Phối cảnh Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng bưng Lạc Địa khi hoàn thành. Ảnh: CTV
Nơi đứng chân của lực lượng cách mạng
Sự ra đời của xã Phú Lễ gắn liền với sự hình thành của huyện Ba Tri vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Những người dân đầu tiên đến cư trú vùng đất này rất coi trọng lễ giáo của cha ông để lại, nên đã đặt tên làng là Phú Lễ, nghĩa là vùng đất giàu lễ nghĩa. Các tập tục, nghi lễ xưa từ việc thờ cúng đến tín ngưỡng tôn giáo đều được bảo tồn. Thế hệ trước dạy cho thế hệ sau tiếp tục gìn giữ nghi lễ của cha ông.
Dân số của xã năm 1900 là 1.699 người, đến năm 1975 là 4.500 người. Hiện nay, xã có 1.812 hộ dân, với 6.780 nhân khẩu. Đa số là người Kinh và một ít người Hoa. Phần lớn nhân dân Phú Lễ sống bằng nghề nông. Một số ít sống bằng nghề đan đát, buôn bán. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với vị trí là một xã vùng ven thị trấn, Phú Lễ là nơi bị địch tập trung đánh phá ác liệt. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân hy sinh, bị bắt, bị tù đày. Tuy nhiên, nhân dân Phú Lễ vẫn một lòng trung thành với cách mạng, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa chi viện giúp đỡ lực lượng cách mạng huyện.
Căn cứ Lạc Địa là nơi đứng chân của lực lượng cách mạng xã Phú Lễ, của huyện Ba Tri và của nhiều xã khác trong huyện. Năm 2005, xã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Địa hình của xã Phú Lễ, gồm những giồng cát nằm kề nhau, vùng đất này được hình thành do phù sa bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Mảnh xương đầu cá sấu đào được ở khu Lạc Địa cũng như những địa danh như Lạc Địa - vùng đất mênh mông, hoang vu, cây cối chằng chịt dễ bị đi lạc), Gò Lức - dãy đất gò mọc toàn cây lức, đã nói lên sự hoang vu của nơi này.
Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Phú Lễ ghi lại: “Nằm sát quận lỵ Ba Tri, với vị trí là cửa ngõ che chở hướng Đông Bắc của quận, Phú Lễ là nơi địch liên tục đánh phá, nhất là những năm kháng chiến chống Mỹ. Do đó, cuộc chiến đấu của quân dân Phú Lễ càng thêm gay go, quyết liệt. Tuy nhiên, Phú Lễ với địa hình thuận lợi, có rừng Lạc Địa che chở, là căn cứ, nơi đứng chân của các lực lượng cách mạng tỉnh, huyện và xã. Phú Lễ là nơi quân giải phóng dùng làm bàn đạp tấn công vào cơ quan đầu não của địch trong quận Ba Tri. Đây còn là nơi xuất phát nhiều trận đánh nổi tiếng trong vùng, khiến địch mất ăn, mất ngủ”.
Di tích lịch sử - văn hóa
Một kỷ niệm phấn khởi khó quên vào ngày 5-5-1964, khi xã Phú Lễ được tỉnh chọn làm điển hình phá ấp chiến lược tại Hội nghị dân quân du kích Nam Bộ. Đồng chí Sáu Thành (còn gọi là chị Sáu Xem, lực lượng du kích mật) thay mặt cho Đảng bộ xã đi dự và đọc báo cáo tại hội nghị. Hội nghị đã thưởng cho xã 1 khẩu súng carbine, 1 cây viết Hồng Hà và 1 lá cờ Ấp Bắc, kèm theo bằng khen. Ban Binh vận được đi dự hội nghị miền. Hội Phụ nữ xã được Hội Phụ nữ tỉnh tặng 1 cờ. Nhân dân Phú Lễ vô cùng phấn khởi đón nhận các phần thưởng của trên dành cho địa phương, càng ra sức bảo vệ vùng giải phóng, làm tốt nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến.
Đạt được vinh dự trên là nhờ nhân dân Phú Lễ nhiều lần phá ấp chiến lược. Đầu năm 1963, hệ thống ấp chiến lược trong xã bị phá tan nhiều mảng lớn khiến địch không phương cách nào sửa chữa. Phong trào phá ấp chiến lược của xã Phú Lễ đạt thắng lợi. Tính chung trong thời gian này, ta có tất cả 60 lượt phá ấp chiến lược của chúng với 70% dây chì gai, trụ rào, chông bị phá hủy. Từ năm 1960 - 1964, dân quân du kích Phú Lễ đã đánh 364 trận, chống càn 141 trận, địch chết 109 tên, bị thương 296 tên. Phụ nữ đánh 19 trận, địch chết 25 tên, bị thương 33 tên. Binh vận 57 gia đình binh sĩ, 5 gia đình sĩ quan... Chống phá ấp chiến lược 174 cuộc, 2.494 lượt quần chúng tham gia, phá 6,5km đê, hoàn thành 3 ấp chiến đấu, 12 ổ chiến đấu. Động viên 21 gia đình trung nông giúp 19 mẫu đất cho bần nông. Tổ chức 3 trường học từ lớp 5 đến lớp 3 (tức lớp 1 đến lớp 3 ngày nay) có 346 học viên... Cùng nhiều thành tích đáng tự hào khác được ghi chép trong Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Phú Lễ.
Ngày 23-4-2025, tại xã Phú Lễ, UBND tỉnh đã tổ chức lễ khởi công công trình Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng bưng Lạc Địa. Khu di tích có tổng diện tích khoảng 130.113m2, phân thành các khu chức năng như: khu trung tâm, khu vui chơi, giải trí, khu tái hiện, phục dựng, khu nghỉ dưỡng. Tổng mức đầu tư của dự án 89,983 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho rằng: Công trình Khu di tích lịch sử - văn hóa cách mạng bưng Lạc Địa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, cùng với các di tích khác như: di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ, di tích Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa, di tích Nhà ông nguyễn Văn Trác, di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu… góp phần làm cho hệ thống các điểm đến sinh hoạt văn hóa, tưởng nhớ kết hợp với tham quan du lịch trong tỉnh ngày càng hoàn thiện và phát triển. Qua đó, thu hút thêm khách tham quan, du lịch về nguồn, giúp cho kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.
Ngày nay, xã Phú Lễ đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND xã Phú Lễ Đào Công Văn cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Lễ đang ra sức phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, đưa xã Phú Lễ ngày càng văn minh và giàu đẹp, xứng đáng là quê hương giàu truyền thống cách mạng, anh hùng”.
“Lạc Địa là vùng đất trũng, rộng lớn, có diện tích ban đầu khoảng 153ha. Đây là vùng đất rộng, hoang vu, cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Lạc Địa là nơi hoạt động thường xuyên của cán bộ cách mạng không chỉ của xã Phú Lễ mà còn của các xã lân cận như: Phú Ngãi, Phước Tuy, An Bình Tây, Mỹ Nhơn, bộ đội tỉnh, đặc công huyện… Vùng đất luôn làm kẻ thù phải khiếp sợ này, từng lưu dấu biết bao chiến công hiển hách của quân và dân huyện Ba Tri”. (Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười) |
Thạch Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/xay-dung-khu-di-tich-lich-su-van-hoa-tai-bung-lac-ia-05052025-a146126.html
Bình luận (0)