Chỉ tính giải pháp, không kể khó khăn
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Lai Châu ban hành Chương trình hành động số 24-Ctr/TU, ngày 17/10/2022, đề ra bốn nhóm mục tiêu và năm nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Trong đó, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và đến nay, nhiều mục tiêu đến năm 2025 đã hoàn thành. Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2020-2025 đạt hơn 1.000 đảng viên (đạt tỷ lệ từ 3-4%/năm).
Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Mạc Quang Mạnh, đạt chỉ tiêu kết nạp đảng viên 3-4%/năm là nhiệm vụ rất khó do nguồn kết nạp đảng viên ngày càng ít, trong khi số đảng viên cần kết nạp yêu cầu ngày càng tăng. Lai Châu có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân cư thưa nên khó khăn nhân lên nhiều lần. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên nữ vẫn gặp nhiều trở ngại, nhất là ở các chi bộ nông thôn.
Thực tế này có nhiều nguyên nhân như: Phụ nữ chưa được tiếp cận giáo dục đầy đủ, ảnh hưởng việc đáp ứng tiêu chuẩn kết nạp đảng; đoàn viên, hội viên nữ trẻ, đáp ứng các tiêu chuẩn lại đi làm xa, hầu như không tham gia các hoạt động ở địa phương; quần chúng là nữ người dân tộc thiểu số không đi làm xa nhưng lập gia đình sớm; cộng đồng chưa có đủ hiểu biết và chia sẻ, thông cảm với phụ nữ tham gia công tác xã hội... Để khắc phục những khó khăn này, đồng chí Mạc Quang Mạnh khẳng định: “Tỉnh ủy đã xác định rất rõ tinh thần “chỉ tính giải pháp, không kể khó khăn”, quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng phải xây dựng kế hoạch thực hiện và nỗ lực để đạt chỉ tiêu đề ra”.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Lai Châu, Huyện ủy Tam Đường chú trọng công tác phát triển đảng viên nói chung và đảng viên nữ nói riêng. Tính đến nay, Đảng bộ huyện Tam Đường có 2.801 đảng viên, trong đó có 1.517 đồng chí là người dân tộc thiểu số và 980 đảng viên nữ. Tại Giang Ma, xã có khoảng 4.000 nhân khẩu, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu từ nông nghiệp, đời sống người dân có nhiều khó khăn. Đây là một trong những trở ngại trong phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên mới tại địa phương. Để phát triển đảng viên, hằng năm Đảng ủy xã Giang Ma xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, trong đó, chú trọng phát triển đảng viên nữ, khu vực nông thôn và chi bộ có ít đảng viên.
Về cách làm cụ thể, Đảng ủy xã quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho từng chi bộ cơ sở, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cùng các đoàn thể tập trung rà soát, tạo nguồn kết nạp từ cơ sở thôn, bản gồm: cán bộ, đoàn viên, hội viên phụ nữ, hội viên nông dân, lực lượng dân quân, nhất là quần chúng nữ người dân tộc thiểu số; cử những đoàn viên ưu tú là nữ đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Từ đó, có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ để các nữ quần chúng sớm được kết nạp đảng. Theo cách làm này, dù có nhiều khó khăn nhưng số đảng viên nói chung và đảng viên nữ nói riêng của xã Giang Ma tăng lên, vừa bảo đảm mục tiêu về số lượng vừa góp phần nâng cao chất lượng đảng viên địa phương. Tính đến nay, Đảng bộ xã có 158 đảng viên, trong đó 59 đảng viên nữ.
Hiểu từng cơ sở, nắm rõ từng địa bàn
Vượt khó trong nhiệm vụ phát triển đảng viên, Tỉnh ủy Lai Châu xác định phải nắm bắt, hiểu rõ từng cơ sở, từng địa bàn để tìm các giải pháp phù hợp, khắc phục các khó khăn. Chia sẻ thêm về giải pháp này, đồng chí Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Mạc Quang Mạnh cho biết: Các huyện ở Lai Châu có diện tích rộng, có những xã cách trung tâm hàng trăm cây số nên việc mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng có nhiều bất cập. Hơn nữa, đối với các quần chúng nữ, nhất là những quần chúng nữ đã có gia đình, việc tham gia các lớp học ở xa càng khó khăn hơn nhiều. Hiểu và nắm rõ những khó khăn này của cơ sở, Tỉnh ủy có ngay giải pháp là mở lớp theo cụm, xã, đưa giảng viên từ trung tâm chính trị về một điểm xã, sau đó mời quần chúng từ các xã chung quanh đến học, tạo thuận lợi cho học viên khu vực các xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn.
Vượt khó trong nhiệm vụ phát triển đảng viên, Tỉnh ủy Lai Châu xác định phải nắm bắt, hiểu rõ từng cơ sở, từng địa bàn để tìm các giải pháp phù hợp, khắc phục các khó khăn.
Song song với việc hiểu rõ cơ sở, nắm rõ địa bàn, sự vào cuộc trực tiếp từ các chi bộ thôn, bản có ý nghĩa quan trọng, nhất là vai trò của các bí thư chi bộ thôn, bản. Xã Bản Hon (huyện Tam Đường) có tám bản, chủ yếu là người dân tộc Lự - một dân tộc rất ít người sinh sống. Diện mạo Bản Hon đang thay đổi từng ngày, tất cả các thôn, bản đều có đường ô-tô, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Đảng bộ xã Bản Hon có 13 chi bộ trực thuộc, trong đó có tám chi bộ nông thôn, với 197 đảng viên. Từ năm 2022 đến nay, Đảng bộ xã Bản Hon kết nạp 23 đảng viên, đạt tỷ lệ 3,8%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Một điểm rất đáng chú ý trong công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ xã Bản Hon là lần đầu, Đảng bộ kết nạp năm đảng viên nữ người dân tộc, ở các chi bộ nông thôn.
Để có được kết quả đáng mừng này, Đảng ủy xã và đồng chí Bí thư Đảng bộ xã đã dành nhiều tâm huyết và nỗ lực. Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Bản Hon Nguyễn Văn Thuận kể: “Rào cản lớn nhất trong việc kết nạp đảng viên nữ là tư tưởng trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu bám rễ”, hạn chế sự phấn đấu, tham gia của phụ nữ vào các hoạt động chính trị, xã hội. Để kết nạp năm đảng viên nữ, ở các chi bộ nông thôn, Đảng ủy xã Bản Hon đã phân công các đảng viên miệt mài giúp đỡ, vận động, thuyết phục, tạo điều kiện cho quần chúng tham gia hoạt động xã hội tại thôn, bản, tạo cơ hội để các quần chúng nữ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Quá trình vận động, thuyết phục thường xuyên, liên tục, không nản, theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, vừa quan tâm, chia sẻ những khó khăn vừa tuyên truyền, hướng dẫn để quần chúng nâng cao nhận thức và tự nguyện xin vào Đảng”.
Sùng Thị Chua là nữ Bí thư Chi bộ của bản Hô Ta (xã Tà Mung, huyện Than Uyên) từ năm 2021, kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Trở thành đảng viên khi mới 25 tuổi, Chua năng nổ với các hoạt động chung của thôn, bản, giúp đỡ nhiều quần chúng khác được kết nạp vào Đảng. Chi bộ bản Hô Ta có ba đảng viên nữ trong số chín đảng viên. Luôn trăn trở, mong muốn kết nạp được thêm đảng viên nữ cho Chi bộ mình, Bí thư Chua bộc bạch: “Kết nạp đảng viên nữ tại các chi bộ nông thôn lâu nay thật sự là nhiệm vụ rất khó khăn bởi những định kiến về giới, nhất là những áp lực từ phía chồng và gia đình chồng của những quần chúng nữ. Có nhiều quần chúng nữ muốn tham gia các hoạt động xã hội tại thôn, bản và muốn trở thành đảng viên nhưng chồng và gia đình chồng không cho phép”.
Theo Bí thư Chua, cách thiết thực và hiệu quả nhất để tăng số lượng đảng viên nữ là lập danh sách các quần chúng có mong muốn và nguyện vọng vào Đảng, chú trọng quần chúng nữ, thường xuyên rà soát và kiên trì vận động, tuyên truyền đến khi quần chúng và gia đình thay đổi nhận thức.
Việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên nữ giúp nâng cao vai trò lãnh đạo, tiếng nói của phụ nữ trong cộng đồng, tăng cường bình đẳng giới. Cách làm hiệu quả của các cấp ủy ở Lai Châu cần tiếp tục được duy trì, phát huy, đồng thời sáng tạo thêm các giải pháp mới, phù hợp thực tiễn địa phương, phát triển hơn nữa đội ngũ đảng viên nữ về cả số lượng và chất lượng.
Nguồn: https://nhandan.vn/xay-dung-doi-ngu-dang-vien-nu-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post875367.html
Bình luận (0)