cau-quan-tri-quoc-gia-2385556.html
Bình luận (0)